Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, giáp huyện Ba Vì, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình. Phú Thọ được coi là vùng Đất tổ, cội nguồn của dân tộc Việt. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng lên nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt.
Kinh đô nước Văn Lang
Việt Trì, Phú Thọ ở ngã ba Hạc, nơi có con sông Hồng đỏ nước phù sa hợp lưu với dòng sông Lô và sông Đà xanh biếc, là đỉnh đầu của vùng Tam giác châu thổ Sông Hồng trù phú, lâu đời gắn liền với lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt . Vì thế, Việt Trì còn được biết đến với cái tên thân thương: Thành phố ngã ba sông.
Việt Trì có làng Bạch Hạc, xưa là thị trấn Phong Châu, kinh đô nước Văn Lang đời Hùng Vương, nay là Phường Bạch Hạc. Bạch Hạc là phường “cửa ngõ” của thành phố Việt Trì, nằm trên vùng đất hợp lưu của ba con sông như ba con rồng uốn khúc về chầu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh được 100 người con, 50 người theo Lạc Long Quân về biển, 50 người theo Âu Cơ lên núi rồi suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.
Kinh đô Văn Lang nằm ở đất Phong Châu. Văn Lang có tất cả 18 đời vua với 18 triều đại kéo dài 2.581 năm. Nhà nước Văn Lang hình thành cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm. Vậy nên chúng ta mới thường gọi nền văn minh của người Việt là 4.000 năm văn hiến.
Khu di tích đền thờ Vua Hùng
Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét. Núi còn có những tên gọi khác như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn. Núi Nghĩa Lĩnh nằm trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10 km. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này. Khu di tích lịch sử được coi là trung tâm lớn nhất của tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ngày nay.
Các di tích chính
Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con.
Nhà bia: Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ có kiến trúc hình lục giác với sáu mái.
Chùa Thiên Quang: còn gọi là Thiên quang thiền tự, tọa lạc gần đền Hạ.
Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
Đền Thượng: Đền được đặt trên đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt triệu tổ” ,tổ tiên của người Việt phương Nam.
Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng có một cột đá gọi là cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Hùng.
Lăng Hùng Vương: Mộ của Vua Hùng thứ sáu. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, niên hiệu Tự Đức năm thứ 27 (1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại.
Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ 18.
Đền Mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12 năm 2004, được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn).
Đền thờ Lạc Long Quân: Nằm tại núi Sim của khu di tích lịch sử Đền Hùng, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1 km về phía Đông Nam.
Khu di tích lịch sử đền Hùng bao gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Từ những bậc đầu tiên dưới chân núi, rồi bước qua một cánh cổng, bước nhiều bậc đá lên thắp hương và thăm thú các đền, kết thúc tại đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ vua Hùng thứ sáu.
Cứ đến ngày Lễ Vua Hùng, hàng ngàn người dân từ khắp nơi tìm về Phú Thọ, tìm về cội nguồn của dân tộc, tìm về những giá trị linh thiêng ngàn năm.
Dân gian có câu ca dao rằng:
Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba.
Làng nghề truyền thống
Xã Sai Nga huyện Cẩm Khê có nghề truyền thống là may nón lá. Đây là loại nón làm từ lá cọ. Trước đây khi nón lá còn thịnh hành tại làng nghề này nhà nào cũng may nón bán nhưng hiện nay khi cuộc sống, nhu cầu đã thay đổi, ít người còn làm. Nghề làm nón Sai Nga, Sơn Nga, Thanh Nga với những sản phẩm nón trắng bền, đẹp, rẻ. Ngoài ra, Cẩm Khê còn nổi tiếng bởi nghề ươm tơ, thêu ren, mây, giang đan, nghề trồng nấm, làm mộc nhĩ,…
Huyện Lâm Thao có làng nghề ủ ấm Sơn Vi, làng nghề chăn nuôi rắn Tứ Xã.
Xã Tùng Khê huyện Cẩm Khê có nghề truyền thống là đan thúng. Toàn bộ người dân trong xã đều biết đan Thúng. Những đứa trẻ học lớp 1, lớp 2 cũng ngồi đan thúng giúp gia đình trong những khi ở nhà.
Xã Lâm Lợi Huyện Hạ Hòa có làng nghề làm bánh cuốn nóng gia truyền, hiện nay trong xã có khoảng 300 cửa hàng kinh doanh ở khắp các tỉnh phía Bắc.
Làng cá chép đỏ thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc. Cứ mỗi năm vào dịp Tết ông Táo, làng cung cấp trên dưới 40 tấn cá chép đỏ cho nhân dân khắp cả nước.
Đặc sản Phú Thọ
Bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi nổi tiếng không chỉ ở Phú Thọ, mà còn được biết đến ở nhiều nơi khác. Giống bưởi này mang tên huyện Đoan Hùng, huyện cực Bắc của tỉnh Phú Thọ.
Bưởi Đoan Hùng có quả hình cầu dẹt, chín màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, ăn ngọt mát, mùi thơm đặc trưng.
Bưởi Đoan Hùng xưa còn gọi là “bưởi Phủ Đoan”. Ngày nay, đến Đoan Hùng bạn sẽ được biết đến một số giống bưởi như bưởi Bằng Luân, quả to, dáng đẹp, vỏ vàng xanh. Bưởi Pôlênô (lai Mỹ) quả to, dáng thô, tôm nát, vị chua, không dóc vỏ. Bưởi Lã Hoàng tròn dẹt, hình bánh xe ăn mát ngon… Và cuối cùng là bưởi Sửu Chí Đám, quả vừa, xinh xắn, vỏ vàng rộm, da hơi nhăn, dáng vẻ trông khiêm tốn hơn cả.
Có lẽ làm nên cái hồn cho bưởi Đoan Hùng là hương bưởi, cái mùi thơm ngan ngát ấy thực khó diễn tả. Dịp năm mới trên bàn thờ tổ tiên mà có trái bưởi Đoan Hùng thì hương vị đặc biệt ấy sẽ làm cho không khí gia đình thêm ấm cúng.
Cơm lam là loại cơm thường được làm từ gạo nếp cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa. Đây là cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên và một số dân tộc tại Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc.
Nguyên liệu làm cơm lam bao gồm gạo, ống nứa (tre), lá chuối. Ngoài ra có thể còn có dừa nạo, nước cốt dừa, vừng trộn lẫn gạo trước khi nướng. Cũng đôi khi, tại một số vùng miền sắn, khoai, ngô, được chặt miếng nhỏ nhồi vào ống để nướng thay cho nguyên liệu chính là gạo.
Lấy gạo bỏ vào một chiếc ống giang một đầu hở, sau đó dùng lá chuối bịt kín lại rồi đốt. Ống giang dùng nấu cơm lam phải còn tươi để khi cơm chín, hạt cơm quyện thêm một chút vị ngọt và mùi đặc trưng của tre. Nứa thường được chọn giang bánh tẻ, non quá hay già quá đều không được.
Khi cơm chín, chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp lạt giang mỏng. Xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp lạt giang bên ngoài.
Thanh Phong (Trí thức VN)
No comments:
Post a Comment