Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) gợi ý cho ta một vài câu trả lời.
Chủ nghĩa khắc kỷ ra đời tại thành Athens cổ đại trong thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenism), thuật ngữ chỉ giai đoạn kéo dài khoảng ba thế kỷ kể từ khi vua Alexander Đại Đế của Macedonia băng hà cho đến khi xuất hiện đế chế La Mã ở thành Rome của Italy.
Người đặt nền móng đầu tiên cho chủ nghĩa này là triết gia Zeno của Ciitum (nước Cộng hòa Cyprus ngày nay). Ban đầu, chủ nghĩa khắc kỷ hứng chịu sự công kích của nhiều trường phái có trước đó như chủ nghĩa hoài nghi (skepticism) hay chủ nghĩa khoái lạc của Epicurus (Epicureanism).
Sau này, chủ nghĩa khắc kỷ được đón nhận nhất tại trung tâm của đế chế La Mã là thành Rome, nơi nó bị phản đối và trừng phạt bởi những hoàng đế không đón nhận như Vespasian hay Domitian, và được bảo vệ và đề cao bởi những người như Marcus Aurelius, đại diện lớn của chủ nghĩa này.
Triết gia Zeno của Ciitum
Dạy ta chấp nhận thực tế
“Nếu bạn đau khổ bởi bất cứ điều gì từ bên ngoài, thì nỗi đau của bạn không do điều đó gây ra, mà do cách bạn nhìn nhận và phản ứng với điều đó. Và bạn hoàn toàn có quyền rút lại sự phản ứng này vào bất cứ giây phút nào.”
Đây là câu nói của hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, người đồng thời cũng là một trong những triết gia đại diện lớn nhất của chủ nghĩa khắc kỷ.
Tôi luôn nghĩ một trong những nguyên nhân chính khiến con người cảm nhận sự bất hạnh, là việc họ không chấp nhận cách thực tế đang diễn ra nếu đó là thực tế không như mong muốn của họ, và họ tìm cách chối bỏ hoặc chống lại nó.
Chủ nghĩa khắc kỷ dạy ta phải tương tác với cách thế giới khách quan đang vận hành theo cách riêng của nó, thay vì bắt nó phải vận hành theo cách ta mong muốn.
Thật vậy, chủ nghĩa khắc kỷ ra đời trong một hoàn cảnh khá đen tối, chỉ vài năm sau khi hoàng đế Alexander Đại đế qua đời với rất nhiều biến động và khủng hoảng chính trị, xã hội tác động sâu sắc đến người dân Athens khi đó.
Giữa khung cảnh hỗn loạn như vậy, chủ nghĩa khắc kỷ giúp con người học được cách sống bình yên, mà không cần bám víu vào những điều bên ngoài tâm hồn mình.
Tài khoản ngân hàng của bạn hôm nay đầy, mai lại vơi. Người yêu bạn hôm nay ở bên bạn, nhưng mai đã đi mất. Quốc gia của bạn hôm nay thịnh vượng, mai đã suy vong.
Nếu bạn đặt hạnh phúc của mình vào những điều và những người đến từ bên ngoài (rất tiếc, bao gồm cả chính người yêu của bạn), thì lúc nào đó, khi họ đi mất, bạn sẽ rơi vào bất hạnh.
Vì lẽ đó, chủ nghĩa khắc kỷ dạy con người ta phân biệt rõ giữa thế giới của những điều bạn có thể kiểm soát và thế giới của những điều bạn không thể kiểm soát. Số lượng những điều bạn không thể kiểm soát thì nhiều vô hạn, chẳng hạn như thời tiết (không thể kiểm soát hôm nay trời nắng hay mưa), lòng người (không thể kiểm soát ai đó yêu hay ghét bạn), sức khỏe của nền kinh tế…
Trong khi đó, những điều bạn có thể kiểm soát thì ít hơn rất nhiều, chẳng hạn như thái độ của bạn đối với ai đó hay cái gì đó, quần áo chọn mặc hôm nay hay thực phẩm bạn chọn cho vào người…
Và do năng lượng sống của con người là có hạn, chủ nghĩa khắc kỷ khuyên ta chỉ nên tập trung năng lượng và sự chú ý của mình vào thế giới ta có thể kiểm soát, thay vì thế giới ta không thể kiểm soát.
Chẳng hạn, nếu người yêu bạn muốn bỏ bạn ra đi, thì tất cả những gì bạn có thể làm, là chúc họ những điều tốt đẹp, cám ơn họ về những gì họ đã cho bạn, không buông lời cay đắng với họ. Chấm hết.
Bạn không thể làm gì hơn được. Bạn không thể kiểm soát được việc họ muốn ở lại hay muốn rời bỏ bạn, vì đó là việc của họ, không phải việc của bạn.
Dạy ta kiểm soát cảm xúc
Hãy tưởng tượng bạn muốn gửi tiền tiết kiệm vào một ngân hàng. Bạn chắc chắn sẽ không chọn ngân hàng treo biển “Ngày mai chúng tôi phá sản” để gửi gắm đồng tiền mồ hôi nước mắt.
Tương tự, chúng ta không nên hành động dựa trên cảm xúc, vì cảm xúc là thứ đến rồi đi trong tích tắc. Cảm xúc nhảy liên tục từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chúng như những cơn sóng dữ gào thét rồi lại hóa thành bọt biển trong tích tắc. Cảm xúc khiến ta buồn đấy rồi vui đấy. Khóc đấy rồi cười đấy.
Cảm xúc là thứ không đáng tin cậy, vì thế bạn không nên hành động dựa trên cảm xúc bạn có vào lúc đó, vì gần như 100% bạn sẽ hối hận.
Thay vào đó, chủ nghĩa khắc kỷ khuyên ta nên kiểm soát cảm xúc của mình, và chỉ hành động dựa trên đòi hỏi của logic và lý trí.
Dạy ta giá trị của hiện tại
Cùng với việc chấp nhận thực tế theo cách nó đang diễn ra và chấp nhận cách thế giới khách quan vận hành theo cách riêng của nó, chủ nghĩa khắc kỷ dạy ta cần phải sống đúng theo những gì hiện tại đang mang đến.
Không nuối tiếc và ám ảnh quá khứ, cũng không lo sợ và đắn đo về tương lai, vì đằng nào thì “quá khứ” lẫn “tương lai” đều thuộc về thế giới ta không thể kiểm soát, chủ nghĩa khắc kỷ bảo ta hãy sống ở ngay thì hiện tại, vì hiện tại của ta là thứ duy nhất ta có thể kiểm soát.
Bạn hãy tập trung tâm trí và năng lượng cho ngay lúc này đây, và bạn sẽ hạnh phúc.
Dạy ta tiết chế ham muốn
Một trong những trọng tâm quan trọng nhất của chủ nghĩa khắc kỷ là nó dạy ta cách giảm bớt ham muốn của mình.
Con người luôn mang trong mình ham muốn có “thêm” điều gì đó. Đó có thể là vật chất như tiền bạc, đất đai, nhà cửa, quần áo. Đó có thể là phi vật chất như danh vọng, địa vị, quyền lực. Vấn đề là chúng ta luôn muốn có “thêm” vì tin rằng càng có “thêm” thì ta càng hạnh phúc.
Thật ra điều này không hẳn là sai. Một người không có quần áo nằm co ro trên đường phố mùa đông rõ ràng sẽ khổ sở hơn một người đang cuộn mình cùng lúc đó trong chăn ấm nệm êm.
Diogenes thành Sinope, người sống bằng việc ăn xin tại một khu chợ và ngủ trong chiếc thùng, là ví dụ của lối sống từ bỏ các ham muốn. Tranh của Jean-Léon Gérôme
Mấu chốt ở chỗ, theo chủ nghĩa khắc kỷ, chúng ta thật sự chỉ “cần” rất ít thứ để sống an nhiên, và hầu hết những thứ mà chúng ta nghĩ mình “cần” thật ra là thứ ta “muốn”.
Những gì chúng ta “muốn” là vô giới hạn (có biệt thự lại muốn lâu đài, có xe sang lại muốn máy bay, có một vợ lại muốn thêm nhiều vợ), nhưng những gì chúng ta “cần” lại rất ít (căn nhà nhỏ là đủ che mưa che nắng, quần áo bình dân cũng có công năng tương tự đồ hiệu).
“Muốn” sinh ra từ lòng tham của cái tôi, trong khi “cần” xuất phát từ nhu cầu sinh tồn. Chủ nghĩa khắc kỷ nhắc nhở ta phân biệt đâu là cái ta “cần” và đâu là cái ta “muốn”, từ đó giảm thiểu những bất hạnh gây ra bởi ham muốn sở hữu thế giới bên ngoài.
Hay nói như Epictetus (thầy dạy của hoàng đế Marcus Aurelius) là “Sự giàu có không phải ở có nhiều, mà ở muốn ít”.
Chỉ có tự ta đem lại hạnh phúc
Suy cho cùng, dù khác nhau đến đâu, thì điều mà 7,6 tỷ người trên thế giới đều muốn là được hạnh phúc. Và cũng như mọi trường phái triết học trên đời, chủ nghĩa khắc kỷ không tự nhận có tất cả câu trả lời chúng ta cần.
Thay vào đó, chủ nghĩa khắc kỷ đơn giản là bộ công cụ dạy ta cách chịu trách nhiệm với bản thân, chấp nhận thực tế như nó đang là, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại mà ta đang có mặt, sống thuận theo tự nhiên và những gì đang có, giảm thiểu những ham muốn không cần thiết và đưa ra quyết định dựa trên logic và lý trí thay cho cảm xúc.
Nói ngắn gọn, chủ nghĩa khắc kỷ giúp ta bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại, hài lòng với những gì đang có, và sống tốt đẹp nhất có thể chừng nào ta còn sống.
Người duy nhất có thể đem lại hạnh phúc cho ta, chỉ là chính ta.
No comments:
Post a Comment