Monday, May 11, 2020

Đảo trật tự kiến thức trong học và dạy

Suy nghĩ thêm một chút, tôi thấy ý tưởng này rất thú vị trong giáo dục. Chắc chắn sắp xếp lại trật tự kiến thức, hay trật tự hành động sẽ sinh ra những giá trị mới. Chẳng hạn, dạy ngoại ngữ có lẽ không nên bắt đầu bằng a, b, c hay phát âm những tổ hợp vô nghĩa, thậm chí cũng không nên bắt đầu bằng những câu đơn giản chán ngắt "What is this", "This is a pencil". Có lẽ nên bắt đầu ngay một số câu hay ho, thú vị và tinh tế hơn để tạo một trường độ đủ dài, cho phép lên bổng xuống trầm, nhất mạnh trọng âm, nói cho có hồn. Thực ra trong tiếng Anh, cố phát âm chính xác từng phụ âm, âm tiết, không quan trọng bằng tổng thể cả câu. Nhiều người học tiếng Anh cả 10, 20 năm phát âm vẫn rất vất vả, căng thẳng, không có gì sai, nhưng người bản ngữ vẫn không hiểu được do giống một cái máy đọc hơn người nói. Học Toán có lẽ không cần bắt đầu bằng tính cộng trừ nhân chia, lũy thừa, khai căn, loga, vừa mất thời gian lại vô nghĩa khi có máy tính. Có lẽ bắt đầu bằng các giải thuật hoặc lý thuyết biểu diễn ngay. Người học có thể thoát khỏi tư duy bằng cách manipulate các con số. Khoa học xã hội có lẽ nên bắt đầu bằng di sản văn minh và địa chính chính trị. Triết học nên học trước chính trị. Khoa học tự nhiên có lẽ bắt đầu bằng không gian, biển, vũ trụ trước khi học về vật điểm. Các thiết bị điện tử cần học trước máy hơi nước, ròng rọc, đòn bẩy. Nói một cách khác cần học cái toàn thể, phức tạp, có cấu trúc, cần học trước cái phức tạp, đơn lẻ và lý tưởng hóa. Có điều chắc chắn, bộ sách của tôi về thuyết tương đối sẽ bắt đầu từ Wigner những năm 1930, trước khi học phép biến đổi Lorentz, Poincare và Einstein, Cartan-de Sitter sẽ trình bày trước lý thuyết tương đối của Einstein, Kaluza-Klein-Utyiama, Yang-Mills.

Trật tự kiến thức
Trật tự là cái tôi thường bỏ quên. Có lẽ điều đó bắt đầu từ việc ngốn sách của tôi. Nhiều bộ sách dày phải đọc trong một hai tiếng. Phải lật nhanh qua các trang để thu được thông tin và cảm xúc nào đó. Có thể đây là mặt mạnh và cũng có thể đồng thời là điểm yếu của tôi. Trong cờ vua vô số lần các phương án của tôi thất bại chỉ vì tôi thực hiện sai trật tự trong một tổ hợp đáng lẽ là tuyệt vời. Trong cuộc sống có lẽ cũng vậy. Tuy vậy, đảo lộn trật tự cũng làm tôi gặp được các kỳ ngộ mà phân tích thông thường không vươn tới được. Có lần tôi đưa ra lý luận về việc đảo lộn trật tự và viết lại một bài báo theo trật tự mới và lấp các lỗ hổng logic có thể ra các content mới. Người nghe là hai vị Viện sĩ Hàn lâm ở cùng biệt thự dành cho các GS ở xa. Một ông là nhà triết học một ông là nhà Vật lý. Ông triết học suy nghĩ rồi nói: có thể mọi phát kiến khoa học đều ra đời theo cách đó. Có thể cách của tôi khác ở chỗ thông thường thì người ta đảo lộn trật tự khi đã nắm vững trật tự chuẩn. Tôi thì nhiều khi chưa biết gì, chỉ đọc sai trật tự. Hình học Riemann không giao hoán cũng được tôi xây dựng theo cách đó và vượt được định lý no-go. Vấn đề là hàng tỷ người đều học toán bắt đầu từ đếm, bốn phép tính, rồi luỹ thừa, phương trình bậc 1,2. Đường thẳng mặt phảng tam giác tứ giác, tròn rồi méo thành các đường conic. Có thể nào học ngay từ nhóm Lie hay phạm trù không nhỉ. Biết đâu sẽ cí những cách nhìn khác biệt. Trong vật lý thì chắc chắn dạy vật lý lượng tử, thiên văn trước sẽ thú vị hơn dạy vận tốc thực tế là bài toán tam suất ngớ ngẩn, hay thấu kính là hình học về mấy tam giác hiển nhiên và bóp chết mọi cảm hứng sáng tạo.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

1 comment:

  1. Theo em nghĩ cái này chỉ hợp với nhân liệu ưu tú, chứ đem áp dụng đại trà thì có lẽ sẽ là hỗn loạn, mặc dù có thể có kết quả cực tốt trên một vài cá thể. Ở Hung không ít lần giới tinh hoa theo chủ nghĩa tự do áp dụng những chính sách tương tự trong giáo dục (lsd. képolvasás) và kết quả không được “như ý”. Mô hình là một chuyện, kết quả phụ thuộc không ít vào điều kiện biên (google fordítás :D). Giải pháp tốt khi này thì thế này, khi khác lại là ngược lại phụ thuộc vào hoàn cảnh như thế nào. Giải pháp tối ưu có lẽ là đảm bảo cho sự tồn tại song song của các phương pháp, và tự do chọn lựa chúng chứ không có sự tồn tại tuyệt đối của một phương pháp duy nhất.
    Lại nhớ ngày trước có tranh luận với một chị sang Hung học nghệ thuật là tại sao phải học nghệ thuật trước khi sáng tạo nghệ thuật? Những qui tắc nghệ thuật không bó cứng khiến người ta không thể sáng tạo ra cái mới à? Lời qua tiếng lại, cuối cùng Chị phán:
    Phải học để
    - Không xảy ra cảnh phát minh ra xe đạp một lần nữa (Spanyol viassz feltalálása).
    - Ai mà để những cái học được bó cứng thì người đó không đủ trình độ và tư cách để sáng tạo nghệ thuật, nên đi làm nghề khác.
    Hm, chịu. (igaza van!)
    Nhân rảnh ngã tư sở (home office :D) tán phét tí.

    ReplyDelete