Tuesday, June 28, 2016

Những điều trông thấy: TRÀO LƯU DI CƯ LẦN THỨ BA

Một bác sĩ đến chào tôi để ra đi, định cư ở Mỹ. Anh từng là một bác sĩ giỏi, khá có tiếng tăm, được bệnh nhân tin yêu. Nhưng rồi, bỏ qua tất cả, anh quyết định qua Mỹ, phụ bán thuốc với chị, và đầu tư vào chuỗi Pharmacy.
Một người khác, anh bạn học cũ của tôi ở trường Y, trước khi đi định cư ở Mỹ, từng là chủ của một chuỗi tiệm vàng ở khu Dakao, cứ luôn trăn trở, rằng không theo được với nghề, luôn tỏ ra thua thiệt, dù về tiền thì chẳng ai trong lớp chúng tôi có thể so sánh được với anh. Mặc dù khổ sở, mặc dù nếm trải bất công, nhưng tình yêu nghề nghiệp được hun đúc trong những năm theo học, làm cho đa số các bác sĩ luôn muốn sống chết với nghề.
Vậy mà một bác sĩ đã từng trên 20 năm lăn lộn với nghề, đã có những thành đạt nhất định trong nghề, không có khó khăn gì về kinh tế, quyết định ra đi, làm một chân phụ bán thuốc nơi xứ người. Điều gì đã thúc đẩy anh ấy đi đến quyết định từ bỏ nghề, từ bỏ quê hương?
Tôi hỏi anh về điều đấy. Anh trả lời: "Anh nghĩ xem, em được cái gì? Anh còn cứng cỏi được, chứ em thì chỉ cần một vụ kiện như anh thì em suy sụp mất. Sống ở đây mong manh quá. Sống mà không dám tin vào ngày mai. Nói một câu cũng phải nhìn trước ngó sau. Vợ, con suốt ngày nơm nớp lo sợ"
Tôi bèn nói, rằng làm việc với nhau bao nhiêu lâu, tôi đâu có phiền trách gì anh ấy, hay ngăn trở nói năng gì đâu. Anh trả lời: "Em đâu có nói anh, mà anh có nói thì cũng có gì đâu. Là phải ngó trước ngó sau, nào là công an, nào là an ninh. Anh thấy facebook của em có bao giờ viết gì ngoài chuyện ăn chơi đâu. Đâu phải ai cũng dám như anh".
"Đâu phải em vui vẻ gì khi bỏ nghề. Nhưng sống thì cũng phải ra sống. Với lại phải hi sinh đời bố, củng cố đời con. Đời mình coi như vứt đi, đớn hèn, nhịn nhục quen rồi. Nhưng con mình đâu có thế được. Em đâu có dám dạy con phải hèn. Mà không hèn thì chúng sẽ sống ra sao ở đây? Ngoài ra, qua bên đấy học hành chắc chắn sẽ tốt hơn ở đây".
Hẳn rồi, cuộc sống ở cái nơi được xếp áp chót bảng của những nơi đáng sống trên thế giới không thể gọi là sống được. Sống ở cái nơi mà nói không dám nói, muốn nói câu gì ngoài chuyện tứ khoái ra thì phải nhìn trước ngó sau, lo sợ bị "vịn", sao có thể gọi là sống cho được.
Đi học cũng vậy. Nhà trường thì nhồi nhét, dạy những điều dối trá, dạy căm thù... sao gọi là trường được. Học sinh tụ tập đánh nhau, ra đường tranh giành, đâm chém nhau, lớn lên làm quan thì tham nhũng, hối lộ, o ép dân, làm lính thì vòi vĩnh, lừa đảo dân, bợ đỡ cấp trên... sao có thể gọi là giáo dục cho được.
Hành nghề thì lúc nào cũng sợ bị kiện, bị bạo hành. Không phải sợ mình làm sai mà bị, mà sợ nó như tai ương, không phụ thuộc vào đúng sai của mình, mà phụ thuộc vào mức độ giáo dục của người khác. Khi có việc thì chẳng ai bảo vệ, chẳng ai bênh vực, vừa bị bạo hành từ bệnh nhân, lại bị bạo hành từ báo chí, bạo hành từ đồng nghiệp, từ cấp trên. Như vậy thì hành nghề làm gì? Làm sao mà yêu nghề cho được.
Đấy là anh ấy chưa biết chuyện vụ hai anh chàng đang đêm đánh nhân viên y tế ở bệnh viện một huyện kia, sau đó, người nhân viên bị đánh kia bị giám đốc bệnh viện khủng bố tinh thần, biến câu chuyện bạo hành y tế thành chuyện say rượu, không có gì đáng nói. Bây giờ Sở Y tế đã vào cuộc, mời cả công an vào, chỉ với mục đích, tìm ra ai là người cung cấp tin cho trang Chống bạo hành y tế. Họ muốn bịt miệng luôn nơi lên tiếng bảo vệ nhân viên y tế khi họ bị hành hung. Hành nghề trong điều kiện như vậy thì làm sao mà không bỏ nghề khi có điều kiện?
Sống ở nơi không thể gọi là sống. Hưởng một sự dạy dỗ không đáng được gọi là giáo dục. Hành nghề ở một nơi ai cũng có thể chà đạp, nhục mạ, hành hung, và còn bị bạo hành kép bởi chính đồng nghiệp và cấp trên của mình. Như vậy mà không có trào lưu di cư lần thứ ba mới là lạ.
Gia tài của mẹ: một bọn lai căng, gia tài của mẹ: một nước Việt buồn.

Võ Xuân Sơn

No comments:

Post a Comment