Wednesday, April 22, 2020

Trận đại dịch là lời nhắc nhở về một điều đã bị đánh mất từ lâu

"Trong cuộc tái xây dựng một thế giới đổ vỡ, chúng ta sẽ có cơ hội chọn một đời sống ít vội vã hơn".

Đại dịch do virus corona chủng mới đã kéo theo một cuộc thí nghiệm khổng lồ. Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, nhân loại đối mặt một trận dịch có tác động trên quy mô lớn đến vậy. Với hơn hai triệu ca nhiễm bệnh và 145.000 trường hợp tử vong, Covid-19 đã khiến 2/3 dân số thế giới bị đặt vào các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, dù ở mức độ khác nhau.

Các xã hội hiện đại phải gác lại phần lớn kế hoạch du lịch và gặp gỡ, trong khi những người đã quen với một thế giới kết nối cao phải tìm cách thích nghi với một thế giới hạn chế tương tác vật lý. Với những người may mắn không phải đứng ra tuyến đầu chống dịch và đủ điều kiện rút vào căn nhà của mình, đại dịch mang đến cho họ cơ hội một lối sống mới.

Hoặc cũ - một lối sống đã mất đi từ lâu, theo bài viết đăng trên the Atlantic, thể hiện quan điểm của tác giả Alan Lightman, một tác giả kiêm nhà vật lý học hiện làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ.

Zing dịch lại bài viết này.
------------

Khoảng năm 1600, khí hậu ở phần lớn châu Âu trở nên khá mát mẻ, trong giai đoạn sau cùng của cái gọi là Kỷ Tiểu Băng Hà.

Trên thực tế, giai đoạn này kéo dài 300 năm. Mùa đông thì lạnh đến tàn nhẫn còn mùa hè thì ẩm ướt và se lạnh, làm suy yếu đáng kể mùa sinh trưởng của muôn loài. Mùa màng thất bát. Con người đói kém. Nhưng chính sự biến đổi khí hậu này đã buộc giới ngư dân Anh, Pháp và Hà Lan cải tiến thuyền bè, cho phép họ đánh bắt cá xa hơn về phía tây và chịu được những chuyến đi dài ngày trên biển cả hung tợn. Không nghi ngờ gì, một vài kỹ thuật đóng tàu mới thời đó đã tạo ra những con tàu của ngày hôm nay.

Sự đổi mới thường trỗi dậy từ những thời kỳ ngặt nghèo. Trong những tuần qua, chúng ta đã chứng kiến những phát kiến đáng hoan nghênh như thế nảy mầm từ cuộc khủng hoảng kinh hãi của virus corona. Chẳng hạn, hãy thử nhìn vào nhiều nền tảng dạy học trực tuyến mới, hay việc sử dụng máy đo nhiệt thông minh giá rẻ kết nối Bluetooth để gửi trạng thái sốt và vị trí của một người đến một cơ sở dữ liệu từ xa, hay thành viên dàn nhạc giao hưởng Toronto trình diễn cùng nhau từ 29 địa điểm khác nhau nhờ điện thoại thông minh.

Trong những thời khắc gian khó, sự đổi mới có thể diễn ra trong thói quen của trí não lẫn trong những công nghệ mới. Đại dịch Covid-19 đáng sợ có lẽ cũng đang tạo ra một sự thay đổi như thế - bằng cách buộc đa số chúng ta sống chậm lại, để giành nhiều thời gian chiêm nghiệm bản thân hơn, tránh xa những huyên náo và căng thẳng của thế giới. Khi có nhiều thời gian tĩnh lặng hơn, có nhiều riêng tư hơn, nhiều tĩnh tại hơn, chúng ta mới có cơ hội suy ngẫm xem mình là ai, cả với tư cách cá nhân lẫn xã hội.

Những thói quen của trí não và của lối sống không dễ mà thay đổi. Chúng ta thường trượt vào những thói quen của cuộc sống mà không hay biết, chẳng hạn như trở nên quá quen với việc sống trên một con phố ồn ào đến nỗi không còn nhớ nổi khu phố trước đây của mình cùng một thời yên ắng. Cần phải có một thế lực mạnh mẽ nào đó giáng xuống để giúp đánh thức chúng ta khỏi cơn mê. Và giờ đây chúng ta đã bị đánh thức. Chúng ta đang có cơ hội để nhận ra: Chúng ta đã và đang sống quá gấp. Chúng ta đã bán bản ngã của mình cho con quỷ mang tên tốc độ, hiệu quả, tiền bạc, siêu kết nối và “tiến bộ.”

Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, nhịp sống con người đã luôn bị thúc đẩy bởi tốc độ thương mại và kinh doanh. Và ngược lại, tốc độ kinh doanh bị thúc đẩy bởi tốc độ truyền thông.

Trong những năm 1830, thiết bị truyền thông nhanh và mới nhất là máy điện tín, vốn có thể truyền tải thông tin với tốc độ 3 bit/giây. Tốc độ này tăng lên khoảng 1.000 bit/giây vào giữa những năm 1980 với sự ra đời của mạng Internet. Ngày hôm nay, tốc độ này là 1.000.000.000 (một tỷ) bit/giây.

Kết quả là sự gia tăng năng suất nơi công sở, kết hợp với phương trình “thời gian là tiền bạc” đã dẫn tới sự nhận thức sâu sắc về cách sử dụng thời gian phục vụ cho mục đích và thương mại của chúng ta.

Kết quả là chúng ta đã tạo ra một lối sống điên loạn mà trong đó không phút giây nào bị bỏ phí. 24 giờ quý giá mỗi ngày được đẽo gọt và băm nhỏ thành từng đơn vị “hiệu quả” với mỗi đơn vị kéo dài 10 phút.

Ta bị kích động và tức giận trong phòng chờ của một phòng khám nếu phải đợi từ 10 phút trở lên. Ta mất kiên nhẫn nếu chiếc máy in laser không đạt tốc độ ít nhất năm trang một phút. Ta không thể ngồi yên trên ghế trong 10 phút. Ta phải được kết nối Internet mọi lúc. Ta mang cả smartphone lẫn laptop vào kỳ nghỉ cá nhân. Ta kiểm tra email ở nhà hàng và kiểm tra tài khoản ngân hàng trực tuyến trong lúc dạo bộ trong công viên. Ta trở thành nô lệ của những cuộc hẹn “khẩn” và danh sách việc cần làm và bị nghiện sự kích thích liên tục từ thế giới bên ngoài.

Một nghiên cứu ngắn gọn nhưng ít được nhắc đến của Đại học Hertfordshire phối hợp cùng Hội đồng Anh cho thấy tốc độ đi bộ của người đi bộ tại 34 thành phố trên thế giới đã tăng 10% chỉ trong giai đoạn 10 năm từ 1995 đến 2005. Và tất cả điều này xảy ra một cách vô hình. Dần dà, tiếng ồn và tốc độ của thế giới đã gia tăng đến nỗi ta khó mà nhớ được về một kỷ nguyên thong dong và tĩnh lặng, khi ta còn có thể để tâm trí mình lang thang và suy nghĩ về những gì mình muốn nghĩ, khi ta còn có thời gian để ngẫm về những nơi ta đã đi và những gì ta tin tưởng.

Nhưng giờ đây, ta đã được đánh thức. Lúc này, khi các công sở ngừng hoạt động, các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng in ấn và siêu thị đóng cửa, nhiều người trong chúng ta dành 24 giờ mỗi ngày để sống trong những nơi trú ẩn nhỏ bé là ngôi nhà của mình, đột nhiên ta thấy mình cô độc với những suy nghĩ của mình. (Ở đây không bao gồm những anh hùng làm trong ngành y tế hay thương mại, những phụ huynh có con nhỏ hay những người già cần được chăm sóc liên tục). Trong nhà, thời gian và không gian đã mở ra trong tâm trí chúng ta.

Ngay cả với những người duy trì đời sống công việc bằng cách làm việc online, lịch trình làm viêc của họ cũng linh hoạt hơn. Nhu cầu đã giảm. Những thói quen thường nhật đã bị gián đoạn. Chúng ta bỗng có được một quỹ thời gian tự do, thú vị và không khuôn phép. Thảm họa khủng khiếp này đã giải phóng chúng ta khỏi ngục tù của đời sống tuân theo thời gian biểu. Ít nhất trong vài tháng, chúng ta có cơ hội được sống chậm lại. Trước kia, chúng ta đã có rất ít cơ hội để làm thế do bị cuốn theo làn sóng hung hãn của thịnh vượng và tốc độ trong thế giới hiện đại.

Với một đời sống bớt hối hả hơn, ta có thể tìm lại những gì?

Đầu tiên, như nhiều người đã lưu ý và như tôi từng thảo luận trong cuốn "In Praise of Wasting Time" (Ca ngợi thời gian lãng phí) của mình, đó đơn giản là sự hồi phục cần có cho tâm trí nhờ vào việc không làm gì cụ thể cả, từ việc suy nghĩ lan man không đầu không cuối, từ việc tìm kiếm vài khoảng lặng để tránh xa sự huyên náo của thế gian.

Tâm trí ta cần được nghỉ ngơi. Tâm trí ta cần thời gian để tĩnh lại. Nhu cầu này đã được thừa nhận suốt nhiều nghìn năm qua. Nó được mô tả sớm nhất vào năm 1.500 trước Công nguyên trong các truyền thống thiền định của Ấn Độ giáo và sau này là trong Phật giáo. Đây là một văn bản cổ trong Kinh Pháp cú: “Khi một thầy tu đi vào nơi hoang vắng và làm dịu tâm tri mình, (ông) trải nghiệm sự an lạc nhiều hơn tất cả những người khác.”

Với một mức độ tự do nhất định khỏi đời sống bị khống chế bởi thời gian, sự sáng tạo của ta cũng tăng theo. Giới tâm lý học từ lâu đã biết rằng sự sáng tạo phát triển mạnh mẽ khi không bị thời gian trói buộc. Gustav Mahler thường xuyên đi bộ ba hoặc bốn tiếng sau bữa ăn trưa rồi dừng chân để ghi lại những ý tưởng trong sổ tay của mình. Carl Jung suy nghĩ và viết lách sáng tạo nhất khi ông rời khỏi những buổi trị liệu bận rộn của mình tại Zurich để về vùng nông thôn Bollingen, Thụy Sĩ. Khi đang làm dở một dự án viết lách, Gertude Stein thường lang thang về vùng thôn quê chỉ để ngắm lũ bò.

Chúng ta và con cái của chúng ta cần nhiều thời gian hơn để chơi đùa. Trong một báo cáo lâm sáng năm 2007 của Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ, bác sĩ Kenneth R. Ginsburh đã viết rằng chơi đùa “cho phép con trẻ sử dụng khả năng sáng tạo của mình trong lúc phát triển óc tưởng tượng, sự khéo léo và sức khỏe thể chất, nhận thức và cảm xúc". Tuy nhiên, “nhiều bé đang được nuôi dạy với phong cách ngày càng vội vã, áp lực, vốn có thể hạn chế những lợi ích mà chúng sẽ có được từ việc chơi đùa”.

Với sự chậm lại của cuộc sống hiện nay do virus corona gây ra, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ những ý tưởng sáng tạo và đổi mới ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Italy, những người dân bị cách ly đang hát từ ban công. Những nhà văn tạo ra những trang blog mới. Những phụ huynh phát triển những dự án nghệ thuật mới cho con cái họ.

Nhưng còn một điều nữa ta có thể tìm lại. Một điều gì đó sâu kín hơn, tinh tế hơn, gần như không thể gọi tên. Đó chính là sự phục hồi nội tâm của chúng ta.
Khi nói đến nội tâm, tôi muốn nói đến cái phần giàu trí tưởng tượng, giàu mộng mơ, ham khám phá, liên tục đặt câu hỏi tôi là ai và cái gì là quan trọng đối với tôi, bên trong tôi.
Nội tâm của tôi là sự tự do đích thực của tôi. Nội tâm của tôi nối kết tôi với chính mình và mặt đất dưới chân tôi. Ánh sáng mặt trời và đất nuôi dưỡng nội tâm của tôi chính là sự cô độc và những chiêm nghiệm cá nhân của tôi. Khi lắng nghe nội tâm mình, tôi nghe thấy tiếng thở của linh hồn tôi. Những hơi thở thật nhỏ bé và mong muốn đến nỗi tôi cần đứng yên để nghe thấy chúng, tôi cần sự thong thả để nghe được chúng. Tôi cần những khoảng không yên tĩnh bao la trong tâm trí mình. Tôi cần sự riêng tư.
Nếu không có tiếng thở và giọng nói của nội tâm mình, tôi chỉ là tù nhân của thế giới điên loạn bên ngoài. Tôi là tù nhân của công việc mình làm, của tiền tôi có, của quần áo trong tủ. Tôi là cái gì? Tôi cần sự chậm rãi và tĩnh lặng để trả lời câu hỏi này.
Đôi khi, tôi hình dung nước Mỹ như một con người, và tôi nghĩ rằng, cũng như một con người, đất nước của chúng ta cũng có một nội tâm. Nếu vậy, đất nước chúng ta có nhận ra nó có một nội tâm không? Nó có nuôi dưỡng nội tâm đó không? Nó có lắng nghe tiếng thở của nó để biết nước Mỹ là ai, tin vào cái gì và đang đi đâu không?
Nếu những công dân của đất nước này, cũng như tôi, đã đánh mất một phần nội tâm mình, vậy toàn bộ đất nước này thì sao? Nếu đất nước chúng ta không thể lắng nghe nội tâm của chính nó, thì làm sao nó lắng nghe được nội tâm của những quốc gia khác? Nếu đất nước chúng ta không thể cho chính nó tự do nội tại, thì làm sao nó cho phép những quốc gia khác hưởng tự do? Làm sao nó có thể giúp nó cộng sinh một cách hòa hợp và thấu hiểu với sự tôn trọng những đất nước và nền văn hóa khác, để chúng ta có thể thật sự đóng góp vào hòa bình và sự tốt đẹp của thế giới?
Như nhiều người trong số chúng ta, tôi sẽ có cơ hội trả lời những câu hỏi này trong vài tháng tới. Nhưng một sự tự ngẫm như thế, một sự tự chăm sóc nội tâm như thế, không phải là sự kiện chỉ xảy ra một lần. Mà nó nên là một phần diễn ra liên tục của một đời sống có ý thức, nói theo cách của Henry David Thoreau. Và một đời sống có ý thức như thế đòi hỏi một sự thay đổi lâu dài về lối sống và thói quen.
Đến một lúc nào đó, virus corona sẽ biến mất hoặc ít nhất là hòa vào vô số loại virus và bệnh vặt khác. Sẽ có (và đã có) nhiều sự đau khổ và mất mát sinh mạng to lớn, những thiệt hại kinh tế nặng nề. Nhưng bi kịch đó không nên được phóng đại. Trong nhiều năm tới, chúng ta sẽ cố gắng xây dựng lại một thế giới đổ nát. Nhưng có lẽ một lối sống chậm rãi hơn trong những tháng này có thể sẽ giúp hàn gắn những mảnh vụn lại với nhau.
Và có lẽ một lối sống giàu ý thức và chiêm nghiệm hơn có thể kéo dài mãi.
Danny Wertheimer chơi đàn và hát từ ban công nhà mình ở Oakland, California, Mỹ vào hôm 21/3, hai ngày sau khi Thống đốc California Gavin Newsom ban bố lệnh "ở nhà" cho 40 triệu cư dân của bang. Ảnh: Reuters.

No comments:

Post a Comment