Wednesday, June 29, 2016

Một người cha (8)

Ba tôi (6), một tuần sau
như bao nhiêu đàn ông thuở đó, Ba chỉ biết bổn phận người chồng là tạo ra mái nhà cho gia đình, kiếm tiền chợ.
Bổn phận làm cha ?
thời đó chuyên gia về xã hội học, về tâm lý, về hướng dẫn giáo dục, v.v. chưa xuất hiện để quấy rối an nhàn hay bình thản của đàn ông, và tạo dịp cho phụ nữ trút cho đàn ông nhiều mặc cảm, như bây giờ.
thời đó, rất giản di.Thế giới chỉ có 2 phần, theo Khổng Tử,
trong và ngoài nhà : phụ nữ lo việc trong nhà và các ông chồng lo những việc ngoài nhà
thời đó, chưa có cafê internet, bida, honda, cafê đèn mờ, disco, v.v. nên con còn ở trong nhà và dưới quyền đô hộ, cai trị và trách nhiệm của bà mẹ
chính Me dạy tôi học a, b, c… , viết, chính Me dạy ăn, dạy cách cư xử, v.v. tóm lại chính Me dạy tôi phải làm sao để trở thành 1 người “đàn ông gương mẩu”, một người chồng tốt, một người cha tốt sau nầy
tôi nghe, và làm bộ như thấm nhuần, để được Me cho đi chơi với bạn
chính Me chọn trường tiểu học cho tôi sau khi thấy tôi biết đọc, viết. Chính Me đi gửi gấm “bà hiệu trưởng” trường tiểu học, mà chồng hiệu trưởng là bạn Ba tôi, để xem chừng tôi có là học sinh mẩu mực không
Mẹ kéo tôi đi may đồ để đi học, kéo tôi đi hớt tóc trước khi đi học
và cứ thế Me cũng làm khi tôi vào trung học
dù tôi càng lớn, càng ra khỏi nhà càng lâu, nhưng khi Khổng Tử nói “con nít còn ở trong nhà thì mẹ phải lo dạy dổ ”
thời ấy, dù 20t, vẫn là con nít nếu còn ở trong nhà
Nhưng, sau nầy, dù đã ra khỏi nhà đã lâu, chẳng những thế, ra khỏi nước cũng lâu, Me vẫn xem tôi như ngày xưa. Vẫn hay bảo “con quấn khăn cho khỏi lạnh” khi tôi ra ngoài
Ba không lo gì cho chúng tôi, vì đó là lãnh vực của mẹ tôi, chính xác hơn, là bổn phận của mẹ tôi
Nói không lo gì thì cũng hơi quá đáng. Ba tôi hay dẫn cả nhà đi ăn tối, hay dẫn chúng tôi đi nghỉ hè (mẹ tôi hay tìm cớ “có việc” để không đi theo mà sau nầy tôi mới biết ra là mẹ tôi cũng muốn .... nghỉ.... hè tại nhà ), hay dẫn chúng tôi đi chơi, v.v.
và những lúc đó, tôi cảm thấy Ba hạnh phúc, vì Ba rất vui
và hãnh diện nữa.
nhưng ngoài những cái xoa đầu vụng về nhưng trìu mến. Ba chưa hề nói một lời tỏ là thương chúng tôi, chưa từng ôm tôi (ngay cả khi tôi phải rời gia đình để đi học trung học nơi thành phố khác)
và lúc đó, tôi cũng chẳng thấy thiếu thốn tình cảm
vì như mọi người, như xã hội lúc đó, quan niệm “đàn ông mà ” giải thích tất cả
xã hội lúc đó, chỉ dạy cho người đàn ông vui, giận nhưng đã là đàn ông thì không nên biểu lộ tình cảm
tình cảm là đàn bà,
là yếu đuối.
Tôi chỉ thấy Ba khóc hai lần, lúc bác tôi chết. Đó là người anh cả mà Ba thương mến như …. cha. Và lúc đám tang Me
Vì ông nội thì như bao đàn ông thế hệ thời đó : chỉ biết công danh
Ba phải lo công danh, nhưng đầu tháng, khi có lương là đem về đưa hết cho mẹ. Và mỗi sáng, khi Ba sắp rời nhà, Me đưa cho Ba tiền ăn sáng và uống cafê với bạn. Ba chỉ máy móc nhét túi và lấy xe đạp ra đi
Tôi nghĩ, lúc đó, Ba không có tình cảm, và không biểu lộ tình cảm
Ba tôi chỉ lo làm hết bổn phận người chồng kỷ sư. Khi làm xong khúc đường, Ba dẫn tôi đến xem “tác phẩm” của Ba. Không những ba, mà cả chính tôi cũng hãnh diện. Và qua hôm sau, tôi vểnh mũi kể cho các bạn học nghe
Một tối, Ba đánh thức tôi “dậy mau, đi xem cầu sập ” đang ngáy ngủ, tôi tỉnh ngay, và thay đồ theo Ba. Cây cầu đó do một kỷ sư dưới quyên Ba lãnh trách nhiệm sửa chửa. Vừa đến nơi, Ba hỏi ngay có ai bị thương không, và điều phối lo việc cứu cấp. Ba không một lời la ông kỷ sư, mà chỉ lo việc chuyên chở, và kêu bác sĩ quen lo cho anh công nhân. Anh ta bị thanh sắt đè khi tháo bù lon dưới cầu trong lúc xe cần trực còn trên cầu
Vài hôm sau, tôi hỏi ba sao Ba không la ông kỷ sư, vì đó là lỗi ông ta. Ba nói là đã la ông ấy hôm sau. Tối đó không phải là lúc để làm việc đó, mà là lúc phải làm những việc như lo sao cho công nhân mau lành để nó có thể nuôi gia đình nó, và lo sao cho cầu được thông xe nhanh để khỏi gây phiền phức cho dân
Từ đó, tôi biết là mỗi người có 1 cách biểu lộ tình cảm
Một cái nhìn của Ba lúc tôi đi xa, là 1 sự biểu lộ tình cảm
Ngày phải bỏ xứ ra đi, trong túi đeo lưng của Ba tôi chỉ có vài cái dĩa, chín chén và đũa, với 3 hộp thuốc lá cẩm lệ và vài bộ đồ. Ba tôi nghĩ là tại nước ngoài không có chén đũa, nên lo cho cả nhà.
và trong thời gian đầu khi đến Canada, Ba tôi rất bức xức. Cũng may, mẹ tôi lận lưng vài lượng vàng nên cũng không đến nỗi gì
Một ngày, Ba về nhà, chưa qua khỏi cửa, vui vẻ “Mai tao đi làm “. Thế mà Me khóc, bọn tôi ngẩn ngơ không biết tại sao Me buồn trước việc nên vui
mãi sau nầy, tôi biết cái vui, cái buồn, và nhất là tình cảm của thế hệ Ba Mẹ không diễn tả như bọn tôi.
và sau nầy, tôi chưa chắc là lối diễn tả bộc lộ tình cảm sẽ là tình cảm đậm đà hơn xưa, và sẽ làm người nhận hạnh phúc hơn xưa
Hôm nay, Ba đả đi xa hơn một tuần. Chút nữa, phải đi chùa làm lể tuần đầu tiên cho Ba.
Còn đâu nữa những ngày êm đềm lẽo đẽo theo Ba, xem cầu, xem đường hay đi picnic
Ba không dạy gì cả. Chỉ mở những cánh cửa sổ cho tôi thấy thế giới bên ngoài
Hôm nay, ngày đầu tiên Ba sống cho Ba. Không bổn phận, không trách nhiệm.

Nguyen Q Quy

No comments:

Post a Comment