Sẽ là điều hiển nhiên, nếu bài viết này được đăng trên báo Nhân Dân, Đại Đoàn Kết hay phổ biến hơn với giới trẻ là dantri hay thanhnien của Việt Nam. Nhưng không, nó được đăng trên tờ Libération – một trong những tờ báo uy tín bậc nhất của Pháp. Bài viết có tựa đề:
ĐIỆN BIÊN PHỦ: KHÔNG CÓ GÌ NGỜ VỰC, NHỮNG CHỈ HUY CỦA CHÚNG TÔI TIN VÀO CHIẾN THẮNG
Đoàn Minh Tuấn 17 tuổi khi sự kiện Điện Biên Phủ diễn ra. Là một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã tham gia vào một công tác hết sức khó khăn: di chuyển các khẩu đại pháo vào trận địa.
Dưới chiếc mũ cát-két vải với phần lưỡi trai ngắn, gương mặt tròn trịa như một con búp bê. Đó là Đoàn Minh Tuấn trong tấm ảnh chụp từ đầu năm 1954. Cậu nhóc là một người lính 16 tuổi sẽ tham gia vào trận chiến lịch sử. Khi ấy, Đoàn Minh Tuấn vừa đặt chân tới Điện Biên Phủ. Trong doanh trại được bảo vệ ở Tonkin (giờ đây là miền Bắc Việt Nam), những người Pháp đã điều động sáu tiểu đoàn dù vào tháng 11 năm 1953. Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã không nhận ra cuộc đổ bộ này của họ. Chỉ tới thời khắc cuối cùng họ mới nhìn thấy những cây nấm trắng xoay mình phía trên vùng đất trống bằng phẳng bao quanh những ngọn đồi xanh. Thế nên, phía Việt Nam đã gánh chịu một thất bại nhỏ. Nhưng họ nhanh chóng tản ra, chiếm lấy những cao điểm ở khu vực xung quanh và ẩn náu chờ đợi. Đó chưa phải là lúc để đánh vào đạo quân viễn chinh Đông Dương của nước Pháp.
Hôm nay, trong phòng khách một căn hộ khiêm nhường ở Antony (Hauts-de-Seine) của mình, Đoàn Minh Tuấn nhìn lại hình ảnh khi ông vừa tới Điện Biên Phủ. Không có bất cứ một dấu hiệu hoài niệm đau đớn nào, ông cho tôi xem hai bức ảnh đã ngả vàng, nét mực nâu và được tô màu. Phía sau một tách cà phê đen, người đàn ông 82 tuổi này hồi tưởng lại buổi sáng hôm đó về "chiến thắng" của năm 1954 – không một lời khoác lác.
— Rốt cuộc tôi cũng nghĩ là đã quên. Nếu cậu không liên hệ với tôi, tôi còn không để ý là đã đến ngày 7 tháng 5. Tôi không còn nghĩ về nó nhiều, và ban đêm tôi cũng không còn mơ về nó nữa. —
Ông vừa nói vừa lướt nhẹ hai bàn tay với ngón cái. "Chúng tôi đã lật sang một trang mới rồi!". Nhưng quá khứ chắc chắn không bị lãng quên với người đàn ông bé nhỏ kiên cường, đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời này.
Những lời nói khiêm tốn và kí ức rõ nét. Đoàn Minh Tuấn không nhìn nhận mình như một người sống sót, mà là người sống với niềm lạc quan. Liệu ông có dám nói rằng thời kì đó cũng là một "quãng thời gian phiêu lưu" lớn lao hay không? Thi – con gái ông – người phiên dịch của buổi phỏng vấn, đã đến trước ông và tiết lộ thông tin này. Đoàn Minh Tuấn mới 15 tuổi khi chiến tranh tràn vào gia đình vốn sống với nghề nông ở miền Bắc Việt Nam của ông. Họ sống trong một thôn quê ở tỉnh Hưng Yên, thời bấy giờ còn rất nghèo nàn hẻo lánh, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.
— Trong làng, những người lính tuyển quân và động viên thanh niên trẻ tuổi ra mặt trận. Mọi người đều tình nguyện. Chúng tôi sung sướng được tòng quân bởi điều đó cho phép chúng tôi được rời khỏi làng —
Đoàn Minh Tuấn đã có mặt trước khi được gọi. Kể từ năm 1952, ông đã là liên lạc viên trong vùng. "Thời đó chưa có điện thoại, nhưng cần phải truyền tin một cách tốt nhất mà không được để bị phát hiện". Ông đã khai gian tuổi của mình, ông làm mình già đi hai tuổi để gia nhập quân đội.
Cuối tháng 11 năm 1953, ông lên đường đến Điện Biên Phủ. Con đường 350 kilômét với hành trình trên đôi chân kéo dài một tháng rưỡi. Đoàn Minh Tuấn và những người đồng đội hành quân vào ban đêm để máy bay Pháp không xác định được vị trí của họ. Vào lúc 17:00 hàng ngày, khi những tia sáng dần tắt đi trên bầu trời của buổi chiều, họ sẽ bắt đầu đi về phía Tây Tonkin. Ban ngày, họ ngủ ở ngoài trời hay trong nhà dân. "Người dân đón tiếp chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi, cho chúng tôi cái ăn, chuẩn bị hầm trú ẩn. Tất cả được sắp xếp tổ chức rất tốt."
SỢI DÂY
Nhưng quãng đường hành quân dài không có gì giống với một cuộc dạo chơi tản bộ. Phải vác theo đồ đạc quân trang cá nhân, 5 kilô gạo và nhất là cuốc và xẻng để đào. Bởi Đào Minh Tuấn là một người lính công binh. Với đơn vị của mình, ông phụ trách việc xây dựng những đường hầm hào để đem nòng pháo cỗ đại bác vào gần nhất có thể nhắm vào lô cốt của người Pháp, nơi đạo quân viễn chinh đã dựng nên và đặt cho chúng những cái tên của phái đẹp.
Khi ông đến Điện Biên Phủ vào tháng 1 năm 1954, đứa con của vùng đồng bằng và những ruộng lúa này đã khám phá ra một khu "rừng rậm và núi cao". Trong vòng bốn tháng, hai chân lội bùn, mồ hôi nhễ nhại giữa cây cỏ, công việc này khiến người ta mệt nhoài. Những người lính công binh của QĐNDVN sửa lại những con đường cũ, dò đường mở lối cho các xe vận tải hạng nặng. Nhưng như nhà sử học Pierre Journoud đã viết trong cuốn "Điện Biên Phủ, sự kết thúc của một thế giới" – một ghi chép tổng hợp rất kỳ thú về trận đánh huyền thoại: "Khi còn cách mặt trận 40 kilômét nữa, đường đi trở nên quá nguy hiểm đối với xe tải". Kể từ điểm đó trở đi, con người tiếp tục cuộc đua tiếp sức.
"Phải đi từ dưới chân đồi, đào một đường rồi kéo nòng pháo lên tới đỉnh…" – Đoàn Minh Tuấn nhớ lại. "Chúng tôi đặt các mẩu gỗ dưới mặt đất, rồi kéo. Chúng tôi cứ tiến lên như vậy hàng trăm mét. Đôi khi, sợi dây bị đứt. Thế nên chúng tôi vác nòng pháo: 30 người đàn ông bên trái, 30 người bên phải...". Ngoài những đường hầm xuyên qua các ngọn đồi, Việt Minh bố trí những khoảng đất trống để đặt các nòng đại bác. Sau mỗi loạt bắn, chúng sẽ được nguỵ trang. Người Pháp khó lòng có thể xác định vị trí của những cỗ đại pháo thống trị vùng trũng này. Hai bàn tay của Đoàn Minh Tuấn như thức tỉnh. Ông làm động tác mô tả lại những người mang vác vũ khí, kể lại tiến trình của việc đào xới bằng tông giọng cao dữ dội và ánh mắt sáng ngời trong tách cà phê đã nguội.
QĐNDVN được trang bị những nòng pháo 105 ly và 37 ly được cung cấp bởi người Liên Xô và Trung Quốc. "Không có họ, sẽ rất khó để đánh bại người Pháp. Người Trung Quốc cũng đã cho chúng tôi rất nhiều lương thực" – người lính công binh xưa kể lại. "Các chuyến hàng tiếp tế cũng đến nơi bằng bè. Và hàng triệu thanh niên xung phong, rất đông phụ nữ, đạp xe chở đồ ăn, quần áo, có khi cả vũ khí. Người Pháp không hình dung được là chúng tôi sao có thể đông đến thế."
15.000 lính thuộc đạo quân viễn chinh Đông Dương của Pháp bị bao vây bởi 50.000 tới 60.000 người lính Việt Nam.
Trong vòng một tháng rưỡi, đơn vị của Đoàn Minh Tuấn đã hành động. Họ đào một vòng quanh các ngọn đồi và đến gần nhất có thể với những Gabrielle, Béatrice, Claudine và Anne-Marie. Rãnh và hào, đào xới, dây nhợ, công việc nặng nhọc, chiến trường đã hình thành ngày và đêm.
— Chúng tôi làm việc như chống chọi với thời gian. Người Pháp muốn kéo chúng tôi tới Điện Biên Phủ để có thể chiến thắng. Họ biết rằng Việt Minh đang tiến lên. Cùng lúc vừa phải tham gia vào trò chơi của họ, vừa phải làm thất bại âm mưu của họ một cách bất ngờ. Chúng tôi chẳng còn gì để mất cả. —
Năm 1953, ông già Noel đứng về phía người dân Việt Nam. Ngày 25 tháng 12, QĐNDVN đã đặt tay lên một chiến lợi phẩm thu hồi được của một lính nhảy dù Pháp: một chiếc hộp kẽm với các bản đồ và ảnh chụp Điện Biên Phủ. Một kho báu chiến tranh quý giá cho lần đối mặt đang đến gần. Ban đầu, trận đánh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 1, nhưng trận đánh bị lùi lại vào ngày 25, rồi lại lùi vào một ngày không xác định. Tướng chỉ huy của chúng tôi – nhà chiến lược quân sự Võ Nguyên Giáp, người dẫn đầu cuộc chiến, đã thay đổi kế hoạch. Không còn là "đánh nhanh, thắng nhanh" nữa, mà sẽ là "đánh chắc, tiến chắc".
— Cần phải lùi lại, xuống thấp hơn, rồi lại kéo pháo lên trong vòng chỉ vài ngày để tiếp cận người Pháp. Việc này đòi hỏi nhiều công sức hơn nữa — ông Tuấn nói.
Quân đội NDVN đang xung phong ở Điện Biên Phủ (Ảnh: New York Times)
BẤT NGỜ
Trận chiến quyết định bắt đầu vào ngày 13 tháng 3. "Những người chết ngã xuống. Người Pháp ném bom và bắn phá rất nhiều", ông Tuấn nhớ lại. Những cỗ đại pháo Việt Nam nện liên hồi vào các lô cốt và điểm hạ cánh để bóp nghẹt đạo quân viễn chinh của người Pháp. Trong số 100 người của đơn vị ông Đoàn Minh Tuấn, có 20 tới 30 người bị thương. Còn ông chỉ có "một cái bé tẹo" ở chân trái, gây ra bởi một đường đạn súng cối. "Lính công binh chúng tôi thì đỡ hơn, nhưng những người lính thực sự thì đã hứng chịu rất nhiều...". Ông còn giữ lại trong kí ức câu khẩu hiệu "trường kì kháng chiến", câu nói mà ông nhắc lại với một nụ cười mỉm.
— Những người chỉ huy của chúng tôi tin vào chiến thắng, họ không có bất điều gì ngờ vực cả. —
Ở vào tuổi 17, ông đã gặp những người lính trực tiếp tham chiến, có những người còn rất trẻ, rất anh dũng, tình nguyện để "trở thành cảm tử quân và cho nổ cả thân mình với 20 kilô thuốc nổ. Đó là nỗi sợ của người Pháp bởi chúng tôi có thể chui ra từ bất cứ đâu!". Và đặc biệt là từ những đường hầm dưới lòng đất mà QĐNDVN đã đào tới sát các vị trí chiếm đóng của Pháp.
Rồi, vào chiều ngày 7 tháng 5, điều bất ngờ lớn đã xảy ra: người Pháp đầu hàng. Trận đánh kết thúc vào lúc 17:30. "Tôi đã không tin, ông Tuấn nói. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một trận chiến dài chống lại họ". Ông nhìn những người lính Pháp "rất gầy, rất buồn" chui ra khỏi các đường hào với cái "đầu cúi gằm". Họ là hơn 10.000 người gia nhập những hàng dài tù nhân. "Đó là một tin tức tuyệt vời, nhưng chỉ là một chiến thắng mà thôi. Chiến tranh rồi cũng phải kết thúc."
Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Người lính ấy lại lên đường ra mặt trận cho tới khi ông đăng kí vào đại học năm 1958. Rồi ông làm công việc kinh doanh, chuyển đến sống ở châu Âu. Năm 1990, ông sống tại Varsovie trong một căn hộ thuê nhỏ. Thú vị ở chỗ, chủ nhà của ông cũng là một cựu lính lê dương, đã chiến đấu chống lại người Việt Nam ở Điện Biên Phủ.
Ông sống một cuộc đời bình thường, giản dị. Những năm tháng sống ở nước ngoài đã giữ ông cách xa khỏi những cuộc họp mặt và những bữa tiệc mừng kỉ niệm ở Việt Nam. Và ông thấy mình phù hợp như vậy hơn. Ông đã mong ba con gái của mình học tiếng Pháp, để khám phá nền văn học Pháp. Với người vợ Ngô Thị Hạnh của mình, ông đã tới Paris. Chiến tranh với ông là một phần "kinh nghiệm của tuổi trẻ nhưng cũng chẳng có gì anh hùng cả. Bởi đầy rẫy những người khác cũng đã làm điều như thế”Ở tuổi 82, ông muốn hướng về phía tương lai hơn là nói nhiều về quá khứ. Ông nói điều này với một nụ cười. Dường như vẫn là nụ cười đó trên bức ảnh trong bộ quân phục người lính của ông năm xưa.
.
Hôm nay, ngày mùng 7 tháng 5, 2020. Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.
© Bài của Arnaud Vaulerin đăng trên tờ Libération (Pháp)
© Bản dịch của Nguyễn Mai Chi cho The X-File of History
#XfileOfHistory #LichsuVietNam #chiendichDienBienPhu
No comments:
Post a Comment