Chiều ngày 7/5/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nhớ hình ảnh “lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries. Hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh kéo cờ trắng đầu hàng”. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi với quân dân ta, và ngày 7/5 trở thành một ngày của lịch sử vẻ vang trong dặm dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hoãn lệnh mở màn chiến dịch trong 24 tiếng
Một trong những bất ngờ đối với quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chính là họ không ngờ Việt Minh lại có pháo binh. Là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm Điện Biên Phủ cho hay:
“Trái với dự đoán của địch, cho rằng ta không có cách nào chuyển pháo binh đến gần tập đoàn cứ điểm của chúng, bộ đội ta đã chuyển hàng trăm tấn pháo và đạn dược, vượt qua hàng chục dốc cao vực thẳm, đưa được pháo vào trận địa”. Nhưng để cho pháo binh phát huy được sức mạnh cùng yếu tố bất ngờ, vị chỉ huy chiến dịch đã phải trăn trở lắm.
Trong hồi ức Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: Để đưa được pháo vào trận địa, con đường Tuần Giáo-Lai Châu dài 83km được mở rộng, sửa chữa cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên 15km. Từ đây, các khẩu pháo được kéo bằng tay vào trận địa và phải ngụy trang để đảm bảo bí mật. 15 km đường cho bộ đội kéo pháo hoàn thành chỉ trong 20 giờ.
Đường đã thông, giờ là đưa lựu pháo và pháo cao xạ vào vị trí bắn, dự kiến trong ba đêm phải xong. Ngặt nỗi “con đường kéo pháo khá dài, nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu”. Chẳng những thế pháo của ta lại đặt nơi địa hình trống trải, nếu bị phản kích không tránh khỏi tổn thất. Sau bảy đêm, pháo vẫn chưa vào nơi quy định, trong khi đó thời gian dự định bắt đầu chiến dịch là 20/1, phải lui lại 5 ngày.
Pháo chưa kéo vào xong, ta lại chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” mà địch xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng trở nên kiên cố, vững chắc. Tinh thần quân ta thì đa phần ủng hộ “đánh nhanh thắng nhanh”. Khó khăn cứ thế tăng lên gấp bội khi vị chỉ huy nhìn ra những bất cập.
Ngày quyết định nổ súng là 17h ngày 25/1. Nhưng gần ngày ấy, tướng Giáp cho biết một chiến sĩ đại đoàn 312 bị địch bắt, tin tức về thời gian tiến công bị lộ. Tình hình thay đổi ngoài dự kiến của ta. Là tướng chỉ huy mặt trận, Đại tướng họ Võ quyết định hoãn thời gian nổ súng 24 tiếng trong khi các đơn vị đã sẵn sàng chờ lệnh.
Nắm ngải cứu trên trán “anh Văn”
Trước khi lên đường chỉ huy chiến dịch Trần Đình (mật danh chiến dịch Điện Biên Phủ), trong tác phẩm Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại tướng Giáp còn nhớ mình lên bản Khuổi Tát chào Bác Hồ. Lúc được Bác hỏi có trở ngại gì trong chỉ đạo chiến trường không, anh Văn trình bày trăn trở ở xa “không thường xuyên xin được ý kiến Bác và Bộ Chính trị”.
Bác Hồ trả lời: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Trọng trách được giao, tướng Giáp ra trận.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Trong cái đêm 25/1 ấy, “anh Văn” thức trắng đêm. Nơi Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử còn ghi lại: “Tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu”. Vị chỉ huy mặt trận tập trung toàn bộ tâm trí phân tích tình hình và quyết định triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận.
Sáng ngày 26/1, sau khi phân tích tình hình địch đã thành “tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố” cùng những khó khăn của ta, vị Tổng tư lệnh kết luận: “Nếu đánh là thất bại”, đồng thời đề nghị hoãn tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.
Sau đó tại Sở chỉ huy, cuộc họp Đảng ủy mặt trận đã diễn ra và ở đây chứng kiến một quyết định lịch sử, ảnh hưởng tới toàn cục chiến dịch Điện Biên Phủ và chứng minh tính đúng đắn của vị chỉ huy xuất thân từ giáo viên dạy sử ngày nào.
Quyết định lịch sử, lùi ngày chiến dịch Trần Đình
Trước đây lúc chuẩn bị chiến dịch, khi Đảng ủy mặt trận hội ý, những đồng chí tiền trạm “đều nhất trí cần đánh địch ngay trong lúc địch chưa kịp tăng thêm quân và củng cố công sự, có khả năng giành chiến thắng trong vài ngày”. Nhưng sau đó việc địch tăng quân, việc kéo pháo chậm trễ… đã làm tình hình cùng chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” lộ những bất cập.
Còn sáng ngày 26/1 ấy, không khí cuộc họp còn như in dấu đậm nét trong ký ức vị Đại tướng họ Võ, được ghi lại nơi Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử. Sau khi trình bày những suy nghĩ của mình, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đề nghị “ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ nhưng phải thay đổi cách đánh”.
Lần lượt các đồng chí Chủ nhiệm chính trị, rồi Chủ nhiệm hậu cần phát biểu. Người băn khoăn biết giải thích làm sao với bộ đội nếu thay đổi cách đánh, người mong giữ quyết tâm đánh. Đến lượt đồng chí Tham mưu trưởng bày tỏ sự ủng hộ cân nhắc của tướng Giáp, nhưng cho rằng “nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi”.
Thế mới thấy, bao nhiêu băn khoăn, lo lắng, bao nhiêu ý kiến phân vân. Nhưng trên hết, “anh Văn” còn nhớ lời Bác Hồ dặn nên đặt câu hỏi “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”. Mọi người lúc ấy mới thấy thật khó đảm bảo được tiêu chí ấy.
Nhớ lời Bác dặn cũng như trong nghị quyết Trung ương đầu năm 1953 ghi rõ: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng không được bại, vì bại là hết vốn”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận, đưa ra quyết định dứt khoát mà cũng là khó khăn trong đời cầm quân của mình:
Chuyển phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”; hoãn cuộc tiến công; ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Đồng thời công tác chính trị là triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu.
Sự tham gia của pháo binh Việt Minh là một bất ngờ lớn với quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Với quyết định mang tính sống còn tới thành bại của chiến dịch, pháo được bắt đầu kéo ra khỏi trận địa để bố trí lại kể từ 17h ngày 26/1. Để gây nhiễu thông tin với địch, một bộ phận nhỏ mang đài vô tuyến điện đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo “Đại đoàn 308 đã tới” để địch nghe được, trong khi thực tế 308 đang hướng về Luông Phabăng…
Nói về quyết định thay đổi phương châm chiến dịch, tướng Giáp đã gọi đó là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình” mà ông đã làm và thành công. Sau đó, Bộ Chính trị biết tin cũng ủng hộ quyết định của vị tướng.
Với phương châm mới, thời gian mở chiến dịch đã lùi lại một tháng rưỡi để rồi sau đó, 55 ngày đêm (13/3-7/5/1954) “… khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!”, tất cả đã trở thành lịch sử với thiên anh hùng ca chiến thắng, Điện Biên Phủ trở thành sự kiện vang động năm châu, chấn động địa cầu.
No comments:
Post a Comment