Thursday, April 2, 2020

Việt Nam trong tôi*

Việt Nam, đất nước nhỏ bé của núi và biển, của nền văn minh lúa nước và một lịch sử thăng trầm/biến động triền miên. Trên dải đất này, người Việt tự hào là nòi giống Tiên - Rồng, nhưng đây không phải là điều duy nhất tạo nên sự khác biệt của họ so với các dân tộc khác ở Đông Nam Á.

Điều khác biệt lớn nhất của VN là phải thích ứng với nghịch cảnh: lịch sử VN là quá trình liên tục đối mặt/vật lộn với cái đói, sự dốt nát/lạc hậu trong sự kìm hãm/tàn phá bởi kẻ thù phương Bắc, tai ách truyền kiếp của dân tộc là TQ. Đến lúc này, chúng vẫn là thế lực thù địch của Việt Nam, con virus mang tên chinazi với bộ mặt của Tập Cận Bình đang gieo rắc thảm họa đầy chết chóc trên toàn thế giới với mưu đồ đại bá.
Nhưng TQ ko phải là kẻ thù duy nhất vì VN còn là một điểm nóng bất ổn do bị các nước lớn dòm ngó/xâm lăng về cả vũ lực và văn hóa. Vì vậy, muốn tồn tại phải không chịu khuất phục. Truyền thống quý báu mang ý chí quật cường này đã trở thành di sản bất diệt của dân tộc. Tuy nhiên, với điều may mắn từ di sản này, người Việt lại không phát huy được lợi thế thông minh và cần cù vốn có của mình trong những khát vọng khám phá/sáng tạo để tập trung mọi nguồn lực vào mục đích xây dựng những cơ sở ban đầu, tạo được nền tảng cho sự nghiên cứu và phát triển như những nước văn minh trên thế giới xưa nay.

Việt Nam mà tôi biết là đất nước đơn sơ, mộc mạc... Có nhiều lý do để tôi yêu đất nước này, và cái tên Việt Nam là một trong những lý do đó (như với lá cờ đỏ năm sao và chữ Quốc ngữ mà tôi đã gắn bó từ khi sinh ra vậy). Có điều, cái tên này do lịch sử sinh ra, không phải từ cách mạng, cách mạng chỉ chọn nó. Cũng là thêm 1 lựa chọn hay!
   Còn có một Việt Nam khác làm tình yêu Việt Nam của tôi không trọn vẹn. Đó là cảm xúc khi yêu một cô gái luôn khắc khoải với 4.000 năm tuổi? Tôi không yêu mê muội vì mình là người Việt, bởi khó mà tìm được lý do để giận cái dải đất tuyệt vời với vẻ đẹp hiếm có của đất nước này. Nhưng điều làm tôi phải trăn trở mà tôi cho là hoàn toàn có thể thay đổi được, lại chẳng phải là chuyện to tát đến nỗi phải "dời non lấp bể" mà chỉ cần thay đổi lòng người.

  Không ngờ việc bấy lâu không phải là điều "không thể" lại trở thành câu chuyện muôn vàn trắc trở, oái oăm. Thuận lợi thì ít mà khó khăn/tai ương lại quá nhiều, chồng chất đè nén cả một dân tộc làm họ không sao ngóc đầu lên nổi. Tất cả đều do những gì đã tốn nhiều công sức và xương máu xây dựng lâu nay không nằm trên một nền tảng vững chắc. Công trình của nhiều thế hệ chỉ là một cấu trúc sơ khai từ những ý tưởng le lói mà thôi, nó không được tạo dựng trên một nền móng của một thành trì kiên cố và bền vững. Đất nước Việt Nam bây giờ, cũng như Hà Nội theo nhận xét của một người nước ngoài, chỉ là một cái "làng to", nơi một thời mà những lằn vạch trên đường và những trụ đèn vẫn có nhưng chẳng ai theo; khi ra đường, tất cả đều chuyển động như một đàn kiến hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, chẳng theo một hệ thống nào cả.
 Kể từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi những làn sóng đầu tiên của giới trí thức yêu nước từ nước ngoài trở về Tổ quốc góp sức cùng đồng bào trong nước dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc và xây dựng miền Bắc sau cuộc chiến tranh với người Pháp (1954) thì từ đó cho đến bây giờ... tôi cũng chứng kiến làn sóng của những người ra đi vì thất vọng, phải từ bỏ mục đích của mình.
Người ta bỏ nước ra đi vì họ thấy quá nhiều bất ổn: kinh tế bấp bênh, ô nhiễm môi trường trầm trọng, thực phẩm độc hại tràn lan, Và đặc biệt, là một nền giáo dục quá lạc hậu không thể chuẩn bị cho con cái họ một tương lai trước một thế giới đầy bất định.
 "Bi kịch và nghịch lý lớn nhất của thể chế chính trị hiện giờ là nó biến những người hiền hòa, những trí thức và doanh nhân an phận có trách nhiệm (như tính cách của dân tộc Việt Nam) thành những người bất đồng."[1]

Trong tôi có 2 Việt Nam, một Việt Nam đáng yêu và một Việt Nam "crazy" đến đáng ghét. Những gì thuộc về di sản của dân tộc, phần thì đang bị hủy hoại dần theo thời gian, phần còn lại vẫn còn phải đào bới để tìm kiếm... Và hiện tại mới là những gì đáng nói nhất, cần quan tâm hơn cả vì hôm nay chúng ta đang làm sai, đang sống sai, nghĩ sai... Chúng ta tiếp tục lãng phí thời gian trong khi các nước khác đã nắm được cơ hội và vượt lên nhanh chóng để thành Rồng, thành Cọp thật sự, bỏ xa một Việt Nam là nơi người ta say sưa với những con số và sự kiện nặng về hình thức hơn nội dung, đua nhau chạy theo thành tích/vượt chỉ tiêu hão huyền bất chấp một thực tế tệ hại sẽ dẫn đến hậu quả ra sao.  Di sản của thời đại mà nhiều thế hệ kỳ vọng/mòn mỏi trông chờ sẽ hình thành từ thành quả sáng tạo, là công sức bù đắp cho hàng triệu người đã hy sinh thân mình vẫn chỉ là những ngôn từ/"bánh vẽ" vốn là "khoa học tuyên truyền" có sức mạnh mê hoặc đang trở thành sáo mòn. Xã hội của chúng ta ngày nay có quá nhiều sự lừa dối, mọi người đều sống trong sự lừa dối, khắp nơi nhan nhản những kẻ cơ hội, trục lợi hám danh... Dân tộc này đã nhiều lần muốn "cất cánh" nhưng vì "mất đà" nên vẫn bay nhảy như gà mà thôi. "Bài ca hy vọng" năm nào vẫn vang lên hết thế hệ này qua thế hệ khác, đằng đẵng, dai dẳng bám vào từng ngõ ngách của đất nước, len lỏi vào tận nơi sâu thẳm nhất của con người để rồi nhận ra: ngày ấy chúng ta từng hy vọng vào hôm nay, thế mà cái điều được kỳ vọng ấy sao vẫn cứ xa xăm ...như ngày xưa vậy?

   Và như thế, chẳng lẽ cách mạng chỉ gồm những nghịch lý của sự thay đổi mà không phải là sự tiến bộ, chỉ là quá trình xoay vần từ "xóa sạch, cướp sạch" dưới thời thực dân thành  "phá sạch, bán sạch" thời nay?
   Tôi không muốn mất công tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, rằng: chúng ta sai lầm từ khi nào? Vấn đề là bất cứ khi nào chúng ta muốn sửa sai, chúng ta đều có thể. Nhưng điều đó có xảy ra hay không???
Trong cơn đại dịch đang tràn lan lúc này, VN của tôi sẽ vượt qua thế nào và sẽ ra sao sau khi nó ko còn hoành hành nữa? Liệu thế giới sẽ khác, sẽ tốt hơn? Còn VN sẽ thật sự bắt đầu 1 kỷ nguyên đổi mới?
Tôi chờ đợi những nỗ lực vì 1 nước VN hoàn toàn độc lập với TQ và trong mối quan hệ với các nước khác để có thể phát triển 1 cách bình đẳng với tất cả tiềm năng được chuyển hóa thành sức mạnh thật sự, khởi đầu từ giáo dục. Hãy biến Việt Nam thành một “Quốc Gia Giáo Dục – Education Nation” nơi mà việc học tiếng Anh, Toán, Khoa học được coi trọng hàng đầu. Từ đó chúng ta sẽ hướng đến 1 nền văn minh của tương lai trên con đường mới của dân tộc.

Điều gì sẽ xảy ra, khi vũ khí, chiến hạm, máy bay và tên lửa... chẳng nghĩa lý gì so với đại họa từ virus?

Ảnh: Pioneer Travel

*: Viết lại/update từ bài viết cùng tên (2014).
[1]: Nguyễn Quốc Toàn 

No comments:

Post a Comment