Thursday, May 21, 2020

Quản-Nhạc, Khương-Trương và Chu-Thiệu đời nay

 Nhân kỳ nhân sự của cả hệ thống chính trị, thấy tiêu chí tuyển chọn có vẻ  để lấy một loạt người giống nhau. Hôm nay bình về 3 loại nhà lãnh đạo kỳ tài trong lịch sử.
      Thuỷ Kinh tiên sinh Tư Mã Huy khi bình về Gia Cát Lượng với Lưu Bị nói rằng Lượng tự ví mình với Quản-Nhạc. Bị giật nảy mình nói “Đời nay mà có Quản-Nhạc ư, sao Bị chưa từng nghe?”. Huy nói “Theo tôi, Lượng còn hơn thế. Lượng có thể như Khương Tử Nha giúp Vũ Vương làm nên cơ nghiệp 800 năm nhà Chu hay như Trương Tử Phòng giúp Cao Tổ làm nên cơ nghiệp 400 năm nhà Hán”
       Nhận định của Tư Mã Huy có hai điểm đều sai. Thứ nhất Lượng không hề có tố chất như Quản-Nhạc như tự ví von, và cũng không giống như Khương-Trương như Huy nói. Lượng có tố chất như Chu-Thiệu nếu nhà Thục Hán thành công, hay Bàng-Pháp-Bành còn sống. Nhưng tiếc thay, năng lực của Lượng không được một phần của Chu-Thiệu.
      Quản-Nhạc là loại lãnh đạo toàn quyền thay mặt nhà vua biết người tài và biết mình nhưng năng lực hạn chế. Hai người này đều có khả năng đảo lộn tình thế từ một đống đổ nát tạo nên nên một thế lực bá chủ lất át quần hùng trong thời nhiều thế và lực tranh giành. Quản Trọng vốn là kẻ thù của vua Tề được người anh kết nghĩa bảo lãnh nên được vua Tề giao quyền tướng quốc. Khi đó nước Tề tan hoang do nội loạn, bị nước ngoài giật dây xâu xé, kho tàng trống rỗng, lòng người ly tán, kinh tế tan hoang, binh lực yếu hèn, quan lại tham lam ngu dốt. Trọng từng bước chấn hưng đất nước. Bước 1 chấn hưng kinh tế, có chính sách liên kết khôn ngoan dần đưa Tề lên ngôi bá chủ. Nhạc Nghị cầm quyền nước Yên sau loạn Tử Chi, nước Yên cũng tan hoang nghèo đói, nhà vua cũng ăn cơm gạo hẩm, quần áo không đủ ấm như dân. Nghị đánh bại kẻ thù truyền kiếp là nước Tề đã từng dày xéo nước Yên biến cả nước Tề thành quận huyện của Yên.
    Tư Mã Huy nhìn vào kết quả mà đánh giá Khương-Trương hơn Quản- Nhạc là sai lầm. Khương Thượng phụ tá cho ông vua tài năng, sáng suốt và vũ dũng đích thân cầm quyền. Trương Lương cũng vậy. Lưu Bang là thủ lĩnh quyết đoán tụ tập được nhiều nhân tài, nên Lương chỉ có một số mưu kế trong những thời điểm quyết định. Mưu mẹo quân sự, chính trị đã có Hàn Tín và Trần Bình. Thế cạnh tranh thời Khương- Trương lại chỉ có một đối thủ duy nhất, có sức mạnh tương đương. Vì vậy năng lực của của Khương- Trương không cần toàn diện, đa dạng, linh hoạt và chủ động bằng Quản-Nhạc.
     Chu Công Đán và Thiệu Công Thích là em của Vũ Vương nhà Chu. Vũ Vương sớm qua đời sau khi diệt Ân Trụ và lên ngôi Thiên tử. Di sản để lại là giang sơn một dải, nhưng lòng người chưa yên, dư đảng nhà Ân vẫn rục rịch trở lại, chư hầu cát cứ, có xu hướng không tuân lệnh thiên tử, đám công thần cậy thế, thái tử đảng lũng đoạn chính trường, xâu xé quyền lực. Chu-Thiệu đều giao lại đất phong của mình là nước Lỗ và nước Yên để ở lại kinh đô phò tá ấu chúa. Hai ông giết hai cháu là Quản Thúc, Thái Thúc là thái tử đảng làm loạn cấu kết với kẻ thù bên ngoài. Sau đó nêu uy danh Thiên tử, trấn nhiếp chư hầu. Các ông còn có công phát triển văn hoá rực rỡ, san định lại Lễ Nhạc, chấn hưng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài làm nhà Chu vững mạnh.
    Quản-Nhạc gặp thời nước nhà nhiễu nhương, bên ngoài rối loạn, đe doạ trùng trùng, nước yếu, quân hèn, tích lực, tạo thế, tay không dựng cơ đồ, biến có thành không, Gia Cát Lượng tiếp thu đất Thục của bậc chúa anh hùng Lưu Bị, gồm đất Ba, đất Thục, đất Hán chia ba thiên hạ, vốn là công lao của Bàng-Pháp-Bành bày mưu có được, mà làm mòn sức dân, không khơi mạch cho nhân tài, ra Kỳ Sơn 7 lần đều vô công, nướng quân vô số. Như thế sao dám ví với Quản- Nhạc.
     Khương-Trương là bậc quân sư bày mưu nơi hậu trường, là nanh vuốt đắc lực cho bậc chân chúa, nhưng chưa hề bộc lộ tài cai trị, ngoại giao, cầm đầu. Chu-Thiệu là bậc hiền tài, xây dựng thể chế văn hoá cho muôn đời lại là một loại tài năng khác. Các ông có lúc không được đắc chí, bị tiểu nhân vu hãm, đóng cửa viết sách, súc tích tri thức, rèn giũa nghị lực rút cuộc ra giúp đời.
      Ngày nay chúng ta cần Quản-Nhạc, Khương-Trương hay Chu-Thiệu. Tôi có anh bạn tạm dấu tên, tạm gọi là Quách Ngỗi, phò tá một minh chủ tạm gọi là Yên Vương nhưng tài như Quản-Nhạc lại có khí độ như Vũ-Cao. Yên Vương nghe chuyện cổ nhân mua xương ngựa bèn trao quyền cho Quách Ngỗi, đãi tân khách đông như kiến, ngựa hay cũng đã thấy mua được vài con, nhưng chưa thấy ai là Quản-Nhạc. Hay còn đợi Chu-Thiệu?

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

6 comments:

  1. Trần Khánh Trang
    Tư Mã Huy đề cao là để Huyền Đức thực sự coi trọng thư sinh đọc sách, đánh thêm vào tâm lý phục Hán trường tồn của Hoàng Thúc; chứ thực tâm, có thể Thủy Kính cũng không đánh giá cao Khổng Minh đến vậy (?)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Pham Duc Linh
      Cái ưu điểm nhất của Lượng là ngồi trong màn trướng mà chỉ trỏ thì lại ngon Chứ thân chinh thì nhìn Lục xuất Kỳ Sơn là hiểu

      Delete
    2. Aiviet Nguyen
      Pham Duc Linh, Cả đời Lượng chỉ tham gia vào một chiến dịch thắng lợi là đánh Mạnh Hoạch. Nhưng trong thực tế công đó là của Mã Trung. Tiếc là Trung chết sớm.

      Delete
  2. Pham Duc Linh
    Ít ngừoi để ý chứ Lưu Thiện mới là người nhìn xa. Đúng hổ phụ sinh hổ tử

    ReplyDelete
  3. Đinh Nguyên Dinh
    Em thấy có chỗ mâu thuẫn là Thầy đánh giá câu nói của Tư Mã Huy ở trong truyện tam quốc, nhưng lại lấy Lượng trong lịch sư để xem xét. Nếu xét tất cả trong hoàn cảnh truyện TQ thì đánh giá của TM Huy là có cơ sở.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Em chưa hiểu ý của loạt truyện Bình Tam Quốc. Đây là truyện của tôi viết lại, chẳng cần theo lịch sử hay TQDN. Làm gì có mâu thuẫn. Hoặc có mâu thuẫn đi nữa cũng chẳng sao 🙂

      Delete