Thursday, April 9, 2020

NƯỚC ĐỨC VÀ DỊCH BỆNH

Nước Đức ở trung tâm châu Âu và có một khởi đầu không mấy tốt lành với dịch viêm phổi Vũ Hán, có thể nói rằng đã khá chủ quan và đánh mất thời gian vàng khoảng độ 2 tháng để có thể ngăn được dịch hiệu quả từ châu Á và các nước khác tràn sang.
Thế nhưng khi đã nhận biết ra nguy cơ đại dịch nước Đức đã gồng mình lên để chống theo cách rất “Đức”, không quá vội vã, không hề “ngạo nghễ”, nhưng số ca tử vong cho tới hôm nay chỉ bằng 1/10 của Ý hay Tây Ban Nha (và chỉ bằng nước Mỹ hôm qua sau 24 tiếng kỷ lục!!) nói lên hiệu quả của họ.
Đức (và nhất là Áo!) đang chống dịch khá hơn hẳn những Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan… nên chuyện “giàu” ở đây chỉ mang tính tương đối, họ cũng có thể chế chính trị phức tạp, không phải cái gì muốn là áp dụng được ngay (“thua thiệt” nhiều so với mấy nước châu Á!) nhưng về lâu về dài họ sẽ “dập dịch” thành công là chắc chắn, bởi họ vừa làm vừa tính toán chứ không hề nhắm mắt áp dụng theo người khác.
Cũng như cái cách Đức vừa chống dịch vừa trao đổi thông tin với dân, qua viện Robert Koch, qua chuyên gia virus học Christian Drosten (mà nay đã thành ngôi sao truyền thông bất đắc dĩ) đáng để chúng ta học tập, ít ra là học cách họ đặt câu hỏi cho từng biện pháp, từng mốc thời gian cần tiến hành.
Chẳng hạn như Đức đã áp dụng việc cho nghỉ học, và hạn chế ra ngoài từ lâu, nhưng chỉ từ 10.04.2020 Đức mới áp dụng luật cách ly tập trung 14 ngày khi đến Đức. Miễn trừ với người đi làm, lái xe tải, nhân viên y tế! Tức là họ biết thừa có biện pháp như thế, nhưng để chọn thời điểm nào mới áp dụng họ suy nghĩ “lâu” lắm, chứ không như ở ta “đánh đùng một cái” phát hiện ra N17 thế là cả nước nháo nhào lên! Đến hôm qua, Đức vẫn chưa “thông” được, là cái chi phí 14 ngày tập trung ấy ai trả, cá nhân hay từng bang hay chính phủ phải móc hầu bao – đâu có đơn giản mà “quyết liệt” với “thần tốc” như ta được, chi tiết các bang đang còn soạn thảo.
Hay như cái việc đeo khẩu trang – “khổ lắm, nói mãi” – nhưng dân Đức không có văn hóa đeo khẩu trang như châu Á, thế nên ngoài chuyện khuyến cáo thì đối thoại với dân là cách thiết thực nhất! Viện Robert Koch lập ra một nhóm mới trong đó có cả Drosten để nghiên cứu rõ hơn về khẩu trang, khoảng cách cách ly, chứng minh rằng đó là biện pháp tốt khi tuyệt đại đa số dân tuân thủ… đối với chính dân Đức, chứ trước đây vì vội và chưa đủ thông số cứ phải dựa vào số liệu của châu Á, dù là ở Hồng Kông hay Hàn Quốc (là những nơi “dập dịch” đến nay rất thành công đấy) cũng chưa đủ tin tưởng và thuyết phục với dân Đức đâu…
Họ không làm việc giời ơi đâu, mà mục đích rất rõ: liệu giữa tháng 5 có được quay trở lại nhịp sống như trước kia không? Và chính phủ chắc chắn sẽ lắng nghe họ! Mục tiêu là những con số cụ thể: họ “phấn đấu” (tiếng Đức không có từ này!) đưa số ngày chữa trị bệnh nhân từ 14 ngày xuống 12 ngày (đã đạt được) rồi sẽ 10 ngày – chỉ có cách ấy mới giúp cho ngành y tế không “vỡ trận”! Để làm được điều ấy rất cần các nhà khoa học: hãy nói ra người đã nhiễm bệnh, nếu đeo khẩu trang thì chẳng hạn ngày thứ 10 trong không khí sẽ có bao nhiêu thành phần lây bệnh! Nếu không đeo thì có bao nhiêu? Hạt nước chứa virus “nhỏ” (bay trong không khí được) kích cỡ nào, nhỏ đến đâu thì nó nhanh tự khô? Thế còn hạt “to” thì kích cỡ nào (không bay mà chỉ tồn tại trên bề mặt) – sau bao nhiêu ngày thì nó không còn tính năng lây bệnh? Tại sau cần đứng cách nhau 6 bước (2m), tiếp xúc nhanh 6s thôi, nếu gần, lâu hơn hơn hệ lụy thế nào?
Đức lật lại để kiểm chứng những điều mà chúng ta (trước thì không biết) coi như hiển nhiên: có đúng lây được qua không khí không, khẩu trang đơn giản thì có tác dụng không, có đúng là nhân viên y tế cần đeo loại khẩu trang đặc biệt (mà số lượng bao giờ cũng ít và đắt) không, điều hòa tổng có dễ đem virus tới con người không (chưa kết luận, nhưng có vẻ như siêu thị không an toàn lắm!), khử trùng dù là toàn bộ tòa nhà hóa ra cũng ít tác dụng, bệnh viện thì lại nên, còn toàn bộ khu dân cư thì để trấn an thôi!
Thậm chí Drosten mới công bố kết quả phân tích: giẻ lau nhà của 30 phòng bệnh khác nhau tại Đức! Không phải chuyện vớ vẩn đâu: những người đã nhiễm bệnh đến tuần thứ hai khả năng lây sang người khác kém đi nhiều lắm rồi!  Đấy, người Đức thích cụ thể, và qua các bài nói chuyện hàng ngày với Drosten họ được có thông tin cụ thể đó…
Có vẻ như các chuyên gia Đức không hy vọng nhiều vào việc kiểm soát được nguồn bệnh (như ta gọi là đi xác minh F0, F1… rồi cách ly khắp lượt những người có tiếp xúc với các đối tượng này), mặc dù họ kỳ vọng vào ứng dụng trên ĐTDĐ nhưng với mục đích cảnh báo những người xung quanh, hơn là việc truy tìm ra họ để “chữa”.
Theo họ, càng về sau (khi bệnh nhân tăng lên) việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội càng phát huy tác dụng. Mà như vậy cần có đủ khẩu trang! Nhiều công ty nhập khẩu hay lắp ráp ô tô, vải vóc đã chuyển đổi dây chuyền qua sản xuất khẩu trang, không phải vì họ nhanh nhậy trong làm ăn đâu, do chính phủ “sờ gáy” đấy! Cũng như thiết bị thử, Đức có mua của nước ngoài nhưng kiên quyết chỉ tin tưởng vào hàng “made in Germany” và các tập đoàn hay được ân sủng của chính phủ bây giờ đi mà sản xuất bộ thử, tỉ lệ được thử của Đức là rất cao so với châu Âu rồi nhưng “càng nhiều càng ít”…
Với máy thở ô xy cũng vậy, sẽ thiếu mặc dù hiện nay Đức vẫn hỗ trợ cho Ý và Pháp về mặt này, nhưng Đức sẽ tự sản xuất thêm! Drosten báo: số lượng PCR Test từ viện Robert Koch hiện là tầm 500.000-700.000/ngày  hiện tại, 2 tuần trước đây là 350.000 dù số lượng đưa ra ban đầu là 500.000 (số lượng này có thể do kết quả đến chậm hoặc có thể nguồn nguyên liệu sản xuất PCR hoặc hóa chất để thực nghiệm chậm). Ông khẳng định Đức là nước đầu tiên thực hiện sản xuất trên số lượng lớn những mẫu thử này! Tất nhiên hiện tại cá nhân nhà khoa học cũng cảm thấy việc tăng công suất là khó vì nguồn nguyên liệu. Hiện thực tế con số trên là theo nguồn hằng ngày, gần như ko còn nguồn dự trữ - vấn đề bây giờ với Đức ko phải là tăng số lượng, mà là tăng chất lượng thử nghiệm có định hướng!
Drosten thấy rất thú vị với nghiên cứu ở Iran (với 10.000 ca bệnh khai báo online) đã báo là bị mất vị giác và khứu giác. Nghiên cứu bệnh nhân ở Munich cũng đưa ra kết luận gần 50% bị mất hoặc ảnh hưởng khứu giác và vị giác. Ở  Iran có trong số bệnh nhân được nghiên cứu 67% bị đột ngột ko ngửi được, 75% biểu hiện giống cúm, 83% bị thêm mất khẩu vị; và 12% người thân của những người có biểu hiện này bị lây, trong đó 7,5% có đến thăm họ ở bệnh viện. Ông ngạc nhiên vì 84% ở nhóm bị lây nhiễm này bị mất khứu giác. Không thể nghiên cứu sâu và kỹ hơn vì nhiều điều kiện khách quan, nhưng giá trị ở đây là việc không ngửi được có thể đưa vào câu hỏi dành cho bệnh nhân đến khám, hoặc khi ai đó cảm thấy đột ngột không ngửi được thì nên tự cách ly!
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, có thể nói chính quyền Merkel rất mạnh tay trong việc ổn định tinh thần cho dân Đức bằng tài chính! Công ty  có từ 11 đến 49 nhân viên có thể vay vốn với bảo lãnh của nhà nước nhiều nhất tầm 500.000 Euro, nếu hơn 50 người thì tối đa 800.000 Euro. Thế nên có nhiều bà con Việt Nam bên đó mùa dịch này thấy ngồi nhà còn vui hơn mọi năm, là chuyện rất đời!
Chưa qua đỉnh dịch nhưng Đức cũng như nhiều nước châu Âu bắt đầu nghĩ tới “hậu chiến” rồi. Áo bắt đầu nới lỏng lệnh cấm sau lễ Phục sinh. Các cửa hàng bán đồ làm vườn, xây dựng.. sẽ được mở lại sau ngày 14.04. Trung tâm mua sắm và tiệm tóc mở lại đầu tháng 01.05. Nhà hàng và khách sạn tầm từ giữa tháng 5, nhưng lệnh hạn chế chung thì vẫn hết tháng 4, còn trường học vẫn đóng đến giữa tháng 5. hội nghị, hội thảo cấm hết tháng 6. Việc mang khẩu trang ko chỉ bắt buộc ở chợ, siêu thị mà từ 13.04 tham gia chỗ công cộng đều phải mang khẩu trang. Bên Tiệp thì muốn nới lỏng một tý cho buôn bán nhưng hiện cũng đang cãi nhau kịch liệt trong chính phủ vụ này. Ý đang thảo luận việc tất cả nhân viên trước khi quay lại làm việc phải kiểm tra máu…
Drosten cho hay bản thân các thông tin ở Đức cũng không giống nhau, nguồn chính thống dựa vào thông báo của Robert Koch Institut, tất nhiên sẽ chậm hơn. Còn các nhà báo thì “nói dựa”, ngay cả nguồn từ Johns Hopkins University thường cho con số cao hơn, nhưng những con số này nhiều lúc nguồn gốc ko rõ ràng, dựa trên những kênh không chính thống và họ nhiều lần cũng phải tự sửa chữa điều chỉnh lại con số, ngay bản thân ông Drosten chỉ xem cho biết.
Sắp tới lễ Phục Sinh, chúc cho nước Đức và bà con Việt Nam bên đó được an lành!


Chú thích ảnh: (từ trái sang phải):
Lothar H. Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, Christian Drosten, Giám đốc Viện Virus học tại Charité Berlin và Jens Spahn, Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang, tại cuộc họp báo hôm 9.3, tại Berlin (ảnh: dpa).

Nam Nguyen

No comments:

Post a Comment