Saturday, March 25, 2017

Hạch xâm lạnh

Năm 1989, Martin Fleischmann và Stanley Pons công bố kết quả thí nghiệm cho rằng có thể có phản ứng hạch xâm ở nhiệt độ thấp. Ngay lập tức, tin tức này được lan truyền như một chấn động trên các phương tiện truyền thông bởi khả năng ứng dụng vô bờ bến của nó.
Chúng ta biết rằng năng lượng nguyên tử được giải phóng nhờ các phản ứng hạt nhân. Loại phản ứng hạt nhân thứ nhất là phá vỡ các hạt nhân nặng thành các hạt nhân nhẹ hơn. Khi phá vỡ như vậy, tổng khối lượng của các mảnh vỡ nhỏ hơn khối lượng của hạt nhân nặng ban đầu. Do có sự hao hụt khối lượng, theo công thức khối lượng Einstein (Đúng hơn là Poincare-Einstein) E=mc2 khối lượng hao hụt sẽ được giải phóng thành năng lượng rất lớn (bởi hệ số c2. Hai trái bom A ném xuống Nagasaki và Hiroshima dựa trên nguyên lý này. Bên cạnh năng lượng khủng khiếp được giải phóng còn có các phản ứng phóng xạ có di họa rất lâu. 
Cha đẻ của chúng là Oppenheimer và Szilard đều thấy hối hận về việc đã tham gia vào việc tạo ra vũ khí giết người khủng khiếp như vậy. Trước đó các ông chỉ nghĩ đơn giản là nếu có vũ khí như vậy nhân loại sẽ không đánh nhau và một bên sẽ đầu hàng nhanh chóng. Các ông không thể tưởng tượng sẽ có một nhà chính trị điên rồ ra lạnh ném quái vật đó vào các thành phố có nhiều người vô tội. Oppenheimer từ nhiệm không hợp tác và bị truy tố ra tòa. Szilard cả đời không nói tới năng lượng nguyên tử nữa mà nghiên cứu về nguồn gốc sự sống, như một sự ăn năn. 
Tuy nhiên phản ứng phá vỡ hạt nhân chỉ là một phát súng hơi so với một phát tên lửa vượt đại châu, nếu so với phản ứng hạch xâm. Phản ứng hạch xâm (nuclear fusion) là việc tổng hợp các hạt nhân nhẹ thành các hạt nhân. Sự hao hụt khối lượng lớn hơn nhiều do đó sẽ giải phóng năng lượng lớn hơn nhiều. Tuy nhiêu điều kiện để có phản ứng này là nhiệt độ hoặc áp suất rất lớn. Lớn đến mức cần làm mồi cho 1 quả bom H (dùng phản ứng fusion) bằng một quả bom A. Do tác dụng kinh khủng như vậy, bom H chưa bao giờ được sử dụng, tuy đã được chế tạo thành công. Nếu được sử dụng vào mục đích hòa bình, năng lượng hạch xâm sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề năng lượng cho loài người trong thời gian dài. Tuy nhiên việc điều khiển năng lượng này trong các điều kiện bất thường như vậy rất khó khăn.
Chính vì thế thí nghiệm Fleishmann-Pons đem lại tiếng vang lớn. Phản ứng hạch xâm lạnh sử dụng điện phân tổng hợp hydro thành deuterium hoặc hellium ở năng lượng thấp. Năng lượng điện được cho là rất nhỏ sẽ giải phóng ra một năng lượng lớn gấp bội. 
Phản ứng này không có phóng xạ độc hại và hoàn toàn điều khiển được nhờ dòng điện. Nguyên liệu rất rẻ tiền, chủ yếu là nước lã và một số chất xúc tác chi phí không đáng kể bên cạnh thiết bị điện phân với điện cực làm bằng palladium. Uy tín của Fleishmann cũng có hiệu quả thuyết phục. Tuy nhiên sau đó nhiều người đã kiểm tra và không tìm thấy hiệu ứng này. Bản thân Fleishmann cũng thanh minh rằng ông rất tiếc vì trường đại học đã buộc ông công bố kết quả và giữ kín các mô tả thí nghiệm chi tiết khi bị cáo buộc là che dấu các kết quả khoa học. 
Năm 2004, quỹ nghiên cứu năng lượng của Bộ Năng Lượng Mỹ DOE đã xem xét vấn đề hạch xâm lạch và quyết định từ chối cấp ngân sách cho mọi đề xuất đề tài dự án nghiên cứu về hạch xâm lạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người phần lớn là nghiên cứu nghiệp dư lao vào lĩnh vực này. Cho đến gần đây, lâu lâu lại có một công bố là đã thành công trong việc tạo ra phản ứng hạch xâm lạnh và động cơ phát năng lượng dựa trên hạch xâm lạnh. Quan điểm của tôi khá cởi mở với các ý kiến thiểu số. Thực tế thiểu số có thể là thiên tài đang làm việc với các ý tưởng đám đông chưa thể hiểu và chấp nhận. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư vào các ý tưởng này cần phải tính đến độ rủi ro cao, do đó cực kỳ thấp đối với các quốc gia nghèo tụt hậu như Việt Nam. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, không trường vốn, có thể đặt cược nhiều lần, chỉ nên đặt vào các cửa ăn chắc. Việt Nam chắc chắn chỉ nên đầu tư vào các công nghệ well tested. Còn nghiên cứu bằng vốn của cá nhân và doanh nghiệp hoặc các nguồn khác dĩ nhiên là tự do, thậm chí có thể matching theo một tỷ lệ nhỏ nào đó. Người ta nói leading is bleeding, dẫn đầu dễ chảy máu, đó không phải là trò chơi cho các quốc gia chậm tiến. Muốn dẫn đầu trước tiên phải có thực lực đã.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment