Anh Chị ạ, tăng huyết áp (THA) thường không có triệu chứng nhưng chúng ta sẽ phải trả những cái giá rất đắt cho hàng loạt biến chứng mà nó gây ra, trog đó nặng nề nhất có thể kể đến chính là tai biến mạch máu não, suy tim, vỡ phình động mạch chủ, tổn thương mạch thận, tổn thương hệ thống mạch mắt….
Tuy vậy, tin vui đến cho chúng ta đó là khi việc điều trị và kiểm soát tốt huyết áp giúp giảm được tầm 35% nguy cơ suy tim, 40% số nguy cơ tai biến mạch não cũng như các biến chứng khác, anh chị ạ.
Dưới đây, BsKhánh xin được gửi “10 ĐIỀU CẦN BIẾT” cho mỗi gia đình có người cao huyết áp, anh chị lưu tâm giúp Bs nhé!
1. Tuyệt đối không ăn mặn
Đây là một trong những lưu ý “đầu tay” đối với những người cao huyết áp vì khi chúng ta ăn mặn (tăng lượng Natri vào cơ thể) sẽ gây trầm trọng thêm tình trạng huyết áp cao do mấy nguyên nhân sau:
• Ăn nhiều muối => tăng tính thẩm thấu của màng tế bào, đặc biệt các tế bào cơ trơn của thành mạch => gây tích nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, co mạch => tăng sức cản ngoại vi => tăng huyết áp.
• Ăn nhiều muối => tăng áp lực thẩm thấu trong máu => cơ thể phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể => cảm giác khát nước xuất hiện => uống nhiều nước => tăng khối lượng tuần hoàn => tăng huyết áp.
• Muối làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim mạch và thận đối với Adrenaline – một chất gây tăng huyết áp.
• Ngoài ra, khi ăn quá nhiều muối, các loại thuốc điều trị huyết áp như thuốc lợi tiểu sẽ không thể hoạt động tốt.
2. Tuyệt đối không được tự dừng/điều chỉnh thuốc đột ngột
• Nhiều bệnh nhân sau khi dùng thuốc điều trị gặp phải các tác dụng phụ hay khi thấy huyết áp đã trở về mức bình thường => tự ý giảm liều dùng, thậm chí là ngưng sử dụng thuốc => huyết áp có thể đột ngột tăng cao, gây ra đột quỵ, vỡ phình động mạch chủ...
• Hoặc có những bệnh nhân dùng thuốc huyết áp vẫn cao => tự ý tăng liều => tụt huyết áp quá mức, thậm chí có thể gây trụy mạch, nguy hiểm đến tính mạng.
• Việc tuân thủ giờ giấc, liệu trình uống thuốc là điều quan trọng trong việc kiểm soát cao huyết áp.
3. Giữ ấm cơ thể/tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
• Thời tiết lạnh là yếu tố rất bất lợi đối với đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Do đó, người bị huyết áp cao cần phải biết giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân.
• Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột vì khi đó cơ thể chưa kịp thích ứng => tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. (Tránh thức dậy buổi sáng bỏ chăn & bật dậy ngay, tránh đang trong nhà ấm mặc phong phanh mở cửa đi ra ngoài đột ngột, tránh sau vận động ra mồ hôi về tắm ngay…). Khi cơ thể chúng ta gặp lạnh đột ngột, hệ thống mạch ngoại vi sẽ phản xạ co lại => tăng lượng tuần hoàn nội tạng (tim, não..) => có thể vỡ mạch máu, tai biến.
4. Tránh những hoạt động gắng sức đột ngột.
Chúng ta luôn đối diện nguy cơ tăng gánh cho tim, tăng nguy cơ suy tim và nguy cơ tai biến nếu thường xuyên gắng sức đột ngột.
5. Giữ tinh thần thoải mái, điều hoà cảm xúc, xây dựng lối sống
• Căng thẳng kích thích các phản ứng cường thần kinh giao cảm của cơ thể => tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch.
• Từ bỏ những thói quen có hại cho sức khoẻ như hút thuốc lá, uống rượu bia, thức khuya…
6. Luôn duy trì tập thể dục đều đặn & kiểm soát cân nặng.
• Những môn thể dục thể thao tốt cho người cao huyết áp bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, Aerobic, Yoga, thiền...
7. Tuân thủ chế độ ăn hợp lý
• Khuyến khích thực phẩm tốt cho sức khoẻ như gạo lứt, nhiều rau xanh, trái cây, cá tươi..
• Hạn chế sử dụng mỡ-nội tạng động vật, sản phẩm chế biến sẵn: cá hộp, thịt muối, nước ngọt đóng chai
• Hạn chế xào-rán-quay-nướng, nên luộc hấp-kho nhạt-nấu canh và ăn salad.
8. Luôn có máy đo huyết áp trong nhà và tự biết cách đo
• Quy tắc đo:
➢ Thời điểm đo: các buổi sáng trước lúc uống thuốc & buổi tối trước khi đi ngủ.
➢ Cần đi vệ sinh thoải mái rồi mới đo huyết áp
➢ Không vận động quá mạnh, dùng chất kích thích (café..) trước đo 30’
➢ Ngồi nghỉ yên tĩnh 5 phút trước khi đo
➢ Mặc áo tay ngắn để bộc lộ cánh tay dễ dàng
➢ Khi đo, tựa lưng vào ghế hay tường, cánh tay đặt trên mặt bàn, ngang tim
➢ Đo 3 lần mỗi sáng và 3 lần mỗi tối, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 phút trong 3 ngày liên tiếp. Nên đo cả hai tay.
➢ Ghi chi tiết kết quả các lần đo-ngày tháng vào 1 cuốn sổ và gửi những số liệu này đến Bs của mình.
9. Phát hiện & xử lý sớm những dấu hiệu bất thường
• Với người cao huyết áp, luôn đối diện những nguy cơ biến cố nguy hiểm như tai biến mạch máu não, vỡ phình động mạch chủ…
• Những dấu hiệu sớm & nguy hiểm như:
➢ Đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực trái, cảm giác giống như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức kéo dài vài phút hoặc lâu hơn. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, đỡ khi nghỉ, cũng có thể cơn đau lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm thậm chí ở vùng dạ dày. Kèm vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực…=> Nguy cơ đang bị nhồi máu cơ tim.
➢ Tê bì méo miệng, nói ú ớ, tê nửa người, yêu nửa người, kèm đau hoặc không đau đầu…=> Nguy cơ tai biến mạch máu não
➢ Đột ngột đau dữ dội vùng bụng kèm toát mồ hôi, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ….=> vỡ phình động mạch chủ.
⇨ Những lúc này, THỜI GIAN LÀ VÀNG, bấm 115 ngay lập tức và để người bệnh nằm tại chỗ nơi thoáng khí, cởi bớt áo quần, nghiêng đầu sang 1 bên và đo huyết áp. Tuyệt đối không được vội vã bế xốc bệnh nhân lên xe vào viện mà cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế hoặc được nhân viên y tế hướng dẫn từ xa qua điện thoại.
10. Luôn có hotline Bs tim mạch, Bs gia đình hoặc bệnh viện gần nhất.
Với những biến chứng tim mạch thì thời gian là vàng, mọi sự chậm trễ đều sẽ để lại những hậu quả, di chứng nặng nề, thậm chí cả tính mạng.
Vậy nên mỗi GD có người thân cao huyết áp nên có Bs tim mạch hoặc Bs gia đình theo dõi & tư vấn thường xuyên. Cũng hạn chế để người già cao huyết áp ở nhà một mình hoặc ngủ phòng riêng cách biệt.
Trên đây là những lưu ý quan trọng về bệnh lý cao huyết áp, hy vọng mỗi người-mỗi gia đình lưu tâm. Và Bs cũng rất mong anh chị hãy “Share” “Tag” tới cộng đồng nếu thấy ít nhiều giá trị.
Trân trọng!
Bs Khánh
No comments:
Post a Comment