Monday, March 20, 2017

Thuyết Thời gian Ma

Hôm qua là ngày Xuân phân, may mà có một bạn giáo sư chuyên về môn vật lý thiên văn, nhắc đến mới nhớ. Nhân đó nhắc một thuyết hết sức thú vị liên quan đến ngày này là thuyết Thời gian Ma. Người thích suy nghĩ và kiến thức lạ không thể bỏ qua. 
Ngày xuân phân là ngày Bắc Bán Cầu của chúng ta đạt điểm Xuân phân. Còn tại bán cầu Nam đạt điểm Thu phân. Và ngược lại đến khoảng tháng 22/9 , chúng ta sẽ đạt điểm Thu phân thì Nam Bán Cầu sẽ đạt điểm Xuân phân. 
Chúng ta quan niệm rằng Xuân phân là chính giữa mùa Xuân. Nhưng ở Bắc Cực đó là thời điểm mùa Xuân bắt đầu vì mặt trời bắt đầu đi lên phía Bắc.
Các điểm phân (equinox) này được các nhà thiên văn cổ đại cả Âu lẫn Á quan sát được và dùng nó làm cơ sở để làm lịch cũng như Chiêm tinh. 
Nói một cách ngắn gọn thì tại các điểm phân, Mặt Trời nằm trên mặt phẳng xích đạo của Trái đất. Nếu có gì khó hiểu tôi sẽ viết lại, nhưng bài của bạn giáo sư kia đã đủ chính xác. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là ngày này có đêm và ngày bằng nhau và xác định được chính xác và khách quan. Chứ lập lịch chỉ theo Mặt Trời, Mặt Trăng đều dẫn đến sai lệch vì chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất cũng như của Trái Đất quanh Mặt Trời không chẵn ngày (Chính là chu kỳ quay của Trái Đất quanh chính mình). Thượng Đế bố trí các số lẻ như vậy cũng tạo ra những thứ thú vị mà tôi sẽ bàn sau.
Điểm quan trọng nhất là ngày equinox xác định được chính xác bằng quan sát đơn giản và khách quan. Do đó có thể dùng làm chuẩn cho lịch. Bạn cũng biết cách hiệu chỉnh lịch bằng năm nhuận, thực tế là để cân bằng các số lẻ trong các chu kỳ quay của Trái Đất, nhưng vẫn không đủ. Thực tế mỗi năm bị thiếu hụt khoảng 6 giờ, nên 4 năm phải thêm một ngày nhuận. Lịch âm phải thêm cả tháng nhuận. Nhưng thế vẫn không đủ. Mỗi chu kỳ 4 năm vẫn dư khoảng chưa tới một giờ đồng hồ không dùng cả ngày nhuận để điều chỉnh được. Như vậy sau 1 thế kỷ sẽ dư ra chưa tới một ngày. Nhưng các lịch đều không đặt ra cơ chế để điều chỉnh ngày này (Có lẽ để cho đơn giản hoặc nhiều khả năng hơn là không hề biết. Các bác học nhân tài thời xưa biết không bằng đứa trẻ con tử tế bây giờ).
Đến thế kỷ 16, giáo hoàng Grigory XIII nhận thấy ngày xuân phân dịch quá xa ngày 20/3 hàng năm. Nếu theo lịch của Ceasar, được lập vào thế kỷ 1, các tiết bắt đầu sai lệch. Ngài bèn ra lệnh cải cách lịch (các Giáo Hoàng tuy là lãnh đạo nhưng thường có những tư tưởng thiết thực và vĩ đại, mặc dù người đương thời nghe có vẻ viển vông).
Nếu tính chính xác thì từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 16, thời gian dư đọng lại phải là 13 ngày. Như vậy lịch Grigory cần điều chỉnh 13 ngày so với lịch Ceasar. Trong thực tế các nhà làm lịch Grigory điều chỉnh có 10 ngày (tất nhiên phải xin ý kiến và được sự chuẩn y của chính Giáo Hoàng). Vậy 3 ngày đi đâu.
Năm 1990 có một người thắc mắc, đó là Heribert Illig. Ông đặt câu hỏi và đặt ra giả thuyết có 297 năm chưa hề tồn tại trong lịch sử, bị ngụy tạo. Nói một cách khác là khi làm lịch Grigory lịch sử thế giới mới ở thế kỷ 13. Nếu Heribert đúng, năm nay thực ra mới là năm 1720 tính từ khi Thiên Chúa giáng sinh.
Thế là thế nào? Heribert đưa ra khá nhiều bằng chứng và cho rằng khoảng thời gian 614-911 sau công lịch chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta không có dấu tích gì về thời kỳ này. Nếu quan sát kiến trúc của các thành phố ở Âu châu và A rập, chúng ta sẽ thấy lỗ hổng thời gian này gây ra một số mâu thuẫn về phong cách. Nếu thời gian này không có thì cũng không hề có Charlemagne và thời lập quốc của đế chế La Mã thần thánh (không nên nhầm với Lã Mã cổ đại). Theo Heribert, chính Giáo Hoàng đã ngụy tạo ra 297 năm để bóp méo lịch sử phục vụ các ý đồ chính trị. 
Thuyết của Heribert được rất nhiều người ủng hộ và phát triển. Cố nhiên cũng rất nhiều người phản đối. 
Có 2 nhà khoa học mà tôi biết, tuy không theo thuyết của Heribert nhưng cũng có quan điểm tương tự. Một người là GS Fomenko, thầy của GS Tien Zung Nguyen và Minh Hong. Ông này chuyên về hình vi phân, vẽ rất đẹp nên đọc sách rất thích, có điều mải xem tranh quên cả đọc sách. Người thứ hai là một nhà vật lý Hungari, Viện sĩ B.Lukacs. Anh này chắc hơn tôi khoảng 5-10 tuổi, khi tôi làm luận án tốt nghiệp đại học ở KFKI thì anh này mới là nhà nghiên cứu trẻ ở đó. Lukacs trông hơi hâm hâm, nhưng biết và quan tâm đủ thứ từ hội họa đến lịch sử. Khoảng 1988-1990, phòng làm việc của tôi gần phòng của anh, thì Lukacs đã nổi tiếng với việc san định sử La Mã bằng cách xét lại vấn đề lịch. 
Mặc dù là một nhà vật lý lý thuyết, anh đã được bầu làm chủ tịch hội lịch sử hay khảo cổ thế giới vì đã giải quyết được các mâu thuẫn trong sử La Mã bằng cách xác định lại lịch cổ La Mã. Tôi chưa có thời gian đọc các công trình này, nhưng chỉ nghe loáng thoáng là Lukacs đã lấy tất cả các sự kiện trong cổ sử La Mã đưa vào máy tính và đặt vấn đề: nếu tất cả các sự kiện đó đều hợp lý, không có chuyện bố sinh sau con, thì một năm dài bao nhiêu. Kết quả nếu một năm dài khoảng 35 ngày (??? tôi không nhớ chính xác con số) thì mọi vấn đề đều ổn. Số ngày này tình cờ bằng chu kỳ kinh nguyệt của con bò được đưa lên tế thần hàng năm. Nhận xét kiểu này chỉ có B. Lukacs mới làm được. Anh giải thích người La Mã lập lịch bằng các quan sát trực quan chứ chưa nhìn trăng sao như sau này. Tôi nhớ năm thứ 3 đại học, tôi dự trường Đông về vật lý lý thuyết, nghe các cao nhân như Gribov, Kuti nói về QCD và
quark khi nói về 3 màu quark, Lukacs đã nhận xét đó là các màu cơ bản.
Anyway, Thuyết thời. gian Ma tuy quái lạ, nhưng cũng có những cơ sở và cũng được nhiều người uyên bác trí tuệ quái kiệt hậu thuẫn. Vì vậy tìm hiểu vẫn thú vị vì hệ luận cũng rất đáng suy nghĩ.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

28 comments:

  1. Tien Zung Nguyen: Ông Fomenko là "hậu duệ" của cả 1 trường phái ở Nga từ cuối TK19/ đầu 20 về việc lịch sử bị "dôi ra" và cải "dark age" (không có thông tin gì hết) thực ra không tồn tại. Bản thân cách xếp lịch sử của mấy ông như Fomenko có đúng hay sai là một vấn đề, nhưng điều chắc chắn đúng là cái gọi là lịch sử thế giới có rất nhiều vấn đề :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Dũng có thông tin gì hay thì cung cấp thêm. Anh cũng đọc Fomenko về chuyện này, nhưng không hiểu lắm (Đúng ra là mình đầu tư thời gian chưa đủ).

      Delete
  2. Quốc Hà: Bài viết cả a Aiviet Nguyen rất thú vị, nhiều thông tin mới. Chỉ cho phép em bổ sung tí cho thuận hơn nhé: Mặt Trời nằm trên mặt phẳng xích đạo KÉO DÀI của Trái Đất (tức là nó nằm trên Thiên Cầu chứ ko phải nằm trên Địa cầu = Trái Đất), hay đúng hơn là trên XÍCH ĐẠO TRỜI

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Về mặt toán học thì không cần KÉO DÀI. Mặt phẳng đã vô tận rồi :-) Nhưng cho sinh viên và người thường có lẽ phải kéo dài

      Delete
    2. Quốc Hà: Anh Việt, ko phải ai cũng hiểu điều đó anh ạ, và họ viết gọn lại là MT nằm trên xích đạo TĐ nữa kia

      Delete
    3. Nguyễn Việt Long: Đã là mặt phẳng thì vô tận rồi, từ phổ thông đã biết, còn xích đạo Trái đất và xích đạo trời là các đường khép kín, giao của mặt phẳng xích đạo với bề mặt Trái đất và với thiên cầu.

      Delete
  3. Quốc Hà: Công nhận a Aiviet Nguyen viết gì cũng sâu sắc, công phu, mà sao a biết nhiều thế nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Thêm những chuyện này vào giáo trình thiên văn của Quốc Hà anh đảm bảo người thường nghe cũng thích, há hốc mồm mà nghe, chứ còn dựng mấy mặt phẳng dù chính xác hay dễ hiểu cùng ít ai thích đọc.

      Delete
    2. Quốc Hà: Quá đúng a ạ. E cám ơn a nhé!

      Delete
    3. Ca Vu Thanh: Quốc Hà Anh nhớ ghi rõ nguồn trích dẫn là bản viết không xuất bản của bác Ai Viet nhé. Tôi cũng rất ngưỡng mộ bác ấy.

      Delete
    4. Nguyễn Việt Long: Quốc Hà là bạn nữ bác ạ. Hồi ở ký túc xá bị xếp nhầm vào phòng nam, he he.

      Delete
    5. Quốc Hà: AV, nhưng đã là giáo trình thì ko có chỗ để tám bla bla bla đc bác ơi, mà toàn mặt phẳng, đường tròn với sin, cos, lũ trẻ ko muốn cũng phải nhét vô đầu. However, khi giảng thì tám rộng ra. Vụ này liên quan tới lịch. Hôm nào rảnh e cũng sẽ bắt chước anh ngồi viết thử, mà thôi, nười quá!

      Delete
    6. Quốc Hà: Nguyễn Việt Long, sao lại khai báo làm chi, hại bạn thế? Anh AV biết mình, bạn và HIen Luong Nguyen A2 mà...

      Delete
    7. Quốc Hà: Ca Vu Thanh, sách viết các đây gần 20 năm, chúng nó luộc xào bán đầy trên mạng. Bây giờ cũng thích viết như a Việt, ko cần xuất bản (chỉ tội ko giỏi như a V, viết chẳng ai xem!)

      Delete
    8. Ca Vu Thanh: Quốc Hà, Chẳng cần xuất bản đâu. Bác cứ viết để dạy là được rồi. Những thứ như bác AV viết sẽ tạo cảm hứng cho sinh viên. Tôi biết nghề vật lý các bác kiếm tiền khó (đấy là tôi đoán vì trông cái Viện Vật lý thảm thương quá), nhưng chẳng cần kiếm tiền từ in sách, không bõ. Cứ in giáo trình trong trường và giảng dạy là được rồi.
      Những điều trên là tôi võ đoán chứ tôi không có kinh nghiệm gì về vấn đề này đâu :).

      Delete
    9. Quốc Hà: Ca Vu Thanh, bây giờ mắt toét chỉ thích đi chơi đây đó ngắm hoa ngắm cỏ, dứt khoát trở thành đồ mất dạy pác ạ! Nhưng vẫn thích đọc bài a Việt viết, phục anh chịu khó nữa!

      Delete
  4. Nam Nguyen: bài này hay quá ạ, bác không cho ra public hơi tiếc...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Để hỏi GS Ha Huy Khoai bài này viết lại đăng PI có phù hợp không?

      Delete
    2. Ha Huy Khoai: Vào mục Thiên văn thì hay quá, bác AV ạ!

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Ha Huy Khoai, Vâng để em viết lại cho phù hợp với PI

      Delete
  5. Đoàn Hồng Nghĩa: Lần thứ hai nghe về khả năng sụ ra đời của đế quốc La Mã Thần Thánh là bịa đặt của lịch sử. Mà lần này là thông qua phân tích thay đổi lịch Gregory với ngày xuân phân. Rất hay anh Ai Việt ạ!

    ReplyDelete
  6. Thanh Vu: Mong bác viết và bàn về chữ "khí"

    ReplyDelete
  7. Binh Tran: Tôi thấy lạ và ko tin lắm vì Giáo hoàng Gregory xiii sống ở tk 16 và ban hành lịch Gregorius đang lưu hành hiện nay từ 1582 !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Bác chưa nói rõ lý do không tin, "vì... sống ở thế kỷ 16" thì có liên quan gì đến chuyển này.

      Delete
    2. Binh Tran: Với thông tin nói rằng lịch Gregorius thực ra có từ tk 13, vì từ năm 45 trước c.n cho đến tk 16 lịch Julius được áp dụng liên tục !

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Áp dụng liên tục thế nào và được ai ghi nhận? Trong giả thuyết này có giải là thời gian 614-911 được ngụy tạo và chèn vào lịch sử để đẩy thời gian trị vì của giáo hoàng Silvestre II và hoàng đế Otto III lên đến năm 1000. Việc này có thể xảy ra khoảng năm 703 và được đẩy lên thành 1000.

      Delete
    4. Binh Tran: Điều này ko khó chứng minh, tuy mất công, bằng cách tìm tòi các công trình xây dựng, tác phẩm, nhân vật lịch sử sống trong thời gian đó ! Cũng có thể cả bằng những hiện tượng nhật, nguyệt thực xẩy ra ở giai đoạn này nếu được người đương thời ghi nhận !

      Delete