Friday, August 26, 2016

Chuyện xưa: Nguyễn Trãi và mưu đồ cải cách

Lương Đăng là hoạn quan, cùng Nguyễn Trãi san định lễ nhạc. Phần nhiều không hợp ý. Trãi ý muốn theo lễ nhạc cổ của Trung Quốc. Đăng muốn cải cách, đem một số làn điệu mới của Chiêm và nhạc dân gian. Trãi cho đó là dâm nhạc của mọi rợ, bèn bỏ không làm. Đăng làm xong dâng lên. Vua rất đẹp ý bèn cho thi hành. Nguyễn Trãi can: Lễ nhạc là phải theo phép tắc của Chu Công, Khổng Tử. Nay Đăng là giống hoạn quan, vượt thân phận, gian tà hại nước, phải chém đầu làm gương.
Đăng phủ phục nói: tôi là trung quan, thấp hèn, ngu dốt chỉ biết làm hết chức phận vua giao và năng lực của mình, đâu có biết lễ nhạc thời Ngu Thuấn, Chu Khổng nó ra làm sao, lại càng không dám lạm bàn việc nước.
Đinh Thắng, Đinh Phúc cũng là hoạn quan bị triều thần khinh rẻ, mắng nhiếc không tiếc lời. Những việc gì, vua trẻ tuổi nông nổi khinh suất làm sai đều đổ lên đầu Thắng và Phúc. Nguyễn Trãi quay lại can dự triều chính. Mưu đồ cải cách lớn, hạ uy thế của quyền thần xuất thân võ tướng, đề cao văn thần, nho học. Lại đưa Thị Lộ vào cung để gây ảnh hưởng với vua. Vua mê Lộ, việc gì cũng nghe. Thắng và Phúc bèn can Trãi: đó là việc nguy không nên làm.
Sau vụ Lệ Chi Viên, Trãi, Lộ bị khép vào tội giết vua. Khi bị tra khảo, Trãi chỉ nói tiếc không nghe lời Đinh Thắng Đinh Phúc. Sau khi Trãi bị chu di ba họ, đại tư đồ Lê Sát bèn cho giết Thắng và Phúc vì tội đồng đảng với Trãi.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

18 comments:

  1. Nguyen Chien: Chu kiem tai lieu nay o dau vay? Khac voi hinh anh Nguyen Trai trong sach vo. :)

    ReplyDelete
  2. Thien Nguyen: Anh Việt trích nguồn cho dân tình tham khảo với ạ.

    ReplyDelete
  3. Nguyễn Minh Tuấn: Từ ngày xửa ngày xưa đã có kiểu dâng vợ cho quan trên rồi à, Ai Viet. Ngày nay khối kẻ học theo cụ Nguyễn Trãi chăng?

    ReplyDelete
  4. Do Xuan Phuong: Nguyễn Trãi là một trí thức tạm gọi là 'nhập thế', 'tấn vi quan' (để phân biệt với các trí thức mà anh Việt dẫn ra ở tút trước, nặng về khoa bảng, 'xuất thế', 'thoái vi sư'). Tiếc rằng công trạng của ông không trọn vẹn như các vị Vạn Hạnh thiền sư, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

    Cái dở của Nguyễn Trãi có lẽ bắt nguồn từ tư tâm chấp ngã, lấy hiểu biết (Nho học) của mình làm chuẩn mà bài xích sở học của người khác.Đây là thông bệnh cực kỳ phổ biến, tự cổ chí kim ít người thoát nên bàn về giá trị của con người thì có thể lấy đó làm răn.

    Toán lý cũng có dẫn chứng "cùng một trạng thái thì hệ thống phức hợp có thể có nhiều đường trắc địa để đi từ A đến B". Không hận thức được điều ấy thì người ta tranh cãi nhau vì ai cũng cho rằng con đường của mình là đúng nhất thay vì chấp nhận quan điểm của người khác.

    Nho học có phép tắc trật tự, học theo thì sướng lỗ tai trí thức và thuận tiện cho nhà cai trị, Nguyễn Trãi ủng hộ Nho cũng chẳng lấy gì làm lạ. Vấn đề là Thiên nhiên không thích trật tự ở quy mô lớn và hiện ra ở xã hội loài người là sự đa dạng văn hóa, chủng tộc ...vv. Không tìm được sự hài hòa giữa trật tự và hỗn độn thì trái với đạo trời :)

    ReplyDelete
  5. Nguyen Ai Viet: Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn Thư

    ReplyDelete
  6. Ca Vu Thanh: Tháng 11

    Ban bố các nghi thức mới định lại trong các dịp lễ thánh tiết, chính đáng, sóc vọng, thường triều đại yến .
    Trước kia, vua sai Lương Đăng định các nghi thức đại triều, đến đây hoàn thành dâng lên. Vua bái yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ theo nghi thức mới bắt đầu từ đây.
    Bọn Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ tâu rằng:
    “Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao!
    Vả lại, quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả, như đánh trống là báo giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh.Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào đánh chuông chưng tân rồi năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi gì?. Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước, quy chế xưa làm như thế hay sao?. Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, các quan lui ra, vua con ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao?. Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm”.
    Đăng tâu: “Thần không có học thức, không biết quy chế cổ, các nghi thức nay đã làm, chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền”.
    Nguyễn Liễu tâu rằng: “Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này”.
    Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng:
    “Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”.
    Cuối cùng phải giao Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử xong, tội đáng chém, nhưng được lệnh riêng, cho thích chữ vào mặt, đày ra châu xa.

    ReplyDelete
  7. Ca Vu Thanh: Ý kiến Sử gia Tạ Chí Đại Trường (giống quan điểm bác Ái Việt):

    Sự xung đột giữa nho thần và hoạn quan có lúc đi đến chỗ khôi hài điếng người như trong câu chuyện xảy ra dưới triều Càn Long đã kể. Tuy nhiên sự khinh miệt của nho thần cũng dẫn đến phản ứng của hoạn quan khi thấy những người kia có thành kiến quá quắt, không hiểu cả lí lẽ bình thường. Trong cuộc tranh chấp về lễ nhạc giữa nhóm Nguyễn Trãi và Lương Đăng (1437), Tham nghị Nguyễn Liễu chê hoạn quan không đủ khả năng, không hiểu phép xưa (như của Chu Công), phép nay (như của nhà Minh), nên làm sai lệch cả. Lương Đăng, với quan điểm ngày nay thì chắc là làm theo “tinh thần dân tộc có sáng tạo” chế biến, nên nhũn nhặn xin dành quyền quyết định cho vua. Nguyễn Liễu sợ Thái Tông nghe lời, liền phản kháng trước: “Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan phá hoại thiên hạ như thế này”. Thế là tranh chấp tổ chức văn hoá trở thành sự kèn cựa phỉ báng riêng tư tập thể. Đinh Thắng từ trong bước ra mắng: “Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”. Ông văn quan đa sự hay chữ, hú hồn vì thoát khỏi bị chém đầu, nhưng mang chữ thích vào mặt, những ngày tàn nằm ở châu xa hẳn phải ân hận về cơn cường ngạnh bảo vệ Thánh giáo của mình. Cũng nên lưu ý rằng Đinh Thắng là người đã có lòng can ngăn Nguyễn Trãi chớ đem Thị Lộ vào cung làm vây cánh, hành động đã khiến ông thái giám này chết (1442) theo ông Hành khiển đối thủ trong cuộc tranh cãi trên.

    ReplyDelete
  8. Ca Vu Thanh: Ý kiến GS Trần Văn Khê:

    Khi xưa vì một Lương Đăng mà nhạc cung đình nhà Lê không được xây dựng vững chắc. Ngày nay, trong những việc tổ chức âm nhạc tại nước Việt, chúng ta cũng phải tránh để đừng có những “Lương Đăng” vọng ngoại và coi thường nhạc cổ truyền Việt Nam.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Cụ Khê giỏi nhạc nhưng không đọc kỹ sử. Cụ mượn Nguyễn Trãi để đòi phát triển nhạc cổ truyền. Thực ra Lương Đăng mới cổ súy dùng nhạc dân tộc.

      Delete
  9. Đỗ Minh Tuấn: Nguyễn Trãi có vẻ sớm có tư duy và tác phong của các bác dân chủ thời nay? :-)). Tôi cũng đoán Nguyễn Trãi bị giết do xung đột văn hoá giữa văn hoá hồn nhiên, xanh tươi của đời sống bình dân Việt với văn hoá từ chương khô cứng của Nho Gia ảnh hưởng Tàu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ca Vu Thanh: Cái vụ Nguyễn Trãi bị giết rất phức tạp bác ạ; đó là cái vụ đánh nhau giữa các phe, phái triều đình. Người ta nói rằng nguyên do là các bà hoàng hậu đánh nhau để đưa con mình vào ngôi báu; và như bác Ái Việt nói, cũng là do Nguyễn Trãi đưa bà Nguyễn Thị Lộ vào cung hầu vua với chức vụ Lễ nghi học sỹ, ngày đêm hầu bên cạnh (ý là Nguyễn Trãi tham quyền cố vị) nên vướng vào vụ này. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc Nguyễn Trãi than là không nghe lời Phúc, Thắng để tố cáo bà Thị Anh. Ý này cũng không chuẩn vì với chức quan của Nguyễn Trãi, sao dám tố cáo bà Thị Anh. Vì vậy, trong vụ Nguyễn Trãi bị giết, về cơ bản tôi đồng ý với ý bác Ái Việt, còn về vụ Lương Đăng và Nguyễn Trãi thì tôi không rõ.

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: Ca Vu Thanh, Về vụ Lệ Chi Viên, không phải là không đủ sử liệu để phán đoán, mà người Việt mình không dám viết ra (thậm chí không dám nghĩ kỹ). Tôi thấy có bà nhà văn Pháp là viết thật nhất. Bác Đỗ Minh Tuấn là người có quả mật vững, làm một phim về vụ đó, cho dân tình thấy sự thật. Về ý nghĩa cũng hay phết.

      Delete
  10. Nguyen Ai Viet: Cuộc đời phức tạp, không có trắng đen rõ ràng (vì vậy mới hay). Cụ Trãi mục tiêu là phi quân sự hóa triều đình (đúng), nhưng cụ không giỏi về chính trị. Truyền nhân của cụ là Lê Tư Thành, thực hiện được điều đó bằng giá khá đắt, dẫn tới suy nhược chính quyền. Cụ Trãi khi vào triều Thái tôn, cũng khá hẩu với Lê Sát, Lê Ngân để đè các võ tướng khác. Tôi không nghĩ Sát và Ngân mưu với Thị Anh để giết Trãi. Với tư cách là tể thần, Sát và Ngân giết cụ Trãi là việc phải làm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ca Vu Thanh: Sao lại Sát và Ngân hả bác? Hai ông Sát và Ngân chết 5 năm rồi mới có vụ Lệ Chi Viên cơ mà? Mà mãi sau khi hai ông Sát và Ngân chết 3 năm Lê Thái Tông mới sủng ái Nguyễn Thị Anh mà?

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: Ca Vu Thanh Ừ đúng tôi nhầm. Nhưng Sát và Ngân không hề chống cụ Trãi như nhiều người nói.

      Delete
  11. Nguyen Ai Viet: Tất nhiên chuyện cũ viết lại của tôi có hư cấu thêm mắm muối, nhưng không bịa sai bản chất. Ví dụ sử không ghi lại Lương Đăng nói "Không biết nhạc cổ thời Ngu Thuấn, Chu Khổng ra sao". Nhưng đố cụ Trãi hay bất cứ cụ nào tìm được nhạc cổ thời Chu Khổng nó ra sao. Thời Ngu Thuấn chắc chưa biết nghe nhạc, nhiều lắm là gõ vò.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Do Xuan Phuong: Chu Công, Khổng Tử đều có bàn về Dịch lý, mà Dịch có ngũ hành hóa ngũ âm, tức là một dạng chuẩn hóa.

      Delete
  12. Nguyen Ai Viet: ĐVSKTT ghi lại lời tâu của Lương Đăng và của Nguyễn Trãi về Lễ Nhạc đủ để thức giả bình phẩm.

    ReplyDelete