Sunday, May 3, 2020

Tản mạn về nghệ thuật và ẩm thực

Tôi thường nghĩ âm nhạc tác động lên thính giác, hội hoạ điêu khắc tác động lên thị giác đều là nghệ thuật, tại sao tác động lên các giác quan khác lại không được tôn vinh.
       Có lẽ vị giác, khứu giác và xúc giác không lưu giữ cố định được. Tôi nghe một cô gái tả về chấn động tâm lý như luồng điện khắp châu thân và thấy hồn mình bay lên khi thoáng ngủi thấy mùi nước hoa quen thuộc của người yêu ở xa. Tác động mạnh mẽ như vậy còn hơn cả nghệ thuật. Tôi vẫn thường ngửi mùi cỏ nồng sau mỗi cơn mưa lại nhớ những cơn mưa thời thơ bé, hay những buổi hẹn chiều hè Hungari xa thẳm, nhiều khi choáng người vì hoài niệm trào dâng.  Có thể còn mạnh mẽ và gợi hình ảnh còn sắc nét hơn nhạc của Vivaldi. Kỳ nam, trầm hương, nước hoa “Độc dược” có thể xem là tương đương của các bản nhạc trữ tình nhất.
    Tôi chưa tưởng tượng hết nổi nghệ thuật tác động lên xúc giác sẽ như thế nào. Chắc hẳn người mù sẽ biết thưởng thức loại hình nghệ thuật này hơn chúng ta. Có thể chúng ta không vượt nổi sáng tạo của Thượng Đế về làn da mịn màng, cơ bắp săn chắc, viên đá cuội nhẵn lì, mát lạnh, hay hơi ấm của đống lửa trong rừng lạnh. Nghệ thuật là những gì con người vượt Thượng Đế.
      Còn vị giác thì sao. Cụm từ “nghệ thuật ẩm thực” là một trò chơi tu từ mị dân. Thâm tâm của những người nói cụm từ này vẫn không coi các đầu bếp kiệt xuất ngang hàng với Mozart, Beethoven, Picasso hay Tề Bạch Thạch. Các món ăn cũng là tác phẩm con người vượt qua Thượng Đế. Từ đậu đến Đậu phụ đã là một đoạn đường xa, từ Đậu phụ đến Chao lại là kiệt tác. Có lẽ Vị giác chứa quá nhiều thị dục nên khó thăng hoa thành nghệ thuật chăng? Cũng như mĩ cảm giới tính dù không ai thoát nhưng chẳng phải là nghệ thuật hoặc có chăng cũng phải buộc vào các loại hình nghệ thuật khác, như nhạc, hoạ, điện ảnh.
    Các thợ cả của ẩm thực thường là đàn ông, nhưng những người thực hiện chúng thường xuyên hơn lại là phụ nữ. Vì vậy ẩm thực của một dân tộc thường phản ánh khí chất của người phụ nữ. Ẩm thực Việt Nam hơi nhạt nhẽo, vì nhiều đồ luộc.
     Cuối cùng chúng ta có thể tự hỏi đâu là tinh tuý của ẩm thực Việt. Mọi người thường nói đến Phở. Tôi cũng cho Phở là một kiệt tác, nhưng không phải sáng tạo thuần Việt, mà có thể xem đó là thành công của hội nhập quốc tế, hương vị Việt, phong cách Pháp có chút phong vị Trung Quốc. Phở ra đời khoảng đầu thế kỷ XX. Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ, Hồ Xuân Hương chưa bao giờ được nếm Phở. Cũng có nguòi cho là Chả Giò hay Nem Rán. Bà hàng xóm của tôi nói món này ở Bắc gọi là nem Sài gòn, trong Sài gòn lại gọi là nem Hà Nội. Từ đó suy ra món này mới có vào thời thuộc Pháp.
     Nói đặc biệt là phải không đâu bằng như nước source của Pháp, mì Ý, đồ chua và súp Hungari, thịt cừu nướng và trứng cá Nga. Có lẽ Việt Nam nhất thế giới là rau thơm, phong phú và đặc sắc không đâu bằng. Ý có các loại mì khác nhau, Pháp có các loại pho mai khác nhau, Hung có các loại dưa chua khác nhau, Nhật có các loại gỏi cá sống khác nhau, cớ sao Việt Nam không thể có các món cuốn rau thơm khác nhau. Có thể thi vô địch về món cuốn do sự đa dạng đó. Tôi có thời gian và tiền thì sẽ muốn mở 2 nhà hàng Việt Nam. Một là cuốn rau sống. Người ăn sẽ tuỳ ý gia giảm để tạo ra hương vị riêng. Thứ hai là noodle house, các loại mì, bún, phở, và các loại bánh làm từ bột.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

13 comments:

  1. Minh Hong Nguyen
    Anh Việt mở nhà hàng đi! Nhiều anh em sẽ tới đấy! 🙂

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Chuong
      Minh Hong Nguyen, đã có một thời

      Delete
  2. Nguyen Chuong
    Đặc biệt của VN là các món từ rau muống, luộc với nước dấm sấu, me, tai chua, thanh mai; xào tỏi (mắm tôm), rau muống chẻ với riêu cua, nôm rau muống với muối vừng. chưa kể rau muống xào thịt trâu, canh rau muống ghẹ, canh rau muống khoai sọ với cua rồi lẩu gà rau muống..

    ReplyDelete
  3. Đào Trương Bích
    Bạn kỹ tính quá theo mình vẫn là ẩm thực Việt được .Ví dụ như nem và chả mình không biết rõ nguồn gốc như bạn nhưng không ai có thể thái , ướp thịt pha bát nước chấm như dân Việt được và nhất là rau gia vị của làng tớ trên thế giới không đâu có .Mình nhớ có lần pha nước chấm nem có anh bạn Bỉ bê cả bát uống làm mình bật cười phải dậy cách ăn . Sau đó anh ta còn xin một ít và cho mẹ nếm thử ...Tớ là người Hoa nhưng lại thích ăn món ăn Hoa trên đất Việt vì nó phù hợp với khí hậu và khẩu vị hơn .Bạn có nghĩ vậy không ?Am thực Việt đâu có nhạt nhẽo như phụ nữ chúng tớ vậy ....

    ReplyDelete
  4. Quang Harmony Nguyen Nhat
    Anh Aiviet Nguyen kỳ thị đồ luộc là sai rồi. Đồ luộc điều vị bằng nước chấm, customize được ở mức độ nhất định cho từng người ăn (mặn nhạt...)

    ReplyDelete
  5. Tran Thi To Nga
    Em thấy rau thơm Tây nhiều hơn rau thơm ta chứ!
    Nhưng em khoái ý tưởng mở nhà hàng cuốn nơi khách hàng tự chọn thử nghiệm các combinations khác nhau để ra các vị khác nhau.
    Em có một kết luận là các món ngon hoặc là độc nhất nó ( bản thân nó quá xuất sắc rồi - như gan ngỗng hay bò ngon nhất) hoặc là sự kết hợp của rất nhiều thứ khác nhau ( bún thang, nem, xào hạnh nhân, salad trái cây với kem hoặc thạch và kem, cuốn, salad, hay nước dùng nấu từ đủ các thứ đồ biển, gia cầm, lợn....) và nghệ thuật chính là sự kết hợp phối trộn hài hoà và tôn nhau lên như thế

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Anh không thể đếm đến 5 loại rau thơm Tây. Trong khi đó anh biết phải tới 30 loại rau thơm Việt Nam (anh là loại biết ít).

      Delete
    2. Tran Thi To Nga
      Em đang đếm rau thơm ta đây
      Kể cả rau ko thơm em đếm chưa tới 30
      Hi hi
      Còn gia vị Tây em có trong bếp đã hơn 5 rồi
      Chắc tại em thèm những thứ em thiếu nên cảm thấy còn nhiều thứ mình ko có sẵn
      Còn rau thơm Việt ko phải thèm nên thấy nó ít
      Tóm lại là do em chủ quan ko chịu đếm cho kỹ
      Hi hi

      Delete
  6. Dũng Thượng Nguyễn
    Thực ra theo ý kiến cá nhân em thì món luộc chính là nhân tố ban đầu tạo ra sự phong phú của ẩm thực Việt nam! Với chất liệu đơn sơ mộc mạc của mình, món luộc có thể khiến mỗi người ăn có thể cá biệt hoá món ăn bằng sự cảm nhận của mình thông qua đồ ăn kèm tự sáng tạo ra! Như chỉ món thịt luộc có thể dùng với muối tiêu ớt, nước mắm pha hay các loại mắm, mắm tôm hay mắm tôm chua ăn kèm với hành lá, chuối xanh, khế chua, gừng thái lát mỏng v.v cùng với các loại rau thơm ăn kèm! Nước luộc lại có thể dùng phối hợp với các loại củ để làm món canh ăn kèm rât tuyệt!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Anh đang đá xéo chị em chút chơi.

      Delete
  7. Nguyen Tran Phuong
    Văn hoá luộc đi kèm với văn hoá mắm thì đâu có nhạt nhẽo chút nào ?

    ReplyDelete
  8. Khanh Phanvan
    Hay. Đặt Aiviet Nguyen viết bài về các loại thức chấm(dùng cùng món luộc cho đỡ nhạt)!

    ReplyDelete