Sunday, March 19, 2017

LUẬN TAM QUỐC: Sự nổi dậy của thế lực địa phương

Không phải điều gì của phong kiến tập quyền cũng dở. Trong lịch sử 400 năm của nhà Hán, nhân dân nhiều khi cũng được bình yên. Học vấn thơ ca đạo đức được xây dựng để lại nhiều sách vở tri thức.
Điểm yếu của chế độ phong kiến không phải là quan hệ sản xuất hay sức sản xuất như cụ Marx nói. Ở trình độ xã hội như vậy, quan hệ sản xuất đó là phù hợp.
Điểm yếu nhất là tổ chức chính quyền. Thoạt đầu việc dồn quyền lực vào hoàng đế tỏ ra có hiệu quả. Các vương gia ngoại tộc dù là đại công thần như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt, Trương Nhĩ bị loại bỏ thẳng tay để tập trung quyền lực vào công thất. Một khi mâu thuẫn bên ngoài chấm dứt, mâu thuẫn bên trong xuất hiện, các vương gia cắn xé nhau chí tử để được là hoàng đế. Nhưng làm hoàng đế không có thời gian để gái gú, hưởng lạc thì còn gì là thú vị. Hoàng đế bắt buộc phải trao quyền cho người ngoài. Anh em bà con đều có thể làm vua cạnh tranh trực tiếp nên không thể trao quyền.
Cuối cùng hoàng đế cần bằng loay hoay giữa thế lực của họ ngoại và hoạn quan. Về xu thế mà nói hoạn quan ngày càng thắng thế là tất yếu, họ ngoại thay đổi luôn luôn, thế lực không bền. Đậu Hiến, Lương Ký, Đậu Vũ là họ ngoại làm đại tướng quân, oai quyền. Cuối cùng kết thúc cay đắng vì kiêu ngạo. Bản thân Đậu Vũ là người tốt muốn nâng đỡ người tài. Kết cục thân một nơi đầu một nẻo vì bị hoạn quan giết. Bản thân việc xây dựng một cơ chế lâu dài để duy trì quyền lực một người đã là mâu thuẫn và sinh ra bọn hoạn quan nịnh thần là tất yếu. Kết cục chính quyền Trung Ương ngày càng suy yếu, không có hiệu lực, không thi hành được chính sách gì. Tất nhiên Trung Ương không có hiệu lực thì địa phương lại càng rệu rã.
Trong hoàn cảnh đó một số quan tốt đề nghị chấn hưng địa phương, bằng cách tập trung quyền lực cho các quan Mục (thứ sử). Quan Mục có quyền thống thuộc các thái thú, tướng, ở các địa phương lân cận và có bộ máy hành chính riêng. Những người đầu tiên được bổ nhiệm làm quan Mục là những người có danh tiếng, trí tuệ và phẩm hạnh như Lưu Yên, Lưu Biểu,... Thực tế họ cũng chấn hưng được một số việc, phát triển kinh tế, khuyến khích nhân tài.
Tuy nhiên, khi bộ máy Trung Ương ngày càng yếu, không làm được gì, thậm chí thành gánh nặng cho các địa phương, các quan Mục bắt đầu nghĩ khác. Bộ máy của họ đã số cho rằng không thể chấn hưng đất nước, chỉ có thể chấn hưng địa phương, được thi hành sở học, hưởng ân sủng của quan Mục, dần trở nên trung thành với quan Mục hơn với vua.
Các quan Mục cũng có các chính sách khác nhau nên bắt đầu đánh lẫn nhau. Tôn Kiên bị Lưu Biểu và Hoàng Tổ giết, Lưu Biểu tố giác Lưu Yên mưu phản. Tào Tháo đánh Đào Khiêm. Viên Thiệu giết Công Tôn Toản. Lý do là công lý và hệ thống giá trị bị cô lập hóa và địa phương hóa, không có chuẩn mực.
Bên cạnh đó, các quan Mục bắt đầu bị thay thế nên có xu hướng chống lại. Dần dần hình thành chế độ cha truyền con nối. Về mặt hình thức, các quan địa phương vẫn đứng đơn xin vua phong chức cho quan Mục mới là con quan Mục cũ. Nhưng thực ra dù vua có bằng lòng hay không, họ vẫn làm chuyện đã rồi. Cũng có trường hợp quan Mục bị dèm pha nên bị đưa về Kinh rồi thủ tiêu. Do đó quan Mục không còn vào triều chầu vua nữa.
Cũng có trường hợp quan Mục về Kinh đô nắm giữ được đại quyền trở nên quan đầu triều, dùng danh nghĩa của vua sai khiến người khác như Đổng Trác. Thực ra Trác không phải là người tồi. Vì Trác thua, bị giết nên biến thành người tồi. Khi Trác chết Sái Ung đến khóc, chịu để Vương Doãn giết. Trác cũng minh oan cho Đậu Vũ và Trần Phồn, có thể nói là người biết lý.
Tất nhiên Trác là quan Mục nắm quyền Thái Sư thì các quan Mục khác hùa nhau chống lại. Thực ra khi Trác nắm quyền, đã hình thành giới quân phiệt bên cạnh giới quan Mục. Ví dụ như Tào Tháo, Viên Thiệu, Viên Thuật là quan trong triều thuộc phe đại tướng quân Hà Tiến, đấu không lại hoạn quan hay Đổng Trác chạy về địa phương, tụ tập quân binh lẫn thảo khấu, hình thành thế lực quân sự, dần cướp quyền quan Mục. Như Viên Thiệu không ai phong cho làm thứ sứ Ký Châu, nhưng thế lực bành trướng mà giết Lưu Phức là Ký Châu Mục, tự lĩnh chức thứ sử Ký Châu. Tào Tháo cũng tự lĩnh chức Duyện Châu Mục. Viên Thuật bành trướng ở sông Hoài và duyên hải.
Tôn Kiên chỉ là một viên Thái Thú cậy vũ dũng, giết Hoa Hùng (không phải Quan Vũ như cụ La Quán Trung ghi), nhặt được ngọc tỷ, thành ra có tham vọng cạnh tranh với quan Mục là Lưu Biểu. Biểu sai Hoàng Tổ đánh giết được Kiên.
Như thế bắt đầu là chính sách tạm bỏ Trung Ương làm địa phương cho dễ. Có thể sẽ có chút thành tựu dẫn tới Sứ quân cát cứ. Tất nhiên là phải vậy, dân đâu biết đại cục, chỉ biết giữa một bên làm được một bên chỉ nói không làm được gì.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment