Bạn đọc: Tôi cảm ơn bạn Lee Nguyen Bao đã hỏi về sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa. Đọc câu trả lời của ông An Chi, tôi rất thích nhưng chưa thấy “đã” vì ông chỉ cho có một thí dụ. Xin ông cho thêm vài thí dụ khác để tôi có thể hiểu kỹ thêm? Xin cảm ơn. Đặng Trần Hùng
Học giả An Chi: Theo yêu cầu của bạn, chúng tôi xin phân tích thêm hai trường hợp.
Đầu tiên là về thành ngữ tiếng Hán “lang bạt kỳ hồ” và hai tiếng “lang bạt”. Từ điển tiếng Việt
của Vietlex (Trung tâm Từ điển học) do Hoàng Phê chủ biên giảng “lang
bạt” là “sống lang thang nay đây mai đó”. Nhưng đây chẳng qua là hai
tiếng đầu của thành ngữ “lang bạt kỳ hồ”, vốn là một câu trong Kinh Thi
của Tàu. “Lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại từ thay
thế cho danh từ “lang” còn “hồ” là yếm da dưới cổ của một số loài thú.
Vậy “lang bạt kỳ hồ” là con sói giẫm lên cái yếm của chính nó (nên không
thể bước tới được). Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng
giảng và chú: “Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng
không biết làm sao. Chỉ sự lúng túng khó xử. Ta lại hiểu là sống trôi
dạt đây đó (không rõ tại sao)”. Quyển từ điển này ghi không rõ tại sao
ta lại hiểu “lang bạt kỳ hồ” là sống trôi dạt đây đó là vì tác giả của
nó không để ý đến hiện tượng từ nguyên dân gian. Không biết được ý nghĩa
đích thực của câu đang xét và của từng thành tố của nó, người ta đã mặc
nhiên thay thế những thành tố này bằng những yếu tố mà mình đã biết:
“lang” trong “lang thang”, “lang bang” thay cho “lang” là sói; “bạt”
trong “phiêu bạt” thay cho “bạt” là đạp; “hồ” trong “giang hồ” thay cho
“hồ” là yếm da ở cổ một số loài thú. Ở đây, từ nguyên dân gian đã gây ra
một sự đan xen hình thức - mà ta có thể gọi một cách bình dân và gợi tả
là sự “trộn lẫn”; sự đan xen này đã đưa đến một sự lây nghĩa, làm cho
nghĩa gốc chính xác của thành ngữ đang xét bị méo mó để trở thành một
nội dung khác. Trong trường hợp đang xét, ta còn có một nội dung hoàn
toàn trái ngược hẳn. Đã không thể bước tới được (hệ quả từ nghĩa gốc)
thì còn nói chi đến chuyện lang thang rày đây mai đó (nghĩa hiện hành
trong tiếng Việt)! Thế nhưng người ta còn lược bỏ hai tiếng “kỳ hồ” mà
nói gọn thành “lang bạt” để diễn đạt cái nghĩa trên đây. Quả vậy, Từ điển tiếng Việt
của Vietlex đã ghi nhận “lang bạt” và giảng là “sống lang thang nay đây
mai đó”. Nhiều quyển từ điển khác cũng làm như thế vì hai tiếng “lang
bạt” đã trở thành một đơn vị từ vựng thông dụng trong tiếng Việt.
Trường hợp thứ hai có thể được gọi là “kỳ ngôn quái ngữ”. Nó xuất phát
từ hai tiếng “hoang đàng” trong tiếng Việt miền Nam, ít nhất cũng là ở
Nam Bộ. “Hoang đàng” đã được Từ điển tiếng Việt của
Vietlex ghi nhận là thuộc về phương ngữ và giảng là “có lối sống buông
tuồng, đàng điếm, hư hỏng”. Nhưng có lẽ vì là “người của tiếng Việt toàn
dân” nên các tác giả của Vietlex đã giảng không sát nghĩa, ít nhất cũng
là đã bỏ qua cái nghĩa “ruột” của hai tiếng “hoang đàng” trong phương
ngữ Nam Bộ, là “bỏ nhà đi hoang” (chứ “buông tuồng, đàng điếm, hư hỏng”
thì có nhiều kiểu, nhiều mốt!). Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “không có chủ chốt, vất mả”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “(nghĩa thông thường) rong, bỏ luống nhà cửa”.
Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “đi
hoang, sống nay đây mai đó” (nghĩa 2). Đây mới là cái “nghĩa gốc” chánh
cống của hai tiếng “hoang đàng” trong phương ngữ Nam Bộ. Nhưng đây cũng
chỉ là một cái nghĩa trẹo trọ, méo mó không còn dính dáng gì đến nghĩa
gốc của nó trong tiếng Hán. “Hoang đàng” là hai hình vị Hán Việt (nghĩa
là hai hình vị tiếng Việt gốc Hán) và thực ra chỉ là biến thể ngữ âm của
“hoang đường” trong tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân hiện nay,
mà chữ Hán là [荒唐], có nghĩa là “quái lạ, không có thật”. “Đường” [唐]
là một chữ đứng đầu vận bộ “đường” [唐] và cả vận mục bình thanh của vận
bộ này; nhưng những chữ đầu của ba vận mục thượng, khứ và nhập của vận
bộ này, lẽ ra phải có nguyên âm ƯƠ, thì đều đọc theo nguyên âm A: “đãng”
[蕩], “đãng” [宕] và “đạc” [鐸]. Rồi nhiều chữ khác thuộc vận bộ “đường”
[唐], lẽ ra phải đọc theo nguyên âm ƯƠ, thì cũng đã đọc theo nguyên âm A,
như “bàng” [傍], “hàng” [行], “lang” [郞], “mang” [忙], “nang” [囊],
“tang” [桑], “thang” [踼], v.v... (Một số tiếng Hán Việt có thể ứng với
nhiều chữ Hán khác nhau nhưng ở đây chúng tôi chỉ nêu cho mỗi tiếng một
chữ). Đặc biệt nhất là đúng ra thì chính chữ “đường” [唐] cũng phải đọc
thành “đàng” vì thiết âm của nó là “đồ lang thiết” [徒郎切]. Vậy tuy ngày
nay “hoang đường” là một hình thức chuẩn trong ngôn ngữ văn học và ngôn
ngữ toàn dân nhưng biến thể tiền kỳ của nó thì lại là “hoang đàng”. Do
đó, ta không nên lấy làm lạ khi thấy Việt Nam tự điển của Lê
Văn Đức chuyển chú “hoang đàng” về mục “hoang đường” mà “hoang đường”
thì được giảng là “Cũng gọi [là] Hoang đàng: huyễn hoặc, không có thật”.
Cứ như trên thì, ít ra là ở trong Nam, ta có hai cấu trúc “hoang đàng”:
“Hoang đàng 1”: huyễn hoặc, không có thật.
“Hoang đàng 2”: đi hoang, bỏ luống nhà cửa.
Chuyện có thể gây ngạc nhiên là “hoang đàng 1” đã “đẻ” ra “hoang đàng
2” bằng sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa. Nếu “hoang đàng 1” nặng
tính bác học thì “hoang đàng 2” lại do dân gian mà ra. Dân gian đâu có
hiểu trong “hoang đàng 1” thì “hoang” là “trống rỗng, vô nghĩa” còn
“đàng” là “cường điệu, nói quá”. Họ chỉ biết cái nghĩa của “hoang” trong
“đi hoang”, “chửa hoang”, “con hoang” còn “đàng” là “đường đi” (Ta cũng
nên nhớ rằng Nam Bộ đã có một bài hát cách mạng nổi tiếng tên là “Lên
đàng” [chứ không phải “Lên đường]). Do đó mới ra cái nghĩa “đi hoang, bỏ
luống nhà cửa” của “hoang đàng 2”. Nhưng nếu chỉ mới đến đây thôi thì
chuyện cũng chưa lấy gì làm ly kỳ. Số là trong Nam xưa kia từng lưu hành
thành ngữ “hoang nhàn dư địa”, dùng để nói về đất bỏ hoang, không ai
trồng trọt, như đã được ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển
của Lê Văn Đức. Người bình dân đâu có biết “hoang nhàn” là “bỏ trống”
và “dư địa” là “đất thừa”. Đã thế, họ lại thấy theo cách phát âm trong
Nam thì “hoang đàng 2” và “hoang nhàn” là hai cấu trúc có cùng một cặp
vần chung là OANG - AN(G) nên họ đã cho “hoang đàng 2” xen vào “hoang
nhàn dư địa”. Lại nữa, “dư” trong “dư sức”, “dư ăn dư để”, chẳng hạn,
thì họ biết nhưng họ lại không biết đích xác “dư” trong “dư địa” là gì
nên đã thay nó bằng chữ “chi” là một chữ mà dân “dốt Nho” vẫn có thể
nghe nói tới (Chẳng thế mà “mầy tao mi tớ” đã bị làm cho méo mó thành
“mày tao chi tớ!). Thế là ta có bốn tiếng “hoang đàng chi địa”, dùng để
nhấn mạnh thêm cái nghĩa của “hoang đàng 2”, như đã được ghi nhận trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên và Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín.
Với hai thí dụ trên, ta có thể thấy sự đan xen hình thức, kéo theo sự
lây nghĩa, đã “quậy phá” ngôn ngữ như thế nào. Nhưng vì đó là sự đã rồi
từ thuở nảo nào nao nên ta chẳng có thể làm cách nào khác ngoài việc cứ
xài nó một cách vô tư khi cần thiết.
A.C
No comments:
Post a Comment