Friday, April 17, 2020

Phiếm đàm về câu đối*

Do ảnh hưởng từ Hán học du nhập vào nước ta, từ lâu câu đối trở thành quen thuộc trong cuộc sống của VN. Trong tư duy của người phương Đông, cách nhìn, cách cảm thường chứa nội dung "đối". Tuy nhiên, điều này cũng có thể thấy trong kiến trúc đình chùa, nghi lễ hội hè... đều có sự đối xứng, mà từ phong cách, có thể nhận biết sự riêng biệt mang nét hài hòa theo kiểu phương Đông.

Từ 1 môn học trong nhà trường thời phong kiến theo lối cử tử, câu đối trở thành 1 thể loại văn học cổ là thể câu đối. Câu đối gồm 2 vế hoặc 2 đoạn đối nhau (đối ý, đối chữ, đối thanh) dùng để thử tài thông minh, nhanh trí qua đó bày tỏ chí hướng, chúc mừng... và thường được treo ở nơi trang trọng, nhất là ở đình chùa, miếu mạo.

Vì thể hiện tài trí, bản lĩnh của con người nên câu đối là vốn hiểu biết sâu rộng, toát lên khẩu khí, nhân cách của người đối. Câu đối phải cô đọng mới hay, câu đối thử tài phải cầu kỳ hiểm hóc khó đối thì mới thú. Các trạng nguyên tân khoa thường phải đối vế đối của vua trên sân rồng trước khi lĩnh áo mũ vua ban, các sứ thần thường phải đối khi qua quan ải và nhất là khi bệ kiến vua nước mình đến, chính là vì vậy.

Người Việt vốn thông minh, ứng đối mau lẹ để bảo vệ quốc thể của mình qua pho câu đối - đi sứ. Ko ai quên được vế đối đanh thép của Giang Văn Minh khi vua nhà Minh thử tài ông bằng 1 vế đối có ý khinh miệt dân ta:

Đồng trụ chí kim đài thượng lục
(Trụ đồng đến nay rêu vẫn xanh)

Ông đã dõng dạc đối lại bằng một câu tràn đầy niềm kiêu hãnh về 1 dân tộc anh hùng:

Đằng giang tự cổ huyết do hồng
(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ)

Còn Mạc Đĩnh Chi vì đối đáp giỏi, tài trí tuyệt vời nên đã được vua Nguyên phong là "Lưỡng quốc trạng nguyên". Một lần bị mưa, đến yết kiến vua Nguyên chậm, viên quan coi cửa bắt ông phải đối được mới cho vào. Vế đối đưa ra là:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
(Qua cửa quan chậm, quan coi cửa đóng cửa, mong khách đi qua qua cửa)

Vế ra có đến 4 chữ quan (lại là từ đồng âm) và 3 chữ quá thật hiểm hóc, khó đối. Nhưng Mạc Đĩnh Chi đã ứng khẩu đọc luôn:

Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
(Ra vế đối trước thì dễ, đối lại vế đối mới khó, xin nhường tiên sinh đối trước)

Viên quan coi cửa phục tài bèn mở cửa cho ông vào.

Đấy là đối đáp với các triều đình bên ngoài. Câu đối VN còn được dân gian hóa, Việt hóa, trong đó các yếu tố Hán-Việt và thuần Việt xen kẽ nhau, hoặc ko còn yếu tố Hán-Việt nữa.
Câu đối Tết của "bà chúa thơ Nôm" đậm chất dân gian tuy còn đôi từ Hán-Việt nhưng ai cũng hiểu được:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào

Câu đối của Trạng Quỳnh thì vừa tinh nghịch, xấc xược vừa biến báo như thần và đó là những câu đối VN trăm phần trăm cả về ngôn ngữ, ý tứ và sắc thái:

-Trời sinh ông Tú Cát/Đất nứt con bọ hung
-Miệng nhà sang có gang có thép/Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm

Về sau, còn có câu đối chửi quan lại vẫn rất chỉnh, ví dụ của Xiển Bột:
- Vế quan ra:  Roi thất phân đánh đít mẹ học trò
- Vế Xiển đối: Lọng bát bông che đầu cha quan lớn

Nói đến Việt hóa của câu đối, ko thể ko nói đến cấu trúc tu từ của từ đồng âm khiến câu đối đọc lên nghe rất thú vị và dễ nhớ:
Ruồi đậu mâm xôi đậu/Kiến đĩa thịt

Nhưng thường là từ đồng âm với nghĩa Việt và Hán khác nhau:
- Ô! quạ tha gà/! Rắn bắt ngóe
- Da trắng vỗ bì bạch/Rừng sâu mưa lâm thâm

Có khi trong câu đối có cả hai loại từ đồng âm nói trên mà tiêu biểu là vế ra của Đoàn Thị Điểm và vế đối của Trạng Quỳnh:
- Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long
(Vế ra có 2 từ đồng âm: long: từ Hán là rồng, từ thuần Việt là ko chặt; rắn: từ thuần Việt có nghĩa con rắn, vừa có nghĩa là cứng)
- Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử
(Vế đối cũng có 2 từ đồng âm. Thử: từ Hán là chuột, từ thuần Việt nghĩa là thử chơi; gang: từ thuần Việt vừa là gang tay, gang tấc, vừa là dưa gang)

Một nét Việt hóa nữa của câu đối là cấu trúc tu từ của từ đồng nghĩa trong câu đối. Có trường hợp là từ đồng nghĩa hoàn toàn - các cặp từ Việt và Hán đồng nghĩa với nhau:

Cha con thầy thuốc về làng, quảy một gánh hồi hương phụ tử

Nhưng nhiều hơn là những từ đồng nghĩa ko hoàn toàn, còn gọi là từ gần nghĩa, tức là những từ cùng nằm trong một trường ngữ nghĩa với nhau, tạo ra sự liên tưởng rất thú trong câu đối:

- Kiến đậu cành cam, bò quấn quýt
  Ngựa về làng bưởi, chạy lanh chanh
- Bà đồ Nứa đi võng tre, đến khóm trúc thở dài hí hóp
- Lên phố Mía, gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo (kéo) lại hỏi thăm đường
- Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, giò (dò) đến hàng nem, chả muốn ăn
- Gái tơ chỉ kén ngài quân tử

Câu đối ta sử dụng tài tình vần lưng là loại vần đặc trưng VN và sự hòa thanh bằng-trắc nhịp nhàng, đọc lên nghe rất sướng:

Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Chim công đi qua chùa Kênh, chim nghe tiếng cồng, chim kềnh cổ lại

Lại có những câu đối sử dụng cả cấu trúc tu từ của từ đồng âm, từ đồng nghĩa, cả vần lưng và thanh điệu:

Con giai Văn Cốc, lên dốc bắn cò, đứng lăm le, cười khanh khách
Cô gái Bát Tràng, bán hàng thịt ếch, ngồi chầu chẫu, nói ương ương

Còn cụ Tam nguyên Yên Đổ thì từng cho dân làng biết bao câu đối.Có trường hợp ko biết câu đối là của người xin chữ hay người cho chữ. Anh người làng nói: "Nay cháu kiếm một cơi giầu đến thưa với Cụ, xin Cụ đôi câu đối để thờ ông cháu". Cụ Tam nguyên rung đùi đọc luôn:

Kiếm một cơi giầu thưa với Cụ
Xin đôi câu đối để thờ Ông!

Nhưng độc đáo nhất và cũng tài tình nhất là câu đối mà cả 2 vế chỉ dùng có 2 chữ, khi Nguyễn Khuyến còn là cậu học trò nhỏ. Đây là câu đối "dán chuồng lợn" để trả đũa anh trưởng tràng, vì vậy chỉ gồm 2 chữ "trưởng tràng":

Trưởng trưởng, tràng tràng, tràng trưởng trưởng
Tràng tràng, trưởng trưởng, trưởng tràng tràng
(Lớn lớn, dài dài, dài lớn lớn
Dài dài, lớn lớn, lớn dài dài)

Câu đối dán chuồng lợn là để cầu cho lợn chóng lớn, thiết tưởng ko còn câu nào hay hơn thế nữa, nhưng đã cho anh trưởng tràng 1 vố thật sâu cay, nhớ đời.

Dí dỏm và thông minh là những câu đối vui - những câu đối cực ngắn chỉ có thể tìm thấy trong văn học dân gian. Ngày xuân, 2 ông đồ cùng nhắm rượu, đối văn. Ông đồ thôn Đông gắp 1 miếng chả nhai tóp tép rồi tung ra 1 vế đối:

- Chả ngon!

Ông đồ thôn Đoài đang bí vì cái từ "chả" 2 nghĩa ấy thì may quá từ gầm giường 1 con cóc nhảy ra, miệng cũng nhai tóp tép. Ông đối ngay:

- Cóc sướng!

"Cóc" đối lại "chả" thật tuyệt vì nó cũng mang 2 nghĩa như vậy. Ông thôn Đông chịu là giỏi, vờ cắn phải lưỡi và kêu lên:

- Ái! (vừa là tiếng kêu, lại có nghĩa là yêu)

Tiếng kêu làm ông thôn Đoài giật mình, đánh rơi miếng thịt hoen bẩn cái quần sộp. Ông đối lại ngay:

- Ố! (vừa có nghĩa là hoen ố, lại có nghĩa là ghét)

Thế là hòa cả làng. Người ra đã hóm, người đối cũng hay. Tài trí dân gian thật tuyệt vời.

Lại có cả vế đối trữ tình mà hàm chứa ý nghĩa sâu xa giữa vị hoàng tử và cô thôn nữ. Khi còn là 1 chàng trai, một hôm Lê Thánh Tông đi dạo trên bờ 1 con sông đào ở vùng Thanh Hóa và tình cờ gặp 1 cô gái đang vo gạo dưới sông. Mến cảnh, mến người và cảm hứng chợt đến, vị hoàng tử trẻ tuổi liền đọc vế đối:

 Gạo trắng, nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả...

Nhưng cô gái vẫn thản nhiên vo gạo cho đến khi xong đâu đấy  mới ngoái lại và đọc lên vế đối của mình:

Cát lầm, gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho...

Lúc bấy giờ đang thời buổi loạn li, cô gái đã nhắc khéo vị hoàng tử hãy lo việc lớn, đem sức trai mà cứu dân giúp nước. Nhưng 3 dấu chấm lửng ở cuối vế ra lẫn vế đối lại tạo nên dư vị trữ tình ngọt ngào, gợi nhiều liên tưởng thú vị trong người nghe.

Thời cận đại và hiện đại lại xuất hiện câu đối... toán học chơi chữ Việt-Pháp. Đây là câu đối giữa bố vợ và con rể, đều là người có học, biết chữ Pháp. Ô bố vợ bắt được con ba ba, đem hầm lên để mời con rể, với điều kiện chàng rể phải đối được vế ra của ông:

Hầm ba ba đã chín

Câu đối quả là hóc búa, vì "ba ba" cũng là 3 lần 3 bằng 9. Chín vừa là tính từ lại là số từ. Phải đối sao cho cũng có phép tính mang 2 nghĩa như vế ra.
Chàng rể đang bí, bỗng có chiếc xe bò chở cát đi qua. Anh ta mừng quá, vội xin đối:

Chở cát cát đầy xe

Vế đối rất thông minh, sáng tạo. "Cát" là hạt cát, âm tiếng Pháp (quatre) là số 4, "cát cát" là 4 lần 4 bằng 16. Tiếng Pháp, 16 là seize, đọc là xe.

Trong nhà trường cũng có nhiều câu đối lý thú, hiểm hóc kiểu như: Cụ giáo làm giáo cụ; Cán bộ đi bộ ra bộ ("ra bộ" còn có nghĩa ra vẻ ta đây)... Còn nhớ cậu học trò Đinh Thành Chương, trường Chu Văn An, Hà Nội, cách đây hơn nửa thế kỷ, đã ra vế đối thử tài thầy:

Giáo sư Lý dạy Hóa, hóa ra vô lý

Và thầy Quốc Phong đã ung dung đối lại thật tuyệt vời, đầy hàm ý:

Đệ tử Chương làm văn, văn chẳng thành chương

*: lược ghi từ bài viết cùng tên của TS. Nguyễn Xuân Lạc (KTNN No.991)

No comments:

Post a Comment