Sunday, April 26, 2020

Nghệ sĩ Tuồng Đàm Liên

Đàm Liên vừa mất hôm qua. Tôi có một cơ may, hồi nhỏ được gặp và biết nhiều danh nhân. Nhiều người ngày nay chỉ còn là tên đường hoặc một mục trong từ điển. Đối với tôi là một kỷ niệm sống động một thời. 
     Nhân dịp bà mất tôi mới có dịp xem lại chuỗi clip rất đặc sắc và tinh tế của Lê Quốc Vinh. Cách dựng lại chân dung nhân vật của Vinh rất độc đáo và giá trị, đáng ra phải có rất nhiều nữa. Trong tương lai Vinh có lẽ cũng sẽ là một tượng đài của truyền thông.
    Tôi vốn không phải là người yêu thích Tuồng. Nhưng cũng biết giá trị của nó trong nghệ thuật sân khấu. Tuy vậy, kỷ niệm về Tuồng của tôi gắn liên với một người em trai của bà nội tôi, nhà soạn kịch Liên Nguyễn, thuộc đoàn tuồng Liên Khu Năm. Năm tôi 13 tuổi, ông Liên đưa tôi đến chơi ở Khu Văn Công Mai Dịch. Buổi trưa ăn bún riêu cua thì phải. Rất nhiều các cô văn công xinh đẹp, trẻ, đều gọi ông tôi bằng anh. Dĩ nhiên tôi phải gọi tất cả bằng "bà", tuy vậy tôi được phép gọi bằng "cô", tuy có cô chỉ dám xưng chị. Tất cả đều nói giọng Quảng Nam, và đều là nghệ sĩ Tuồng hay ca kịch Quảng.  Trong số đó có Đàm Liên, nếu tính lại thì có lẽ năm đó cô mới 25.  Khi cô Liên không có mặt ở đó, ông tôi mới nói Đàm Liên rất giỏi, rất đẹp. Kỷ niệm chỉ có thế.
    Hôm đó cũng có mặt cô Thi, em gái nuôi của ông tôi, tôi kiên quyết gọi bằng "bà", nhưng sau đó tôi học trường Dịch Vọng cạnh nhà bà, trưa hay về ăn cơm nên thuyết phục được tôi gọi bằng cô. 
    Điều đáng nói, ông tôi còn trẻ sống giữa một đám nữ văn công trẻ đẹp như thế mà vẫn rất điềm đạm, chừng mực và chung thủy với bà vợ ở miền Nam.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

6 comments:

  1. Thời kỳ từ 1954 đến Sự kiện Vịnh Bắc Bộ là 10 năm hòa bình ở miền Bắc. Đây là thời kỳ thịnh vượng của những giá trị mới và giới văn nghệ sỹ lúc ấy cùng có phẩm chất của thời đại cm, như những người trong tầng lớp công chức cm nói chung. Rất đàng hoàng và có tư cách, dù sau này, khi chiến tranh phá hoại xảy ra thì có đôi chút khác hơn với cái câu '"má văn công, mông bộ đội'"...
    Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với 1 nền văn hóa mới, rất khởi sắc, mà tôi may mắn được thưởng thức trực tiếp (1 phần tinh túy) từ Đoàn ca múa nhân dân TW. Bởi ông anh bà con của tôi, lúc ấy là kỹ sư từ Pháp về (dù tôi gọi là anh nhưng tuổi so với tôi thì phải kêu là ''chú''), có vợ là vũ nữ của đoàn. Vì thế mà tôi thường được xem những chương trình chọn lọc đặc sắc nhất thường để chiêu đãi các đoàn đại biểu và chính khách các nước đến VN. Từ đó mà thấy tài nghệ của các nghệ sỹ thực thụ là thế nào, tạo được cảm xúc ra sao...
    Ông cụ nhà tôi cũng rất quý ông anh của tôi nên hay dắt tôi theo mỗi khi ông đến thăm anh ấy và 2 vợ chồng anh ấy cũng thường qua lại nhà tôi. Nhờ gần với nghệ sỹ từ bé, nên với tuổi thơ trong sáng, tôi cũng nhận thức được 1 phần về phẩm chất và tư cách của những bậc tiền bối như ông của Ái Việt, rất đàng hoàng, rất tư cách, ko bê bối vì tham ô, hủ hóa là những thứ người ta sợ hơn Coronavirus bây giờ.

    ReplyDelete
  2. HO Huu Viet
    Vậy là Ái Việt tiếp nối truyền thống gia đình từ ông Liên nhỉ. Đi khắp thế giới mà vẫn lấy vợ Việt Nam. Cám ơn bạn đã chia sẻ kỷ niệm xưa.

    ReplyDelete
  3. Trần Việt
    Cháu nhớ cô Đàm Liên diễn trích đoạn " Cõng vợ
    đi chơi"

    ReplyDelete
  4. Nguyen Xuan Hoai
    Tuổi thơ của em anh ah, em sống ở khu vc Mai Dịch! Cả cô Đàm Liên và Đoàn Tuồng Nam (ở khu gọi như thế để phân biệt với Nhà hát tuồng TW gọi là đoàn tuồng Bắc, sau này đoàn tuồng Nam nhập về đoàn tuồng Bắc). Tên tuổi cô Liên luôn gắn với những trích đoạn kinh điển như Hồ Nguyệt Cô Hóa Cáo, Ông Già Đi Chơi Hội ... em không chỉ được xem cô diễn mà còn xem cô dậy cho các thế hệ học trò sau này!

    ReplyDelete
  5. Camtrinh Nguyen
    Chị cũng không thích tuồng nhưng rất thích xem NSND Đàm Liên diễn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Em nhớ hồi ở Hồng Châu, mẹ về HN, hai anh em ở giữa khu rừng phi lao, nghe tuồng Liên Khu Năm rợn tóc gáy với tiếng thét của nó.

      Delete