Wednesday, June 1, 2016

GIA ĐÌNH (15): Trẻ em

Hôm nay là ngày Quốc tế Thiếu nhi, tôi tiếp tục soạn phần Trẻ em để đánh dấu/góp phần của mình vào ngày mà ai cũng cần dành thêm thời gian nhiều hơn cho trẻ em, nhưng không chỉ hôm nay mà luôn luôn, mãi mãi như vậy vì con trẻ cần được sự quan tâm nhiều nhất, không chỉ từ gia đình, mà còn cả xã hội và cả thế giới nữa.

MẶC CẢM TỘI LỖI

Trong quá trình tiến hóa của loài người, về mặt sinh học cho thấy hệ thần kinh con người đã tạo được một trong những phản xạ kỳ diệu đầu tiên trong đời là mới hơn một tháng tuổi hầu như chưa biết gì khác, bé đã biết mỉm cười khi nhìn mẹ. Gà, chó, mèo, khỉ... có thể sinh ra biết chạy nhảy sớm hơn con người, nhưng không có loài nào biết cười như vậy. Cũng không có thứ đồ chơi nào, dù đẹp đến đâu, màu sắc rực rỡ thế nào, có âm thanh gì đi nữa, cũng không thể làm cho em bé mỉm cười, chỉ có gương mặt một người vô cùng thân thương mới tạo được phản xạ ấy.

Nhưng cùng với nụ cười, trẻ cũng bắt đầu cảm nhận cùng với tình cảm yêu thương của cha mẹ là những uy quyền mà chúng không thể cưỡng lại. Cuộc sống nhiều khi bắt buộc cha mẹ dù hiền từ, yêu con cũng không đáp ứng được đòi hỏi của con, mà còn ngược lại, cấm đoán và trừng phạt con trẻ. Con càng nhỏ, cha mẹ càng tỏ ra toàn năng toàn trí với con trong mọi chuyện, từ bắt ăn gì, uống gì, ăn ra sao, lúc nào, mặc gì, ngủ thức giờ giấc thế nào, bắt học gì trẻ đều phải răm rắp tuân theo.

Càng bé cảm xúc càng xuất hiện ở cung bậc cao, đầy kịch tính, vui sướng thì tràn trề, buồn tủi cũng tột bậc, cuộc sống của trẻ em là một chuỗi dài của một tấn kịch nối tiếp nhau, thoắt cười, thoắt khóc.

Đừng nghĩ rằng chỉ có người lớn mới khổ tâm, trẻ em còn khổ hơn vì một lẽ bất lực, không có cách nào đối phó ngoài việc trông cậy vào người lớn, có khổ cũng không nói lên được như người lớn, ấm ức phải ôm trong lòng, ngay chính mình cũng không nhận ra, oan ức cũng không thể kêu lên được.

Tệ hơn nữa! Cha mẹ bất hòa, ngày này qua ngày khác cãi nhau, con lo sợ, khủng hoảng tâm trí. Hôm sau đi học, đầu óc phân tán, mất tập trung, bị thầy cô phạt. Về nhà lại bị cha mẹ quở trách, quả thật oan uổng. Trẻ chỉ cảm nhận tất cả, mà không thể nhìn nhận rõ ràng. Trái lời cha mẹ, trái lời thầy cô là những người dạy dỗ mình thì trẻ nghĩ chắc mình có tội thật. Theo tâm lý học, một mặc cảm tội lỗi đã nảy sinh trong thâm tâm, trong vô thức, một đám mây đen đã lấp mất một phần khoảng trời trong sáng của đứa trẻ.

Từ đó, mặc cảm tội lỗi đã thúc đẩy dần đến những hành vi chuộc tội, bằng cách nhận phạt, như những tín đồ tôn giáo sám hối tự hành hạ thân xác để chuộc tội. Chuộc lỗi để cầu xin tình yêu, sự che chở, bảo đảm một cuộc sống an toàn, bằng không chỉ sợ bị ruồng bỏ. Bị ruồng bỏ là nỗi sợ hãi thường ngự trị trong tâm tư của trẻ em.

Một phát hiện quan trọng bậc nhất của tâm lý học là phần lớn những rối loạn tâm thần ở người lớn bắt nguồn từ những chấn thương tâm lý xảy ra lúc còn bé. Cha mẹ không chịu nhận thức ra, vô tình làm khổ con cái vì không hiểu tâm tư của con, con lại càng không tự hiểu mình, ấm ức dần dần chìm vào vô thức, nấp trong vô thức thúc dục con người có những hành vi bất thường hay điên loạn. Cái gọi là vệ sinh tâm thần, đề phòng rối loạn tâm lý bắt đầu từ gia đình, từ việc cha mẹ hiểu được con cái, để có thể đáp ứng được một cách phù hợp.

ĐỪNG QUÁ TIN SÁCH VỞ

Nuôi dạy con là việc khó, nhất là khi vừa đi làm vừa nuôi con. Chúng ta cần tham khảo kiến thức nuôi con từ sách vở, hỏi ý kiến của các nhà chuyên môn, các bác sĩ v.v. nhưng tuyệt đối không mê tín chuyên môn, không xem sách vở là kinh thánh.

Có những điều thuộc về nguyên tắc, cần theo đúng phương pháp nếu đã áp dụng... như ăn uống phải đủ chất, tiêm chủng phải đúng kỳ, bệnh nào nên dùng kháng sinh v.v. Đó là về mặt y học, sinh học thuần túy. Khoa học ở đây đã đạt được nhữg thành tựu đáng kể.

Còn về tâm lý, về cuộc sống hàng ngày, con khóc có nên cho bú hay không, ngày cho ăn mấy bữa, bồng bế ôm ấp như thế nào, dạy dỗ ra sao, chỉ nên tin sách, tin thầy một nửa thôi. Đừng bị chữ nghĩa làm lóa mắt, khoa học ở đây mới trong giai đoạn sơ khai, chưa chỉ ra được những biện pháp thật chính xác cho từng trường hợp, không nên khoán trắng cho chuyên môn, cha mẹ phải nắm lấy, đảm nhận ít nhất một nửa công việc này.

Phân nửa này là nhạy cảm, trực giác "trời" phú cho các bà mẹ suốt thời thai nghén, rồi cả trong thời con còn bé bỏng, tự nhiên dù muốn hay không tâm trí của mẹ tập trung vào đứa con, bỏ hết mọi lo âu, trăn trở khác, hai mẹ con hòa với nhau thành một cặp đôi gắn bó, đồng cảm với nhau. Đừng để những gì trong sách vở, những lời khuyên bảo làm nhụt mất tính nhạy cảm, trực giác tự nhiên của người mẹ. Hai mẹ con cần biết bảo vệ nhau trong cái vỏ ốc bao che mình, lúc này cần "vị kỷ".

Khổ là cuộc sống ngày nay làm các bà mẹ khó lòng sẵn sàng, nhạy cảm, toàn tâm toàn ý với con. Trước đây, phụ nữ không có sự nghiệp riêng, sự nghiệp của chồng của con là sự nghiệp của mình. Người mẹ, người vợ ngày nay còn là cán bộ, công nhân, lãnh đạo doanh nghiệp... phải ganh đua với đời, trau dồi nghề nghiệp, phấn đấu vươn lên. Khổ là sinh con lúc sắp làm luận án, vừa được đề bạt, được bầu làm thư ký công đoàn, khổ là có con nhỏ lại phải đi học tập/công tác ở nước ngoài.

Khổ là không ít ông chồng, vợ đang nuôi con mọn, vẫn đòi hỏi hạch sách trăm thứ, về nhà vẫn chúi đầu đọc báo, mê mải xem TV, đánh cờ, bù khú với bạn bè không hề ngó ngàng đến nhà cửa, giặt giũ, bếp núc... Có bế con nô đùa cũng chỉ một lúc, bé mà tè ra là trả ngay cho vợ. Con đau ốm vợ dẫn đi bác sĩ, họp phụ huynh ở trường cũng để vợ đi, trăm dâu đổ đầu tằm.

Mẹ mệt mỏi cau có, con chịu hậu quả. Tiếc là chưa có đạo luật nào, một văn kiện nào buộc mấy ông bố chia sẻ việc cúc dục cù lao với vợ, đầu tư cho con nhỏ mỗi ngày, một số giờ nhất định. Hạnh phúc thay những cặp mẹ con bên cạnh có một ông chồng, người cha luôn cùng sẵn sàng, đồng cảm, còn thêm uy quyền, tháo vát, là trụ cột cho cả gia đình.

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment