Thursday, May 21, 2020

VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ KIÊU NGẠO VÀ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2019


Kính gửi:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam


(Về việc Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập)

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ về hưu năm 2008. Năm học 1965 – 1966 tôi được giải nhì học sinh giỏi Lý lớp 9 toàn miền Bắc. Năm đó vào vòng thi chung kết, làm dụng cụ thí nghiệm tại trường cấp 3 Xuân Đỉnh (Hà Tây) chỉ có 2 người. Năm lớp 10 tôi được tuyên dương ở hội đồng thi tốt nghiệp. Từ tháng 8/1967 – 4/1977 tôi được cử sang nước CHXHCN Tiệp Khắc học đại học tại Khoa các Khoa học tự nhiên, trường Karlova Univerzita tại thủ đô Praha và chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại Viện Hóa lý và Điện hóa (Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc). Tôi có quá trình công tác hơn 10 năm tại Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng, 10 năm tại Viện Khoa học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và 10 năm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xin được trình bày những trăn trở sau:

Hiện nay đất nước ta đang có khoảng 0,5 triệu thanh niên trẻ xuất khẩu lao động (theo con đường hợp pháp) đi làm việc trong 30 ngành nghề khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân hàng năm đem về 2,5 tỷ USD. Năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 245 tỷ USD (ngang bằng GDP), trong đó các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đạt 176 tỷ USD, chiếm 72%, còn lại 28% dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đạt 69 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam làm thuê, là oshin ngay trên chính quê hương, đất nước của mình. Do vậy, những lợi ích do Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt  Nam (EU-Vietnam FTA) v.v.. mang lại các doanh nghiệp FDI thụ hưởng là chính.

Năm 2018 Việt Nam xuất khẩu gạo thu về 3,1 tỷ USD, trong đó có đến 85% là chi phí cho phân hóa học, thuốc trừ sâu, giống, xăng, dầu. Trong những sản phẩm dệt may xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 85% chi phí là cho nhập khẩu sơ, sợi, vải, phẩm nhuộm, chỉ, khuy, ốc v.v.. Vào một nhà máy dệt may, 100% máy móc, thiết bị là nhập khẩu. Ô tô Vinfast, niềm tự hào của tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, tự hào là đại diện nền công nghiệp 4.0  của Việt Nam, được sản xuất trong một nhà máy 100% máy móc, thiết bị là nhập khẩu; công nghệ cũng nhập khẩu. Người nước ngoài đến tận nơi hướng dẫn lắp ráp máy móc, thiết bị, kiểm tra và hiệu chỉnh, hướng dẫn vận hành và bàn giao. Những chiếc điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn do các tập đoàn Viettel, FPT hay BKAV sản xuất, gần như 95% linh kiện là nhập khẩu, phần lớn là từ Trung Quốc. Chúng ta  sản xuất được vỏ, nhưng bản thân thiết bị, dây chuyền sản xuất vỏ lại phải nhập khẩu. Mạng 5G mà Viettel đang triển khai 95% thiết bị, linh kiện nhập khẩu. Chúng ta biết lắp ráp và vận hành, chuyên gia nước ngoài kiểm tra, tinh chỉnh và bàn giao.

Câu chuyện các nhà khoa học Việt Nam không thể tự sản xuất ra được con ốc vít đạt chuẩn quốc tế bắt nguồn từ các chuyên gia nước ngoài sau đó lan rộng sang người Việt Nam, nói lại cho nhau nghe để biết. Trong khi đất nước Triều Tiên dân số chỉ có 25 triệu người, tài nguyên không có, bị cấm vận nhiều năm  triền miên và nghiệt ngã, nhưng các nhà khoa học của họ tự sản xuất được nhiều thứ, từ A đến Z. Ví dụ bom nguyên tử, máy bay, tên lửa, tàu ngầm, xe tăng, đại bác v.v…chưa kể Hàn Quốc những năm 60 nghèo khổ cũng như Việt Nam.



Khá nhiều các nhà khoa học Việt Nam đã quên những kiến thức cơ bản, chỉ nắm hiểu bề ngoài của vấn đề. Thay vì cần đưa ra những lập luận khoa học để phản biện lại những ý kiến khoa học, đã sử dụng những ngôn từ thóa mạ ngắn ngủi. Lịch sự hơn thì họ tung ra những thông tin chẳng liên quan đến bản chất vấn đề; hoặc những thông tin không thể kiểm chứng, làm cho người đọc bình thường hoa mắt, mất phương hướng (bịa đặt thông tin).

Chất lượng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành thấp ở mức đáng báo động. Dẫn đến một số quyết định mà Thủ tướng và lãnh đạo Bộ, ngành ký ban hành là phản khoa học và rất có hại cho đất nước (xem toàn văn bài viết chứng minh chi tiết đính kèm).

Bộ  Khoa học và Công nghệ Việt Nam là Bộ duy nhất trên Thế giới đã phủ định những chân lý khoa học trong Hóa học và Môi trường bằng việc cố tình bắt nhân dân cả nước, bắt cả Tổng Bí thư Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội phải nghe sai, nói sai và hiểu sai về nguyên nhân cá chết trong sự cố môi trường biển lịch sử tại 4 tỉnh duyên hải  miền Trung.

Việt Nam không có khoa học, không thể tự sản xuất ra được công nghệ, không thể tự sản xuất ra máy mẹ đẻ máy con; chẳng nhẽ dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi là người lao động làm thuê, cam phận làm oshin?

Các nhà khoa học Việt Nam đang có một món nợ rất lớn đối với đất nước, với dân tộc, trong đó Bộ KH&CN với bề dày lịch sử hơn 60 năm có vai trò chủ yếu. Nếu không làm cuộc cách mạng trong quản lý KH&CN, Việt Nam sẽ mãi là đất nước bán rẻ tài nguyên, gia công, lắp ráp và làm thuê.

Kính trình Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan bài viết chứng minh dưới đây và kính mong các Quí lãnh đạo xem xét.

Xin trân trọng cám ơn.

Nguyễn Đức Thắng

Địa chỉ thường trú: Điện thoại: 0352 344 233; email: ndthangndt@yahoo.com

=====================================================================================

VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ KIÊU NGẠO

VÀ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP

Vì hiện nay đất nước ta đang có khoảng 0,5 triệu thanh niên trẻ xuất khẩu lao động (theo con đường hợp pháp) đi làm việc trong 30 ngành nghề khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân hàng năm đem về 2,5 tỷ USD. Năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 245 tỷ USD (ngang bằng GDP), trong đó các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đạt 176 tỷ USD, chiếm 72%, còn lại 28% dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đạt 69 tỷ USD. Không có con số thống kê bao nhiêu tỷ USD các doanh nghiệp FDI bán sản phẩm tại Việt Nam, cho người Việt Nam sử dụng, khai thác thị trường hơn 96 triệu dân (thứ 15 Thế giới). Điều đó chứng tỏ người Việt Nam làm thuê, là oshin ngay trên chính quê hương, đất nước của mình. Do vậy, những lợi ích do Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt  Nam (EU-Vietnam FTA) v.v.. mang lại các doanh nghiệp FDI thụ hưởng là chính.

Vì đã nhiều năm chúng ta dốc toàn tâm, toàn sức để trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Năm 2018 Việt Nam xuất khẩu gạo thu về 3,1 tỷ USD, trong đó có đến 85% là chi phí cho phân hóa học, thuốc trừ sâu, giống, xăng, dầu v.v. Ngành thủy sản xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, trong đó chi phí cho nuôi trồng và đánh bắt xa bờ cũng phải đến gần 85%. Trong những sản phẩm dệt may, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 85% chi phí cho nhập khẩu sơ, sợi, vải, phẩm nhuộm, chỉ, khuy, ốc v.v.. Nếu bạn vào một nhà máy dệt may, 100% máy móc, thiết bị là nhập khẩu. Nếu bạn vào nhà máy sản xuất ô tô Vinfast sẽ thấy 100% máy móc, thiết bị là nhập khẩu; công nghệ cũng nhập khẩu. Người nước ngoài sẽ đến tận nơi hướng dẫn chúng ta lắp ráp máy móc, thiết bị, kiểm tra và hiệu chỉnh, hướng dẫn vận hành và bàn giao. Giả sử chiếc xe ô tô Vinfast này có đến 40% phụ tùng, linh kiện là nội địa hóa (Made in Vietnam) thì gần như nguyên liệu để sản xuất ra chúng đều từ nhập khẩu, hoặc Made in Vietnam nhưng do các doanh nghiệp FDI sản xuất. Made in Vietnam không quan trọng bằng Made by Vietnamese.

Vì những chiếc điện thoại thông minh (smart phone), máy tính để lòng bàn tay (ipad), máy tính xách tay (laptop), máy tính để bàn (desktop computer) v.v..  do các tập đoàn Viettel, FPT hay BKAV sản xuất, gần như 95% linh kiện là nhập khẩu, phần lớn là từ Trung Quốc. Vỏ của những thiết bị, máy móc này có thể được sản xuất tại Việt Nam. Nhưng bản thân cái dây chuyền, công nghệ, máy móc, thiết bị để sản xuất vỏ điện thoại, vỏ máy tính lại là nhập khẩu. Tập đoàn Asanzo chuyên về điện tử, điện lạnh, nhập khẩu 100% chi tiết, linh kiện từ Trung Quốc về chỉ có lắp ráp, không những thế còn gian lận thương mại, trốn thuế, làm giả hợp đồng, giả giấy tờ. “Công nghệ” lắp ráp bây giờ đơn giản tới mức chỉ cắm, nối các giắc cắm và vặn ốc vít là xong. Mạng 5G mà Viettel đang triển khai 95% thiết bị, linh kiện nhập. Chúng ta biết lắp ráp và vận hành, chuyên gia nước ngoài kiểm tra, tinh chỉnh và bàn giao.

Vì các nhà khoa học Việt Nam không thể làm ra công nghệ, không thể làm ra chiếc “máy cái để sản xuất máy con”. Câu chuyện các nhà khoa học Việt Nam không thể tự sản xuất ra được con ốc vít đạt chuẩn quốc tế bắt nguồn từ các chuyên gia nước ngoài sau đó lan rộng sang người Việt Nam, nói lại cho nhau nghe để biết. Các nhà khoa học cơ khí Việt Nam được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, được trang bị từ chân tới đầu, nhưng vẫn không thể tự bằng bàn tay mình sản xuất ra các máy móc nông nghiệp như một số người nông dân trình độ văn hóa mới lớp 5, lớp 7 để bán thương mại (có đầy trên Youtube). Đất nước Triều Tiên dân số chỉ có 25 triệu người, rất ít và nhỏ bé so với Việt Nam, bị cấm vận nhiều năm  triền miên và nghiệt ngã, nhưng các nhà khoa học của họ tự sản xuất được nhiều thứ, từ A đến Z. Ví dụ bom nguyên tử, máy bay, tên lửa, tàu ngầm, xe tăng, đại bác v.v…chưa kể Hàn Quốc những năm 60 nghèo khổ cũng như Việt Nam.

Vì trong khoa học xã hội chúng ta phải vật lộn đấu tranh sau hơn 30 năm mới công nhận khoán hộ trong nông nghiệp, mới công nhận nền kinh tế thị trường, mới công nhận thành phần kinh tế tư nhân là hợp pháp, mới công nhận người giàu không phải do bóc lột sức lao động của người nghèo, mới công nhận đa nguyên trong quan điểm và tranh luận. Rất nhiều những nghiên cứu trong khoa học xã hội toàn là những bài viết đầy ý chí, ngợi ca, tô hồng.

Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập: Vì hàng trăm nhà khoa học, liên Bộ ngành, từ Trung ương tới địa phương,  lao vào cuộc truy tìm nguyên nhân cá chết ngoài biển khơi, được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại, sau gần 3 tháng đã tham mưu cho Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ một kết luận rất sai và rất phản khoa học, đối kháng với nhiều thực tế hiện trường, với khái niệm cơ bản của môn độc tố học (toxicology), với thông lệ Thế giới giải thích nguyên nhân cá chết ngoài biển. Kết luận cá chết vì các độc tố hóa học đã gây căng thẳng, lo lắng trong xã hội. Từ khi loài  người biết sản xuất ra các độc tố hóa học đến nay, chưa ở đâu trên Thế giới xẩy ra cá chết trắng ngoài biển khơi bị qui kết do các độc tố hóa học, duy nhất chỉ có ở Việt Nam.  Thực ra cá đã chết vì cạn kiệt ô xy hòa tan trong tầng nước dưới đáy biển, một cái chết an lành và nhân đạo. Chi tiết xin xem bài “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết” tại website Nguyenducthang.vn chuyên mục Hóa học và Môi trường.

Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập. Vì Trưởng nhóm độc tố hóa học của Hội đồng KH&CN quốc gia xác định nguyên nhân cá chết, tại hội thảo khoa học đã đề xuất “Sẽ phải hút hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng. Chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài 209 km và phải hút sâu tối thiểu 50cm thì mới đảm bảo sạch biển” (Báo Dân Việt, đăng thứ Sáu, ngày 01/07/2016 15:46 PM) .

Theo đề xuất này, giả sử kích thước bùn cần hút là 60m rộng x 209.000m dài x 0,5m sâu = 6,3 triệu m3 bùn, tương đương 7,25 triệu tấn. Tổng kinh phí chỉ riêng cho nạo vét, hút bùn gần 10.900.000 tỷ đồng (tương đương 473 tỷ USD!!). Trong khi dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018 (Quyết định số 2610/QĐ-BTC, ngày 21/12/2017) chỉ có 1.523.200 tỷ đồng. Đề xuất nạo vét làm sạch đáy biển thực sự sẽ là một cuộc tổng tàn phá kinh hoàng hệ sinh thái đáy biển, sẽ thêm rất rất nhiều san hô bị chết một cách dã man. Không cần tốn 1 xu biển sẽ tự làm sạch chỉ trong một vài năm.

Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập. Vì chính Bộ KH&CN đã không ủng hộ chân lý khoa học. Trong hơn 2 năm qua tôi đã có một số lần gửi thỉnh cầu đến họ đòi trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết, nhưng Bộ đã phớt lờ. Cho đến nay, Bộ vẫn cố tình bắt nhân dân cả nước, bắt toàn thể BCH TW Đảng phải nghe sai, nói sai và hiểu sai về nguyên nhân cá chết. Bộ KH&CN Việt Nam đang phủ định lại chính mình, phủ định mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh cao quí của Bộ. Tại Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có ghi rõ phát triển KH&CN là quốc sách. Hàng năm, tổng chi ngân sách Nhà nước cho phát triển KH&CN đã đạt 2%, vượt 20.000 tỷ đồng/năm.

Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập. Vì các nhà khoa học Điện và Năng lượng của đất nước đã tham mưu cho Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016) là phản khoa học và rất có hại cho đất nước. Điện và Năng lượng là ngành kinh tế trụ cột của đất nước. Bản Quy hoạch đã chọn mô hình Điện lực thập kỷ 60, 70 chủ yếu dựa vào nhiệt điện than, độc quyền sản xuất và kinh doanh điện cho tương lai Điện lực Việt Nam, trái ngược 180 độ so với xu thế phát triển của Thế giới là điện năng lượng  tái tạo, điện xanh, điện sạch, rất dân chủ, phân tán, phi tập trung. Chi tiết xin xem bài “Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 là phản khoa học và rất có hại cho đất nước” tại website Nguyenducthang.vn chuyên mục Điện và Năng lượng. Bài viết này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp thu bằng ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương “Không được tiếp tục làm nhiệt điện than”. Ngày 25/8/2018 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có thư gửi cho tôi, trong thư ghi rõ “Những kiến nghị của Ông sẽ được ghi nhận để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình xây dựng và phê duyệt Tổng sơ đồ phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn tiếp theo (TSĐ8)”. Hiện Bộ Công thương đang soạn thảo Quy hoạch Điện lực 8, hòa nhịp theo xu thế phát triển Điện và Năng lượng của Thế giới. Ngày 6/11/2019 trong phiên họp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng đã thừa nhận là Quy hoạch Điện lực được phê duyệt năm 2016 đã bị phá vỡ, do không lường trước được sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời.

Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập. Vì để bảo vệ vai trò trụ cột của nhiệt điện than trên website của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ ngày 08/2/2017 – 14/6/2017 đăng liền mạch 20 bài viết “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và từ ngày 13/10 – 18/12/2017 đăng 15 bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm”, từ 03/11 - 07/11/2017 đăng 3 bài "Cú lừa thế kỷ”, “Về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu” và bài “Trò gian lận bị lật tẩy”. Tổng cộng 39 bài viết. Bảo vệ vai trò trụ cột của nhiệt điện than tức là tôn vinh mô hình điện lực của thập kỷ 60 và 70, độc quyền sản xuất và kinh doanh điện, đi  ngược 180 độ so với xu thế phát triển Điện của Thế giới là điện gió và điện mặt trời là chủ lực, vì nguồn năng lượng gió và mặt trời là vô tận, tạo nên một nền điện lực rất dân chủ, rất phân tán, phi tập trung. Nguồn năng lượng này đang vẽ lại bản đồ chính trị Thế giới.

Những chính trị gia, các chính khách khi đọc 39 bài viết trên như bị lạc trong rừng thông tin, số liệu không cần thiết, sẽ bị u mê, hoa mắt, mất phương hướng. Tuy nhiên chỉ cần bạn nắm được xu thế phát triển điện của Thế giới, đó là cái la bàn giúp bạn định rõ phương hướng Bắc – Nam khi đi trong rừng mà không bị lạc. Chi tiết xin đọc tại website Nguyenducthang.vn chuyên mục Điện và Năng lượng, bài “10 lý do cơ bản của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bảo vệ vai trò trụ cột của nhiệt điện than”

Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập. Vì Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (The International Renewable Energy Agency - IRENA) là tổ chức liên Chính phủ, ra đời ngày 26/01/2009 tại hội nghị thành lập ở Bonn (Cộng hòa Liên bang Đức), có sứ mệnh hỗ trợ các nước trong việc chuyển đổi theo hướng năng lượng bền vững. Đến nay đã có tất cả 180 nước thành viên. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Cambodia đều tham gia. Do đam mê nhiệt điện than, đơn độc và đối lập hoàn toàn với xu thế phát triển năng lượng của Thế giới nên Việt Nam đã “lựa chọn” đơn độc đứng ngoài tổ chức này.

Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập. Vì đoàn đại biểu liên bộ của Việt Nam luôn tham dự các cuộc hội nghị liên Chính phủ COP hàng năm về chống biến đổi khí hậu đã không quán triệt được tinh thần của hội nghị, đi vào gốc rễ, nguồn gốc dẫn đến BĐKH là cắt giảm phát thải CO2 (khí gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu), đồng nghĩa với cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, xăng dầu, khí), trong đó nhiệt điện than là hàng đầu. Sau tham dự COP21, ký kết thỏa thuận Paris 2015, về nhà trình luôn Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016) đẩy mạnh tối đa phát triển nhiệt điện than.

Thế giới đang tập trung cho các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch, tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế than, xăng, dầu, khí; ngăn ngừa gốc rễ, nguyên nhân gây BĐKH; trái ngược Việt Nam đang huy động rất nhiều nguồn lực hạn hẹp cho các giải pháp ứng phó, thích ứng, thích nghi trong tương lai xa. Ví dụ đang tập trung rất nhiều nguồn lực xây 172km đê bao, 12 cống đập, đê biển Vũng Tàu – Gò Công (đã nghiên cứu xong) chống ngập cho Tp. HCM. Trong khi mực nước biển dâng thực có tại biển Vũng Tàu năm 2018 dưới nửa móng tay (2 – 3mm).

No comments:

Post a Comment