Monday, May 18, 2020

Biển Đông không phải của Tàu!

Phiếm đàm mừng sinh nhật Cụ Hồ

TS Nguyễn Ái Việt, chủ tịch danh dự của AVC đã từng phát biểu: vấn đề lớn nhất của VN là “ám ảnh” Tàu. Vì Tàu nên ta mới Nghèo. Và vì Nghèo nên ta càng ám ảnh với Tàu đang giàu lên nhanh chóng.

Mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong quan hệ thương mại song phương, Biển Đông vẫn là vấn đề ám ảnh ta lớn nhất trong suốt vài thập kỷ gần đây. Nó làm chúng ta rất tốn kém, lại luôn trong trạng thái bất an, cản trở các quyết sách đột phá!

Là một người hâm mộ tài ứng biến quốc tế của HCM, tôi thử liều nghĩ là nếu HCM còn sống, Cụ sẽ hành động như thế nào, để Việt Nam có thể thoát khỏi “ám ảnh” này!

Triết lý xuyên suốt của Cụ Hồ là “Chạm vào văn hóa và tâm hồn của kẻ thù”. Bởi thế toàn bộ cuộc chiến này phải được tiến hành dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và cách hành xử của Tàu, cả trong lịch sử lẫn hiện đại!

Về chiêu thức thì có thể phân ra thành 5 thức.
1/ Mục tiêu nhất quán
2/ Lấy thế thắng lực
3/ Triết lý Ta + Phương pháp Tây
4/ Tuyên truyền! Tuyên truyền! Tuyên truyền!
5/ Thực hành sinh ra hiểu biết!

Đại loại theo kiến thức hạn hẹp của tôi thì như sau! Quần hùng có thể ném đá hay góp ý tùy thích!

1. Biển Đông ko phải của Tàu
Đối với Cụ Hồ, xác định mục tiêu luôn là quan trọng nhất. Vì mục tiêu sẽ xác lập tính chính nghĩa của cả cuộc chiến, là ngọn cờ để tập hợp lực lượng. Vậy mục tiêu thực sự của Việt Nam là gì? Chúng ta cần yên ổn làm ăn. Muốn thế chúng ta phải tìm cách cô lập TQ, gây sức ép tối đa để buộc đối tác phải ngồi vào bàn đàm phán!
Chúng ta cần bỏ khẩu hiệu ít ý nghĩa thực tế, gây tranh cãi như “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”
Chúng ta chỉ cần nhấn mạnh “Biển Đông không phải là của Tàu”. Vừa đúng về pháp lý, vừa được lòng dư luận quốc tế, cô lập Tàu, vừa không đối đầu trực tiếp.

Không phải của Tàu, cũng không phải của Ta, tức là của chung. Việt Nam là bên có lợi nhất trong việc đạt được thỏa thuận tổng thể ở Biển Đông. Do đó chủ ta phải chủ động dẫn dắt quá trình này. Chúng ta phải khẳng định: Chỉ cần TQ ngồi xuống đàm phán với tất cả các đối tác ở Biển Đông, mọi vấn đề đều có thể thỏa thuận.

2. Tạo thế: Việt – Phi – Pháp
Hiện tại, đáng tiếc là trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, chúng ta luôn ở thế bị động và càng ngày càng bị dồn vào thế phải đơn độc đối đấu trực tiếp với TQ. Ví dụ như ngay cả chuyện cấm đánh cá gần đây nhất. Kể từ năm 1995, Trung Quốc đã thi hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên để bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương khỏi nguy cơ đánh bắt quá mức. Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu được áp đặt đơn phương từ năm 1999. Thế mà năm nào ta cũng đợi họ đưa ra rồi mới phản đối. Sao không chủ động đưa ra lệnh cấm trước. Hoặc phối hợp để cùng đưa ra một lệnh chống trước đó.

Thời điểm này, TQ đang rơi vào cô lập, uy tín đất nước của Việt Nam đang lên có thể coi là thời cơ để giành lại thế chủ động. Muốn vậy, trước tiên chúng ta phải đi tìm đồng minh.

Đồng minh dễ thấy nhất là đất nước bên kia Biển Đông – Philippines. Nơi đầu sóng ngọn gió, hứng tất cả các cơn bão của TBD, Phi là đất nước của những con người ngoan cường. Trong khi cả thế giới tôn vinh nhà hàng hải Ferdinand Magellan, Phi cho đến giờ vẫn tôn vinh vị thủ lĩnh LapuLapu đã giết Magellan vì ông này ngang ngược bắt phải cống nạp cho Vua Tây Ban Nha. Phi cũng là nước đã khởi kiện TQ tại tòa án Quốc tế.

Việt Nam và Phi có rất ít tranh chấp trong lịch sử và đó là tiền đề để hai bên ký một hiệp ước lịch sử về Biển Đông, trong đó sẽ công nhận lẫn nhau các thực thể đang thuộc quyền quản lý của mỗi nước. Theo Wiki hiện tại Việt Nam kiểm soát 21 thực thể địa lý (7 đảo san hô và cồn cùng 14 bãi đá chìm), Philippines 10 (7 đảo san hô và cồn cùng 3 bãi đá chìm).

Thỏa thuận song phương này đương nhiên sẽ bị TQ phản đối và rất khó được sự ủng hộ của quốc tế, ngay cả trong khối ASEAN, vốn có khá nhiều đồng minh của TQ. Bởi thế cần phải tìm được 1 cường quốc làm đồng minh. Mỹ có vẻ là đối tác được nhiều người săn đón. Nhưng nước Mỹ thực dụng, xem ra sẽ dễ dàng bán đứt đồng minh khi được giá. Vả lại chọn Mỹ tức là chọc tức Tàu. Có lẽ Cụ sẽ chọn Pháp. Một thành viên HĐBA đang muốn giương cao ngọn cờ nhân nghĩa, chống bá quyền cả Tàu lẫn Mỹ. Dân ta thích Pháp. Dân Phi không ghét Pháp. Tuy Pháp không còn mạnh như xưa, nhưng tiềm lực khoa học kỹ thuật vẫn thừa đủ để hỗ trợ. Có thể hình thành liên minh Việt – Phi – Pháp :-)

3. Chiến lược: Tăng thu giảm chi!
Phát động ba mặt trận: kinh tế, quân sự và pháp lý. Trong đó chiến lược kinh tế là quan trọng nhất với niềm tin: bên nào kiếm được tiền từ Biển Đông bên đó sẽ thắng!

Chiến lược kinh tế được kết hợp giữa trên tư tưởng chiến tranh nhân dân của Việt Nam và các phương pháp khoa học để khai thác biển của Anh Quốc. (UK Marine Strategy).

Chúng ta phải tin vào nhân dân. Chấp nhận tư nhân hóa mặt biển, lòng biển, và đáy biển! Một kiểu Cải Cách Ruộng Đất, mà ở đây chỉ có 1 Hải Chủ (ko phải địa chủ) là Nhà Nước nên đỡ phải đấu tố. Nhà nước bảo đảm công tác an ninh, hỗ trợ các kiểu đầu tư khoa học kỹ thuật để kiếm tiền từ biển.

Về mặt quân sự, chiến lược sẽ không phải là giữ bằng mọi giá (thực ra cái đảo bé tẹo muốn giữ cũng chẳng được), mà làm cho đối thủ thấy cái giá mà họ phải trả là quá lớn cả về tiền bạc và uy tín chính trị nếu họ muốn chiếm giữ. Việc đầu tư quân sự phải dựa trên quan điểm bất đối xứng, tuyệt đối tránh chạy đua vũ khí… Ví dụ như đầu tư cho các tàu đa năng, đặc công nước…

Về mặt pháp lý, chúng ta phải huy động được những bộ óc tốt nhất để dành lại thế chủ động từ TQ trong quá trình hình thành COC, tiến tới đề xuất một Hiệp ước Toàn diện về Biển Đông. Do tư duy pháp lý của Việt Nam còn yếu, việc này chắc phải dựa vào đội ngũ luật sư người Việt ở nước ngoài và các luật sư có cảm tình với Việt Nam (kiểu như luật sư Loseby).

4. Tuyên truyền: đánh bại ý chí xâm lược của đối thủ
Mục đích lớn nhất của cuộc chiến tuyên truyền chính là dân Tàu. Dân Tàu đang sướng lên. Quan tâm hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là đua tranh vị trí siêu cường với Mỹ, nên cũng chẳng hào hứng gì với việc dây dưa với ông hàng xóm Việt Nam cứng đầu.

Bởi thế chúng ta phải gây được chia rẽ trong nội bộ dân Tàu bằng những thông điệp rõ ràng và hòa giải. Chúng tôi ủng hộ quyền làm ăn sánh vai ngang Mỹ của nhân dân TQ (nếu TQ mà giàu ngang Mỹ thì mình đương nhiên cũng thắng lớn). Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các đối tác để khai thác Biển Đông. Nhưng Biển Đông ko phải của Tàu!

Thực tế hiện tại là chúng ta chưa có bất cứ một kênh thông tin nào đến với dân Tàu cả. Xuất bản tờ Sài Gòn Giải Phóng bằng tiếng Hoa không có nhiều ý nghĩa. Cần xây dựng và cài cắm DLV ngay trong nội bộ dân Tàu, bắt đầu từ tầng lớp tinh hoa và phóng viên. Việc này tuy rất khó, nhưng không phải là không thể, vì không ít dân Tàu có cảm tình và làm ăn với Việt Nam.

Mục tiêu tuyên truyền thứ hai là tất cả các đối thủ địa chính trị của Tàu: cụ thể là Mỹ, Nhật. Làm sao để dân họ chuyển từ không ưa Tàu sang yêu ta. Việc này cũng tuyết đối không được coi thường.

Mục tiêu tuyên truyền thứ ba là dân Ta: rằng chúng ta muốn yên ổn làm ăn, nêu bật các thành tựu kinh tế biển, các điển hình kiếm tiền từ Biển Đông... Tránh kích động trên đất liền gây bất lợi ngoài biển khơi.

5. Do It and Learn
Thực hành sinh ra hiểu biết là triết lý học của Cụ Hồ. Nên nói gì thì cũng phải làm đã. Rồi sẽ điều chỉnh tùy thực tế.
Cuộc chiến phải được dẫn dắt bởi một đơn vị, tạm gọi là Ủy Ban Biển Đông, do trực tiếp TBT chỉ đạo, có quyền lực trên tất cả các Bộ, để có thể điều chỉnh chính sách liên tục cho phù hợp với tình hình thực tế. Ban này phải gồm những người có năng lực “chạm vào văn hóa và tâm hồn” của đối tác. Ở đây là hiểu biết sâu sắc về cách suy nghĩ về kinh tế, quốc phòng, ngoại giao của các nước, đặc biệt là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Philippines, Pháp, Singapore!

Tôi tin là trong vòng 5 năm, Việt Nam sẽ từ một nước bị cuốn vào vòng tranh chấp trở thành người dẫn dắt các luật chơi ở Biển Đông.

Ai đăng ký chân làm thành viên Ủy Ban Biển Đông?

Lapu-Lapu, người đã chặn đứng cuộc hành trình của Magenlan

Nguyễn Thành Nam

No comments:

Post a Comment