Saturday, May 16, 2020

Coffee Time: Lai rai về cà phê


Cà phê được người Pháp đưa vào VN vào khoảng năm 1870. Theo truyền thuyết, anh chàng chăn dê ở tỉnh Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay) là người đầu tiên phát hiện ra cà phê từ các chú dê của anh vì chúng tỏ ra phấn khích và sung sức hơn sau khi ăn những trái nho nhỏ có màu đỏ này.

Sau đó, trái cây này được giới thiệu với các tu sĩ trong giáo hội. Dần dần, các tu sĩ phát hiện ra cách pha chế thành 1 loại thức uống vừa đắng lại vừa thơm ngon từ việc đốt cháy loại trái này. Nó khiến họ cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo. Bấy giờ, tôn giáo có sức ảnh hưởng rất lớn trong xh, vì thế cà phê là thức uống chỉ dành cho quý tộc và giới chức trong giáo hội.

Sau 1 thời gian dài, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây cà phê đã được phát triển ở nhiều nước thuộc địa của các đế quốc, trong đó có VN.

Trong nhiều năm, cà phê tại VN ko được người dân coi trọng nhiều, bởi nó ko phải là nguồn lương thực chính. Mãi đến năm 2001-2002, khi VN được ghi tên là nước trồng và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới thì nghề trồng cà phê mới phát triển mạnh. Thế nhưng, dù là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, song trình độ thưởng thức cà phê của người dân VN xem ra vẫn còn hạn chế.

Uống cà phê thế nào là đúng cách?

Cà phê VN được chế biến theo kiểu pha phin, chỉ sử dụng duy nhất giống cà phê robusta được sao tẩm và thường pha với sữa đặc có đường - điều hiếm thấy ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn hết của cà phê VN là ở cách thức thưởng thức cà phê. Người VN thích uống cà phê theo kiểu ngồi tại chỗ, từ già đến trẻ, từ người sang trọng đến thường dân. Họ uống cà phê ko phải chỉ để uống 1 thứ đồ uống làm họ cảm thấy hưng phấn trong công việc, mà đơn thuần chỉ để thưởng thức 1 loại đồ uống ngon và qua đó thả trôi những giây phút riêng tư cho mình hoặc cùng với bạn bè. Thế nhưng, để người VN có thể uống được những ly cà phê "sành điệu", đúng khoa học hơn thì phải thay đổi thói quen thưởng thức.

Người VN có thói quen uống loại cà phê đậm, sánh và phải đắng. Cà phê có đắng thì mới có "hương vị cuộc đời". Đậm, sánh và đắng là những đặc tính của cà phê robusta. Tuy nhiên, robusta có hàm lượng caffeine cao. Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, mỗi ngày cơ thể chỉ cho phép sử dụng khoảng 300mg caffeine, và còn tùy vào cơ địa của mỗi người. Trong khi đó, 1 phin cà phê ở VN có khoảng 100-120mg caffeine, như vậy mỗi người chỉ nên uống khoảng 2,5 ly cà phê mỗi ngày.

Cũng ko ngạc nhiên khi nhiều người bị say với 1 lượng nhỏ robusta. Với arabica thì hàm lượng caffeine ít hơn. Arabica có mùi rất thơm, loãng, ít đắng và đặc biệt là có vị chua thanh nên đây có lẽ là lý do chính khiến người phương Tây ưa chuộng arabica hơn. Cũng vì lẽ đó, 1 số quán cà phê lớn ở VN hiện nay thường trộn 2 loại robusta và arabica khi pha chế, 1 mặt để giữ hương vị truyền thống, mặt khác giảm bớt được hàm lượng caffeine, thêm được hương vị để cà phê ngon hơn.

Ngoài ra, việc pha chế 1 ly cà phê đúng cách cũng là tiêu chuẩn để đánh giá trình độ thưởng thức cà phê. Dân VN phần lớn ko cầu kỳ trong thiết bị pha chế và cũng ko quan tâm nhiều đến kỹ năng pha ngon. Các chuyên gia pha chế cà phê cho rằng: từ việc hái cà phê đến phơi khô, rang tẩm và pha chế có ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị ban đầu của cà phê. Cô Hồng Hạnh - 1 chuyên gia nghiên cứu về cà phê cho biết: "Nước sôi hoặc nén phin quá chặt hay quá lỏng trong lúc pha cũng làm thay đổi hương vị cà phê". Quả là vậy: khi pha 1 phin cà phê, dòng nước thấm vào bột cà phê mang theo hương vị và tính chất của cà phê chảy qua phần lọc, nhưng có những chất trong bột cà phê mà ta muốn giữ lại sẽ theo những giọt cà phê chảy xuống ly bên dưới. Bởi vậy, nếu pha ko đúng cách, phần cà phê trong ly sẽ ko có được cái tinh túy của cà phê.

Ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia huấn luyện kiến thức cà phê của Công ty Việt Thái Quốc Tế cho rằng để có 1 ly cà phê phin đúng bài bản, cần thực hiện như sau:

1. Làm ấm ly bằng nước nóng.
2. Cho cà phê vào phin (khoảng 20-25g), dùng tấm lọc san đều và chặn trên mặt.
3. Châm nước (86-92 độ C) lần đầu khoảng 30-40ml, đậy nắp khoảng 1-2 phút cho ngấm.
4. Châm nước (86-92 độ C) lần 2 khoảng 30-40ml, đậy nắp khoảng 4-6 phút để chiết.
5. Thêm đường hoặc sữa theo ý thích.

Uống cà phê - uống "hồn" của văn hóa

Người ta thường nói: "Của ngon thì khó đạt". Muốn có 1 ly cà phê thật ngon để thưởng thức thì cần phải đầu tư, mà cần nhất là thời gian. Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp, ít ai có kiên nhẫn để tự pha cho mình 1 ly cà phê hoàn hảo. Vì thế, thói quen thưởng thức những ly cà phê ngon sẽ dần bị mất đi và vh thưởng thức cà phê tuyệt hảo cũng vì thế mà đi vào quên lãng.

Có thể nói: việc thưởng thức cà phê ko chỉ như thưởng thức món ăn, thức uống để no lòng hoặc giải khát, mà là uống lấy cái "hồn", cái "chất tinh túy" của 1 quốc gia. Trên thế giới, nghệ thuật uống cà phê đã thực sự trở thành góc vh của nhiều dân tộc.

Để việc uống cà phê thành 1 góc vh của người Việt, những quán cà phê hiện đại nên quan tâm/khơi dậy những ý thức thưởng thức những ly cà phê ngon lành cho người tiêu dùng.

Minh Tâm (Doanh Nhân SG cuối tuần)

No comments:

Post a Comment