Monday, June 20, 2016

Một người cha (5)

Ba tôi, hội chứng “sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa sấm sét”.

Ba tôi tuổi đã cao lắm rồi. Tuổi cao nhưng sức khoẻ, tâm thần và tinh thần còn tốt, như người tuổi ít hơn 20 năm. Trước khi mất tuần vừa rồi.
Về mặt tánh tình thì không được như vậy. Tánh tình thì như người già. Và như người già chứ không hẳn chỉ là người già VN. Và không hẳn chỉ là ông lão, mà ngay cả bà lão. Tóm lại người già thì đâu cũng “khó tính” như nhau, đen, vàng, trắng, và đến tuổi đó thì không phân biệt sex nữa, dù gay hay không.
Lúc đầu, chúng tôi hay cãi nhau vì chưa biết tâm lý, thói quen hay tập tính người già.
Giờ mới biết những lúc hay cải nhau vì một số lớn lý do bắt nguồn từ tập tính của …. người già.
Có những người già sau khi mất, vô tình chỉ để lại giận, hờn, oán, trách giữa con cái. Những người già nầy không ý thức được điều nầy. Người già hay hơi ích kỷ. Cũng logic thôi, vì họ hay nghĩ là nếu họ không nghĩ nhiều chọ họ, thì còn ai bảo vệ quyền của họ nữa. Và đại đa số con cái cũng không biết được nguyên do chính từ đâu.
Chuyện thần thoại Ại Cập có kể 1 chuyện về con Sphinx hỏi 1 người, nếu trả lời đúng thì sẽ không bi giết “con gì sáng đi 4 chân, trưa đi 2 chân, và chiều đi 3 chân”. Câu hỏi diễn tả đúng trạng thái biến hoá con người, già thì tình trạng như đứa bé.
Người già, có 2 điểm chính, hay quên và muốn gi là phải làm sao có cho bằng được. Ngay. Nhất là những người cá tính khi trẻ.

Khoa học đã giải thích vì neurone nên người già nhớ rất tiểu tiết những kỷ niệm xưa, nhưng hay không nhớ những gì mới xảy ra. Hay không nhớ không có nghĩa là không nhớ những vấn đề họ thấy quan trọng. Những gì mà họ muốn thật là muốn, ưu tiên, họ sẽ không quên. Họ sẽ nhắc con, cháu phải thực hiện cho bằng được, và ngay. Và những gì mà họ không thích mấy thì hiển nhiên họ sẽ … làm bộ quên.

Không những họ nhớ những gì mà họ muốn thực hiện, mà họ còn muốn thực hiện theo cách họ muốn. và nhanh. Vì quỉ thời gian không còn bao lâu, và ở tuổi ấy, họ không muốn, và không kiên nhẫn chờ hay đợi.

Khi Ba tôi muốn đi chợ VN để mua những món mà Ba tôi thích, Ba tôi chỉ vào mỗi tiệm để mua từng món mà Ba tôi thích. Vì vậy, Ba tôi nhớ rấr rõ tiệm nào bán xôi gì ngon, tiệm nào bán chè ngon, tiệm nào bán rau rẻ, hay tươi vừa ý, v.v.

Chẳng những muốn phải dẩn đi từng tiệm để mua, mà Ba tôi hay có thói quen, làm bọn tôi rất bục mình, là hay chỉ bảo phải chạy đường nào để đến nơi, dù có kẹt xe hay đường đang sửa. Ba tôi còn dặn dò, trước khi đến nơi, là nên đậu nơi nào thì tốt. Cách hay nhất để đối phó và tránh sự bực mình tăng thêm cho cả Ba tôi và người lái là chỉ nghe và làm theo mình muốn. Đừng cãi, hay thuyết phục.

Khi người già muốn gì, là phải thực hiện và thực hiện ngay. Hai thói quen nầy không khác mấy đứa con nít, khi chưa biết sợ là gì. Nhận xét như vậy, không có gì là bất kính, hay không có tâm. Chỉ là kết quả quan sát một thái dộ. Dĩ nhiên, người già, cũng như người chưa già, không phải là một nhận xét có tính cách tuyệt đối, bao giờ nguyên tắc gì cũng có ngoại lệ.

Một điểm nên lưu ý là khi người già thật tình muốn gì, thì họ hay nhắc. Có thể nhắc mỗi 15′ hay 5′. Hay nhắc, vì họ quên, mà cũng có thể vì họ sợ người thực hiện ý muốn của họ quên.

Người già, hay sợ trách nhiệm. Hiếm bao giờ quyết định gì, dù muốn, mà nói rõ ràng. Và đôi khi, nói với người nầy, thế nầy, người khác, thế khác. Chính việc nầy mà xích mích giũa các con, nếu không để ý kỷ, sẽ càng ngày càng tăng, vì đứa nầy, nghĩ đứa kia nói láo. Một hôm, Ba tôi cầm 1 tờ giấy nhỏ, ghi những gì Ba tôi cần nhớ, bảo tôi, trong lúc vẫn nhìn vào giấy, nên kêu tất cả các con Ba đến họp ngày thứ 6, vì Ba tôi có chuyện quan trọng.

Tối tôi viết email cho mọi người để nói ý của Ba

Qua ngày sau, em tôi đến chơi với Ba tôi, và tối lại, viết email, ý là cuộc họp là do ý tôi.

Ngày kế tiếp, tôi hỏi

– Ý Ba nên họp tối thứ 6, hay cuộc hộp đó là do ý của con ?”
– Ý của Ba
– Sao H. thông báo mọi người là Ba nói đó là ý của con ?
– Ba không nói vậy.

Nhưng khi họp, mọi người đều hiểu đó là do Ba tôi muốn, vì Ba tôi chuẩn bị giấy ghi nhớ, tài liệu, v.v. để hổ trợ Ba tôi trong lúc nói chuyện.

Như viết trên, vì thiếu tự tin, nên người lớn tuổi hay tránh né những gì gây trách nhiệm cho họ.

Một điểm khác nữa là chỉ dứt khoát với gì mà họ không thích. Nhưng những gì mà họ thích, nhưng mới lạ, không phải là việc hay làm hằng ngày, và nếu có những yếu tố quan trọng khác mà họ thấy có rủi ro, có thể gây ảnh hưởng đến “yên tỉnh”, thì việc nầy sẽ làm họ lưỡng lự và “để tính sau” là thái độ thường thấy.

Chuyện “để tính sau” có thể liên miên bất tận, ngay khi thời hạn sắp hết. Nếu bị thúc hối, thì họ lấy quyết định, theo chiến thuật câu giờ, cho người dặt vấn đề hài lòng, rồi sau đó, 15′, 1g, 5g hay 1 ngày sau, quyết định ngược lại mà không 1 mảy mai ngần ngại, hối lỗi hoặc cho giải thích.

Hội chứng nầy có tên là hội chứng “j’y suis, j’y reste” (chuyện như vậy, thì để như vậy, không làm cách khác). Đại đa số nguời già có tâm lý nầy. Chính vì vậy mà đôi khi con cháu không biết phải làm thế nào trước sự lưỡng lự của cha mẹ họ. Cho đến 1 lúc, vì không thể chờ đợi mãi quyết định , con cháu quyết định phải làm. Nếu kết quả không đúng ý, thì sẽ bị cằn nhằn, lẫy, hờn, v.v. Hiếm khi người già gây gổ (họ chỉ gây gổ hay to tiếng với những đu’a con thương họ nhất, hy sinh vì họ) hay to tiếng với những đứa con cá tính (dữ, theo cái nhìn của cha mẹ) hay với người không thân thiết. Hội chứng nầy, vì thấy mãi sinh chán, tôi gọi là hội chứng “sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa sấm sét”.

Ba tôi, rất muốn đi VN thăm quê, chơi Tết, và nhất là để xem cầu Cần Thơ (Ba tôi là kỷ sư công chánh, một thời làm trưởng ty điền địa Cần Thơ, và GĐ tra’ch nhiệm các phà miền Nam), vì biết rằng sức khỏe càng ngày càng yếu đi, để lâu càng khó đi (27g bay, nhiều chặng đổi máy bay). Khi chúng tôi đề nghị đi VN, Ba tôi rất vui. Nhưng vài ngày sau đó, thì nói không đi. Không đi nhưng vẫn hỏi nhưng thông tin cần biết của chuyến đi (cách làm passport, xin visa, vé máy bay, đi ở VN bằng phương tiện gì, v.v.). Rồi vẫn đi khám bệnh, tập thể thao, v.v. để chuẩn bị sức khoẻ tốt. Thế nhưng, khi hỏi để xác định về quyết định Ba để mua vé, thì lại bào là không đi.

Ba tôi “nhảy chachacha” như vậy cho đến 1 ngày, không chịu nổi nữa, tôi nói “Ba làm như vậy thì chả ai dám mua vé, mua bảo hiểm, để rồi ngày chót, lại không đi. Giờ đây, Ba không quyết định, thì con xem như là Ba quyết định không đi. Mình không nói việc nầy nữa”.

Không phải vì đi VN mà ba tôi như vậy. Đi đâu chơi, lúc đi định đi 1 tuần, nhưng nếu đi xe hơi, là khi hứng là Ba tôi đòi về.

Lúc chưa biết hội chứng nầy, từ tâm lý “yên phận”, các con cháu, như chúng tôi, hay bực mình. Bực mình vì muốn làm việc tốt cho cha mẹ, nhưng chả làm được vì điệu “chachacha”. Hay nhất là đừng đề nghị gì mới mà phải tốn thì giờ chuẩn bị, tốn sức, quá mới lạ, và nhất là xa nơi mà cha mẹ “quen” (nhà & giường). Chỉ làm khi đó là đề nghị của cha mẹ, làm ngay được, và chỉ cần ít thì giờ là quay lại về nhà.

Người già có nhiều cách để đạt mục đích. Họ hay mưu mô điều khiển những người thân mà họ biết rõ yếu điểm và phản ứng để những người nầy làm những việc họ muốn. Họ biết rõ là họ cần chăm sóc, cần sự có mặt thường xuyên để tránh cô độc, nên họ làm đủ cách để những người bị chi phối luôn luôn dưới ảnh hưởng của họ. Sự việc nầy hay làm kiệt quệ tinh thần và thể xác của người bị chi phối. Nhất là khi họ chỉ có 1 hay 2 đứa con. Việc ở mãi bên cạnh 1 người có đòi hỏi quá đáng, bất kể sức khỏe và tinh thần đứa con, và việc đứa con phải chịu đựng, chịu đựng, vì thương cha/mẹ, vì nghĩ là cha/mẹ quá già, v.v. sẽ dần dần làm kiệt quệ sáng suốt và sức khoẻ đứa con.

Nhiều gia đình chỉ có 1 hay 2 con, đôi khi những người con lâm vào cảnh khổ sở, bỏ công việc, con, chồng để chăm sóc cha/mẹ (khi sống ở nước ngoài) và từ đó tình vợ chồng có thể rạn nứt. Vì vậy, khi chăm sóc hay ở với cha/mẹ, nghe gì thuận tai thì nghe, những việc chướng, phải tỏ rõ thái độ là không quan tâm. Đừng tranh cãi, và cũng đừng kiên nhẫn nghe. Sẽ bị đi vào mê hồn trận khi nào không biết, tăng xông tăng, và bực sẽ không xa. Khi nào cảm thấy đuối, nên kêu anh/em để thay thế. Không có ai thì thuê người. Không thể nữa thì tìm cách cho cha/mẹ có bạn. Khi họ có bạn, thì việc “hành” con cái sẽ bớt rất nhiều.

Việc hành hạ cũng tăng hay giảm tùy trạng thái của họ. Nếu lo lắng, thì họ sẽ tăng áp lực lên con cái. Thí dụ, khi tôi sắp đi xa, cha/mẹ hay hỏi “nếu ba/mẹ có việc gì, thì con về được không ?” Lúc đó, nên trả lời là “chắc chắn rồi”, nhưng nói rõ là đã giao hẹn với “… người nào đó” để báo tin khi có chuyện quan trọng xảy ra. Như vậy thì họ yên tâm, bớt lo lắng, bồn chồn, vì cảm thấy không bị bỏ rơi. Người già, như con nhỏ, rất sợ bị bỏ rơi

Người già không thích sống cô độc. Họ cần có sự quây quần của con, cháu. Việc nầy dễ thấy. Khi ăn cùng con cháu, họ ăn nhiều. Khi ăn một mình, họ chỉ ăn 1 chén cơm hay ít muốn ăn.

—————
*
bài nầy viết sau khi tham khảo với:
– cô bạn, chăm sóc cho mẹ chồng (nước ngoài, bác sĩ, canadian) trong thời gian lâu, trước khi bà chết
– một số bạn bác sĩ, người canadian, về tập tính người già
– kinh nghiệm bản thân, vì tôi làm việc thiện nguyện và cũng 1 thời là chủ tịch HĐQT một trung tâm người già, trong đó có rất nhiều bô lão VK
– một đứa cháu, bs chuyên môn về người già
– và chính bs của Ba tôi

Nguyen Q Quy

1 comment:

  1. Về bộ nhớ của mẹ tôi (gần 90 tuổi) thì y chang của cha anh vậy.

    ReplyDelete