Saturday, August 27, 2016

BÀI KẾT: LỜI GIẢI ĐỂ VIỆT NAM THOÁT NGHÈO [6]

Khi đăng series 5 STT về "VÌ SAO ĐẤT NƯỚC TA MÃI NGHÈO" hay LỜI GIẢI ĐỂ VIỆT NAM THOÁT NGHÈO", tôi nhận được một số ý kiến cho rằng việc gì phải lý luận lắm thế, việc gì phải lý luận lòng vòng, lời giải rất đơn giản: "chỉ cần học Mỹ và phương Tây là xong" hoặc "cứ làm theo Nhật là đất nước sẽ giàu" hoặc "cứ làm theo những gì Hàn Quốc đã làm là đất nước sẽ giàu"...

Để các bạn dễ hiểu tôi lấy vì dụ đơn giản thế này:
Ai chúng ta cũng từng đi học và đều chứng kiến một thực tế là cùng một chương trình, nội dung học, cùng thầy cô giáo, cùng điều kiện học nhưng người thì học giỏi, thi đỗ, người thì học kém thi trượt. Tại sao vậy? Đơn giản là tố chất, thể chất (hay nội lực) và nền tảng kiến thức của mỗi người không giống nhau, nên khả năng hiểu, khả năng tiếp nhận kiến thức khác nhau.

Việc đưa đất nước thoát nghèo cũng giống như đi học, người Việt Nam có tố chất, thể chất, trí tuệ khác người Mỹ, người châu Âu, người Nhật, người Singapore, người Hàn Quốc, nên học họ, làm giống họ, chưa chắc chúng ra sẽ thoát nghèo.
Có thể có nhiều bạn cho rằng tố chất chúng ta tương đương họ, bằng chứng là khi làm cùng chúng tôi không hề thua kém đồng nghiệp Âu, Mỹ. Xin thưa là bạn nào đã làm cùng hãng với đồng nghiệp Âu, Mỹ thì bạn đã là thuộc nhóm người tiên tiến của dân tộc Việt còn đồng nghiệp Âu Mỹ của bạn chỉ thuộc nhóm người trung bình của dân tộc họ mà thôi, nên so sách như vậy là không ngang bằng.
Ngay cả việc công nhận tố chất chúng ta và họ ngang bằng nhau thì hiển nhiên là văn hoá và dân trí của chúng ta kém và kém rất xa họ. Đây là một thực tế không thể chối cãi: khi mà họ đã xây nhà thờ và các công trình kiến trúc bằng đá Granite thì mãi 1000 năm sau chúng ta vẫn lấy bùn đất trộn với rơm làm vách nhà; khi mà họ là người phát minh ra đèn điện thì hơn 100 năm sau chúng ta vẫn có người há miệng ngạc nhiên tại sao cái đèn lại treo ngược; khi mà họ có hệ thống tàu điện ngầm chạy khắp London, Paris, New York thì hơn 100 năm sau chúng ta vẫn coi xe máy là phương tiện giao thông chính trong thành phố.
Như vậy muốn học họ, muốn làm như họ đã làm, ít nhất chúng ta phải có nền tảng dân trí, văn hoá gần ngang bằng họ. Điều này cũng hiển nhiên như việc chúng ta muốn cùng họ học đại học, mà họ đã tốt nghiệp lớp 12, chúng ta mới tốt nghiệp lớp 9 thì việc đầu tiên buộc chúng ta phải làm là học và tốt nghiệp lớp 12.
Từ những nhận thức trên kết hợp giữa lời giải thoát nghèo của hai cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, học tập lời giải thoát nghèo của Hàn Quốc, tôi cho rằng lời giải để Việt Nam thoát nghèo là "NÂNG CAO DÂN TRÍ trong thời đại TOÀN CẦU HOÁ và INTERNET".

Cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cũng đã đưa ra lời giải nâng cao dân trí và đã thất bại, nhưng thời điểm này chúng ta đưa ra lời giải nâng cao dân trí sẽ thành công dựa trên các cơ sở sau đây:
(1) Đất nước đã độc lập.
(2) Việt Nam đã theo mô hình kinh tế thị trường.
(3) Thời đại Toàn cầu hoá: giao lưu quốc tế nhiều hơn.
(4) Thời đại Internet giúp mọi người ngồi ở nhà vẫn có thể giao lưu và tiếp xúc với tri thức và tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, mô hình kinh tế, quản trị tiên tiến.
(5) Xu thế công nghệ thay đổi nhanh chóng giúp Việt Nam có thể tiếp cận và làm chủ thẳng những công nghệ mới nhất. (Ví dụ điển hình là trong lĩnh vực Viễn thông thì điện thoại di động Việt Nam tương đương với Mỹ, Châu Âu cả về chất lượng sóng lẫn dịch vụ).

LỜI GIẢI NÂNG CAO DÂN TRÍ - KHẮC PHỤC ĐIỂM YẾU CỐ HỮU
Lời giải Nâng cao dân trí - Khắc phục điểm yếu cố hữu bao gồm 6 nội dung sau:
(1) Nhân thức rõ những điểm yếu cố hữu của người Việt làm cản làm trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Xây dựng hệ thống triết học đưa hoạt động sản xuất, thương mại, doanh nghiệp, doanh nhân thành trọng tâm của xã hội, đúng vai trò; Xác định đúng giá trị của tiền bạc; Xác định đúng thế nào là người tài và xử dụng người tài.
(2) Tăng cường giao lưu quốc tế kể cả tham quan học tập ở nước ngoài, du học nước ngoài
Quan điểm của tôi hơi khác một chút là Lãnh đạo nên tăng cường đi nước ngoài, đặc biệt các nước tiên tiến để biết, hiểu, trải nghiệm về áp dụng trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch và tổ chức triển khai. Nhưng đi là đi có nghiên cứu, trải nghiệm, về có thu hoạch, đi đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo mới nhận chức đi chứ đừng để cán bộ sắp về hưu mới đi.
Kinh nghiệm của tôi muốn hiểu đúng và sâu sắc về xã hội, nền kinh tế của họ cần thực hiện phương châm sau: Đi thì phải thâm nhập, trải nhiệm thực tế, đừng để đối tác bố trí, đưa đón từ đầu đến cuối, đừng ngồi nhiều trên ô tô, cần đến nhà máy, xí nghiệp, cơ sở nghiên cứu xem họ tổ chức nghiên cứu, sản xuất thế nào; Cần trực tiếp mua vé, đi tàu điện ngầm, tàu cao tốc, đường sắt đô thị, xe bus...; Cần đi bộ, cần tự tìm nhà hàng, đi siêu thị, đi ăn, đi uống. Có như vậy mới hiểu sâu và đúng nhất về sản xuất, kinh doanh, giao thông... và cách vận hành kinh tế - xã hội của họ. Sau khi đi về nên có tổng kết và viết thu hoạch xem xã hội, đất nước họ có điểm gì hay, đáng học tập.
(3) Đẩy mạnh hoá Toàn cầu hoá, Toàn cầu hoá là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao dân trí và phát triển kinh tế đất nước:
Cách đây 111 năm cụ Phan Bội Châu đã coi đưa học sinh đi du học là để mở manh dân trí, nhưng cụ chỉ đưa được có 200 người, bởi lẽ cụ không đủ tiền, dân Việt nam ta còn nghèo, không có nhiều người đủ tiền ra nước ngoài.
Toàn cầu hoá là lời giải quan trọng nhất, vì nó lấy luôn việc kinh doanh, thương mại làm cơ sở, lấy chính chi phí kinh doanh, chi phí triển khai hợp đồng, hạch toán vào dự án, hợp đồng. Vì vậy chỉ cần Toàn Cầu Hoá thành công, chỉ cần ký được nhiều hợp đồng ở nước ngoài thì hiểu hiên sẽ đưa được nhiều người Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Chúng ta coi Toàn cầu hoá là chiến lược phát triển kinh tế quan trọng nhất. Toàn cầu hoá vừa để kiếm ngoại tệ, làm giầu cho đất nước vừa là là biện pháp tốt nhất để nâng cao dân trí, bởi trong quá trình đi ra nước ngoài, làm việc ở nước ngoài, hoạt động thương mại ở nước ngoài người Việt không chỉ làm giầu mà người Việt còn tiếp cận cách tư duy, cách suy nghĩ, cách làm, nhìn nhận thế giới, nhận thức điểm yếu, học hỏi cái hay của các dân tộc khác.
(4) Phổ cập CNTT và Internet cho toàn dân, nhất là nông thôn và vùng núi.
(5) Sửa đổi các điểm yếu cố hữu của người Việt:
Truyền thông rộng rãi, đưa vào chương trình giáo dục bậc cuối phổ thông và đại học các điểm yếu cố hữu của người Việt làm sao để người Việt chăm chỉ hơn; Người Việt nghĩ lớn hơn, người Việt hoạt động thương mại rộng hơn, kể cả thị trường toàn cầu; Đặc biệt người Việt biết tôn trọng những người khác biệt chính kiến, tôn trọng các chính kiến khác biệt; Xã hội Việt nam hiểu đúng về nhân tài và sử dụng nhân tài, hiểu đúng về giá trị đồng tiền, hiểu đúng về doanh nhân, đặt doanh nhân, doanh nghiệp và hoạt động thương mại xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng của nó.
(6) Học tập các điểm hay của dân tộc khác:
Học Hàn Quốc, lãnh đạo đất nước cùng lãnh đạo các cấp cần xây dựng lòng tự tôn dân tộc, "người Việt dùng hàng Việt", xây dựng tính kỷ luật và chuyên nghiệp trong lao động, tôn trọng và tuân thủ các qui định của luật pháp, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, coi trọng tính hệ thống, không khuyến khích tính lanh trí, khôn lỏi trong xử lý các vấn đề chính yếu.

KẾT:
Những lời giải này chỉ mới dừng ở mức ý tưởng, nhưng nếu nhiều người Việt Nam nhận thức ra, nhiều người đồng tình, nhiều người chia sẻ, đặc biệt là quyết tâm thay đổi chính mình thì tôi tin tưởng tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng, tốc độ phát triển kinh tế của đất nước sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Chúng ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, thế mà 15 năm qua tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cao nhất khu vực Asean, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể, nếu chúng ta cùng đồng lòng, tự nhận thức, tự hành động thay đổi chính mình để NÂNG CAO DÂN TRÍ của chính mình, của gia đình mình, của người thân mình, của bạn bè, đồng nghiệp mình thì tôi tin tưởng sâu sắc rằng NHẤT ĐỊNH VIỆT NAM SẼ THỊNH VƯỢNG.

from FB/Vũ Văn Thân ( CaoBao Đo's post) 

No comments:

Post a Comment