Thursday, June 9, 2016

Tranh sơn mài

Sơn mài - cũng như sơn dầu, lụa - là một trong các chất liệu để thực hiện một tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam. Chất liệu hội họa đặc biệt này kết hợp cùng kỹ thuật và hình thức thể hiện của họa sĩ tác động đến nội dung của bức tranh.

Chùa Thầy - Nguyễn Gia Trí (1939-1940)

Quy trình hình thành một bức tranh sơn mài truyền thống trải qua các công đoạn rất công phu, từ đó cho thấy phong cách của họa sĩ.
Thoạt đầu, trong bước 1, họa sĩ phác thảo trắng đen trên giấy kích thước nhỏ, với ý dồ sắp xếp trước bố cục để dễ điều chỉnh. Việc phác thảo kỹ lưỡng giúp cho công đoạn sau của họa sĩ dễ dàng, thuận lợi hơn.
Qua bước 2, bản phác thảo được phóng lớn bằng chì than có kích thước như bức tranh dự kiến (kích thước của vóc) và được chỉnh sửa kỹ lưỡng các chi tiết một cách đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc nhất cho mục đích vẽ lớp đầu tiên (để sau này khi mài các chi tiết sẽ hiện dần lên mà không bị mất - đây là khâu kỹ thuật cốt yếu của sơn mài.)
Bước 3 vẽ tranh trên vóc đúng với kích thước tranh. Với sơn mài, các chi tiết cụ thể nhất, đẹp nhất được vẽ trên những lớp đầu tiên. Thao tác trên vóc bao gồm các bước tuần tự là cẩn vỏ trứng, ốc xà cừ... gọi là công đoạn cẩn trứng. Tiếp theo là vẽ bằng sơn đen những nét và các chi tiết cụ thể, sau đó vẽ màu: sơn ta trộn với son hay phẩm màu (gồm cả việc xử lý bạc) được vẽ trực tiếp và phủ lên những lớp cẩn trứng hoặc nét đen đã vẽ trước đó. Tiếp đến là mài và vẽ. Đây là công đoạn bắt buộc, vô cùng quan trọng đối với sơn mài truyền thống. Mài tranh bằng nước với giấy nhám (người xưa hay dùng lá chuối khô). Độ nhám của giấy càng lúc càng giảm theo quá trình hoàn tất bức tranh.
Tranh sơn mài sau khi vẽ đủ 3 lớp màu có xử lý bạc và một lớp màu phủ cuối cùng, chờ khô, sẽ đem mài với giấy nhám và nước. Các lớp màu và hình sẽ dần dần hiện ra cùng với toàn bộ chi tiết. "Mài" hiểu theo cách riêng cũng là "Vẽ". Ở đây, người mài tranh làm công việc vừa mài vừa theo dõi đến lúc nào phải dừng ngay khi mối tương quan hình vẽ trong tranh đã được hiển thị đúng với yêu cầu của nội dung.
Bước cuối cùng được coi như là hoàn tất tranh: Toát sơn và Đánh bóng. "Toát sơn" là từ chuyên môn, chỉ việc phủ thật đều một lớp sơn chín (pha loãng với dầu hỏa) lên toàn bộ mặt tranh, nên pha thật loãng nếu tranh đã có tương quan tốt tức là độ sáng tối vừa đủ, sau đó ủ, chờ khô để đánh bòng. "Đánh bóng" là thao tác cuối cùng của việc vẽ tranh. Với tranh kích thước nhỏ, có thể dùng lòng bàn tay, tranh lớn thì dùng vải sợi coton mềm hay bông gòn, miết nhanh và mạnh lên mặt tranh. Có một số vật liệu để mài và đánh bóng như: thanh củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà...

(lược trích từ bài "Nguyễn Gia Trí - đỉnh cao nghệ thuật sơn mài Việt Nam", đăng trên KTNN No.930 của Đan Thanh)

No comments:

Post a Comment