Monday, May 11, 2020

Đan tâm tại ngọc Hồ,

Đã gần một năm trôi qua, tôi cứ suy nghĩ mãi về ý tứ của cụ Hồ khi viết câu: 
       "Bắc Kinh thân hữu như tương vấn
        Nhất phiến đan tâm tại ngọc Hồ" 
   Cũng một năm trôi qua không có cao nhân nào bình luận về ý này để gợi cho tôi một ý niệm nào bổ sung. Tất nhiên câu  này rõ ràng hàm ý nhắn Mao Trạch Đông và gửi ý tứ cho Chu Ân Lai để trả lời một nội dung nào đó trong cuộc hội đàm tại Quảng Châu, như vậy có liên quan đến "đại sự" giữa hai nước.
     Tôi tin là tôi đã đi đúng hướng khi liên hệ chữ "đan tâm" mà cụ Hồ cố tình sửa từ chữ "băng tâm" với Văn Thiên Tường, nói về lòng yêu nước không thể lay chuyển.  Cụ Hồ cũng sửa chữ "hồ" là bình rượu thành Hồ trong tên Hồ Chí Minh. Vậy là "đan tâm tại ngọc Hồ" chắc chắn lòng yêu nước trong lòng Hồ Chí Minh vẫn đỏ như son và trong như ngọc. 
     Vậy, cụ Hồ và Chu đã bàn gì với nhau để khi về nước cụ lại phải "lên gân" như vậy? Thời điểm này chính là sau Chiến dịch Tết Mậu Thân, có thể nói theo quan điểm ngắn hạn là một bước thụt lùi về quân sự của phía Bắc Việt Nam (về tầm dài lại là thắng lợi lớn về chính trị). Có lẽ do sức khỏe suy giảm nên cụ Hồ muốn khẳng định quyết tâm tiếp tục tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam. Có lẽ Chu đã bàn lùi gì đó?
------------

Đan tâm

   Hôm qua  kỷ niệm ngày sinh của cụ Hồ. Cụ sinh năm 1890 trạc tuổi ông nội tôi. Tuy vậy ông tôi là bạn vong niên với cụ Sắc vì ngày xưa đồng khoa, dù tuổi chênh lệch nhiều vẫn là bạn xưng bác tôi ngang hàng. Chẳng hạn ông tôi vì đỗ sớm, nên dù nhỏ tuổi hơn cụ Tạ Quang Diệm thân sinh ông Bửu và ông Đạm nhưng vì là đồng khoa nên sau này tuy về mặt bà con ở vai dưới, nữ sĩ Sầm Phố luôn kính trọng gọi ông tôi là “ông”.
    Tình cờ ngày 19/5 năm nay đọc di cảo thơ văn của dòng họ Nguyên Đức (ông tôi là cháu ngoại cụ Hành Tẩu Nguyễn Đức Công) đọc được bản dich của  bài thơ Đường của Vương Xương Linh “Phù Dung Lâu tống Tân Tiệm) do ông tôi dịch.
     Bài này thì quá nổi tiếng tôi sẽ không phẩm bình ở đây. Đáng chú ý là hai câu cuối
      Lạc Dương thân hữu như tương vấn
      Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ
Lạc Dương là kinh đô nhà Đường. Có lẽ me xừ Tân Tiệm được bổ làm quan ở kinh đô. Vương Xương Linh châc vốn ở Lạc Dương bị biếm về phương Nam nhớ Lạc Dương và bạn bè xướng hoạ nên lưu luyến đưa tiễn và gửi tâm sự.
    Băng tâm là tấm lòng như băng thường được ví với sự trong sạch cao quý. Một nghĩa khác là sự lạnh lùng kiên định ngạo nghễ không gì lay chuyển được. Ngọc hồ nhiều người giải thích sai là đáy hồ trong như ngọc, hình ảnh thì đẹp nhưng sai ý tác giả. Hồ đây là hồ rượu bằng ngọc. Ý nói tấm lòng thanh khiết nay còn nguyên nhưng nay băng giá mượn rượu để làm nơi ẩn tàng.
     Dưới bài dịch có lời chú của ông Nguyễn Đức Dương, cháu nội cụ Hành Tẩu, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, anh em con cô con cậu với ông tôi. Lời chú kể là năm 1968 trước khi mất 1 năm. cụ Hồ dưỡng bệnh ở Quảng Châu , ông Chu Ân Lai từ Bắc Kinh về thăm. Không biết hai ông bàn chuyện gì, khi cụ Hồ về Hà Nội ( chắc khoảng tháng 5/1969) cụ Hồ gửi ông Chu câu thơ  nhái theo câu trên
   Bắc Kinh thân hữu như tương vấn
    Nhất phiến đan tâm tại ngọc hồ
Tôi cho rằng việc sửa văn thơ tuỳ tiện không được nhã, và có thể bắt nguồn từ thói quen dân gian lẩy kiều, hát ả đào của dân Nghệ Tĩnh. Cụ Dương chắc cũng cùng ý đó nên bình “về mặt ngoại giao tỏ lòng thân thiện với TQ. Còn về mặt văn chương hẳn Bác cũng thấy là khiên cưỡng” Vậy ta hãy bình một chút xem sao. Cụ Hồ đã thay đổi câu thơ của Vương ở 3 chỗ : Trước hết Lạc Dưong đổi thành Bắc Kinh, chắc nhờ ông Chu nhắn với ông Mao. Chữ “hồ” là bầu rượu đổi thành Hồ trong tên Hồ Chí Minh. Thay đổi này làm biến hẳn ý nghĩa và chủ thể người nhắn tin. Điều đáng nói nhất là chữ “đan tâm”. Chữ này nghĩa khá rõ vì gắn liền với tên tuổi nhà ái quốc vĩ đại và bi phẫn nhất lịch sử Trung quốc với câu thơ chính khí uất hận không tan trước khi lâm chung
   Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử
   Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Tôi tạm dịch
   Sinh ra làm người ai chẳng mất
   Cốt giữ lòng son rạng sử xanh
Chữ “đan tâm” ở đây vô cùng đắc thủ. Đan là đỏ như son, không phải là bã trầu, tiết dê hay hồng phấn hay hơn hẳn “hồng tâm” mặc dù không lập trường bằng. Tiếng Việt là “lòng son”  cũng là từ dịch rất đạt cả ý lẫn chữ. Son trong “son sắt” hàm ý không thay đổi mặc dù hoàn cảnh không như ý. Đối với Văn Thiên Tường lại càng rõ. Nước mất nhà tan, vua đã chết tại Nhai Sơn cùng các đồng chí như Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt, Văn ý thức được vận mệnh nhà Tống đã mất, tương lai đã định cục chỉ mong giữ đan tâm làm gương cho hậu thế. Không có những đan tâm như Văn hậu thế có lẽ sẽ không còn biết chính khí là gì. Do đó mặc dù người ta vẫn đề cao Tổ Xung Chi phục vụ triều đại mới để phát minh khoa học, người ta vẫn thờ và khóc Văn.
    Cũng có thể cụ Hồ không có ý tứ sâu xa, tiện tay dùng chữ nghĩa cốt được việc. Tuy vậy, tôi cho rằng dùng đến “ đan tâm” chắc có tâm sự lớn liên quan tới nội dung cuộc nói chuyện với ông Chu ở Quảng Châu và giống như một lời trối trăng.
      Cuối cùng chuyện phiếm cho vui. Lầu Phù Dung là ở đâu. Bài thơ có nói về địa điểm này ở giữa đất Ngô và đất Sở. Nghe nói ngày nay gần Phượng Hoàng cổ trấn có trấn Phù Dung. Nơi đây ông tổ của họ tôi là Nguyễn Nhân Thiệm phó sứ của ông Trạng Bùng đã qua đời trên đường về. Cụ Thiệm người làng Bột Thượng, Hoằng Hoá cùng làng với Cống Quỳnh. Khi vào làm quan ở Nghệ An cụ tạo sinh (có lẽ có phòng nhì) ra chi Nguyễn Huy ở Vạn Lộc Chân Lộc. Bột Thượng thuộc Hoằng Lộc là nơi có vô số đại khoa. Ông tôi chắc thừa hưởng được truyền thống đó.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment