Tự do là gì?
Tự do nếu hiểu theo nghĩa nguyên thủy là không bị quản chế ràng buộc bởi bất cứ một định kiến, điều kiện sống nào. Định nghĩa như vậy thực ra chỉ là hoài niệm về thời ăn lông ở lỗ, trong rừng không ai quản thúc, không cần giáo lý, ý thức hệ, luật pháp.
Sau nhiều thế kỷ đấu tranh để được tự do nguyên thủy với không ít xương máu, con người mới vỡ lẽ rằng họ không cần loại tự do đó. Có thể ý thức của họ đã thay đổi, cũng có thể họ hiểu quá sơ sài về tự do trước khi dấn thân đổ máu về nó. Nhiều người hiểu tự do đơn giản như không có ai nhắc nhở khi tiểu tiện, nhổ bậy giữa đường phố, một thiết chế vốn không có trong rừng hoang.
Từ sau Phục Hưng và Bừng Sáng con người mới nhận ra rằng dốt nát, vô năng sẽ không có tự do. Bản thân sự dốt nát đã là một sự trói buộc. Thiếu miếng ăn, sợ sệt đủ thứ cũng đã không tự do. Tuy nhiên, còn có nhiều kiểu tự do nếu hiểu theo nghĩa truyền thống sẽ đến mâu thuẫn. Nếu một đứa trẻ lên ba, mụ mị bởi các loại chuyện thần tiên hay viễn tưởng, nằng nặc đòi lên cung trăng, không được đáp ứng cũng là mất tự do? Chắc gì chúng ta hoàn toàn không có đòi hỏi, ước muốn nào như đứa trẻ đó.
Tự do là phải biết muốn một cách thực tiễn. Nói tổng quát và chữ nghĩa hơn, tự do là sự thống nhất giữa lý tưởng và thực tế. Chủ nghĩa hiện sinh phát hiện ra rằng, nhiều thế kỷ con người hy sinh vì tự do, thực ra chỉ hy sinh cho sự thống nhất lý tưởng-thực tế, là một sự ngu xuẩn và vô nghĩa. Con người ta thực tế chỉ sống cho bản thân mình. Tự do, chỉ bao hàm các lựa chọn. Không có lựa chọn mới là không tự do. Lý tưởng là duy tâm, thực tế là duy vật, đều là trò chơi nghịch lý biến thành chính trị và chiến tranh.
Tự do được sử dụng như khẩu hiệu lạm phát quá đáng, cũng giống như mọi từ ngữ trở thành sáo mòn, sẽ mất đi mọi giá trị của nó. Từ ngữ theo chủ nghĩa duy linh cũng có linh hồn của nó và không thích sự tôn sùng hình thức xa rời thực chất.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment