Thursday, August 25, 2016

TRÍ THỨC VIỆT NAM? MONG MANH

Không phải ông nào không biết làm gì ngoài đọc sách, hoặc có bằng cấp đều là trí thức theo nghĩa mà tôi hiểu. Khi một người bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa thực sự đằng sau kiến thức trong sách, tìm cách kết nối chúng lại với nhau và với sự tồn tại của bản thân mình, khi đó có thể gọi là trí thức, khác với đám thợ chữ trộn bê tông chữ, trát chữ để mưu sinh. Nước Nga có nhiều nhà khoa học, Viện sĩ lỗi lạc, nhưng điển hình trí thức là Perelman. Tính cách Perelman càng nhiều thì độ trí thức càng cao. Lăng xăng quan quyền như Lysenko, Sedov, Mitchourin hay Fadeev không thể gọi là trí thức. Tuy hành động tự sát của Fadeev cũng có chút hơi hướng trí thức Nga theo kiểu Yesenin.
Trong làng khoa bảng Việt Nam, tỷ lệ tri thức khá thấp. Nếu lấy điển hình thời phong kiến có thể lấy Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Pháp thuộc có thể lấy Nguyễn Khuyến, thời xã hội chủ nghĩa có thể lấy Nguyễn Tuân. Đó là các hình tượng mà sĩ phu tôn sùng nhất. Tính cách bao trùm các vị này là yếm thế.
Cụ Chu Văn An, không thấy nghe nói làm gì cụ thể, ngoài việc dâng sớ chém 7 người bị gọi là gian thần. Nhưng cụ thể không biết là ai, tội trạng gì. Riêng về mặt pháp lý không ổn. Là vua tôi sẽ không bao giờ chém người dù tôi không ưa theo đề nghị trái quy trình và đạo lý như thế. Khái niệm gian thần của sĩ phu Bắc Hà rất cảm tính, công thức và theo chủ nghĩa lý lịch: như các hoạn quan Lương Đăng, Đinh Thắng Đinh Phúc bị Nguyễn Trãi chỉ măt là gian thần hai nước, đều có những lời bàn hữu lý về cải cách lễ nhạc và có khí tiết. Về mặt chính trị, nếu quả cụ An muốn chém thật, hoặc việc chém đó có ích nước lợi dân, cụ phải bày mưu tính kế với Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đều là bậc tể tướng, học trò, nghe cụ răm rắp, sắp đặt dày công xong chém dễ như bỡn. Nhưng planning một chương trình thực hiện cụ thể mất thời gian không phải là mặt mạnh của trí thức ta. Các cụ trí thức thanh cao không làm việc cụ thể. Vì thế mà có truyện tiếu lâm: thầy ngoại khoa cắt xong đuôi mũi tên phủi tay xong việc, còn lại là việc của thày nội khoa. Thực ra, mục tiêu của cụ An chỉ là truyền thông, mượn 7 tên đặt ra chuyện chém để tạo dư luận xã hội mà thôi. Có lẽ từ "chém gió" nên lấy chuyện Chu Văn An là điển tích từ nguyên. Thơ phú trước tác của cụ An để lại cũng không thấy thật xuất chúng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể nói là trí thức Việt Nam có uy tính quốc tế. Cụ cũng thoát khỏi các vấn đề quốc nội để nghiên cứu lý số là khoa học chung của các nước Tứ Đại Hoa, được một nhà tổ sư dịch lý tán tụng "ở nước Nam có ông Trình là biết dịch lý". Thế là ghê lắm rồi. Cụ được vua Mạc trọng vọng, nhưng không thấy bàn được mưu nào ích quốc lợi dân. Mưu kỳ bí nhất của cụ là bày cho Nguyễn Hoàng cát cứ Đường Trong phân tranh đất nước, không thể gọi là ích nước lợi dân. Sấm Trạng Trình thi kỳ bí, không biết có nghĩa thật như người ta tán hay không. Có lẽ nên mở rộng thành ngữ "vịt nghe sấm Trạng".
Nguyễn Khuyến, đỗ đầu liền ba kỳ thi Hương Hội Đình, có thể coi là giấy thông hành trí thức. Tuy nhiên, người thi rớt nhiều lần như Trần Tế Xương không thể gọi là không trí thức. Về công tích của cụ toàn bộ đều là phân vân, thấy nói ngang, móc máy, xỏ xiên nhiều chứ không có quan điểm gì tường minh để dân tình lấy làm chủ thuyết mà theo. Thậm chí, thái độ sống của một biểu tượng được tôn sùng như thế cũng làm các nỗ lực của các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền thành trò công cốc đáng cười. Thơ của cụ rặt những chữ, không thấy ý nào cho cứng cỏi, nguyên khôi. Cái gì cũng tí tẻo tèo teo. Việc cụ trở thành thần tượng cũng thấy trí thức của ta mong manh thế nào. Có lẽ cụ Yên Đổ đáng là biểu tượng của "trí thức trùm chăn".
Nguyễn Tuân được nhiều người tôn sùng, do lập dị và cầu kỳ. Văn ông đọc cũng thích nhưng đọc một vài bài thì chán vì không thấy ý tưởng nào tích cực, lặp lại na ná như nhau. Giống như một ông thánh ngồi trong nhà phán về thời sự quốc tế. Có vài template thì phán chuyện gì cũng được, nhưng nó cứ meo méo thế nào đó.Tư tưởng của ông cũng không được sắc bén như Nam Cao. Cái tinh tế của ông quay đi quay lại thấy là Phở, Trà. Nghe nói ăn uống của ông cũng cầu kỳ, giò lụa phải mua ở chợ Hàng Da. Thấy nói ông "ngẳng" với các quan văn nghệ như Tố Hữu, Hà Xuân Trường, nhưng thái độ ông không rõ ràng bênh vực bạn hữu được như các "đại ca" Nguyễn Huy Tưởng, Tô Ngọc Vân. Tâm huyết với nghệ thuật thì không được như Văn Cao, Nguyễn Sáng. Công tích không thể so với Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Tố. Việc ông trở thành biểu tượng cũng cho thấy cái gọi là trí thức Việt thật mong manh. Cụ Tuân đáng gọi là "trí thức giả điếc cầu an".
Như vậy, có thể tạm khắc họa hình tượng trí thức Việt xuyên thời đại là "chém gió, phán ra sấm, trùm chăn và giả điếc cầu an". Ôi mong manh.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

25 comments:

  1. Nguyễn Thành Nam: Anh Việt tự nhận thuộc loại nào vậy:-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Anh đã trót làm quan, lại kinh doanh, làm R&D thì trí thức gì. Lão Tử nói đó là bọn "chế khí giả" không coi là "đạo đức giả" :)

      Delete
  2. Do Quang Binh: Bác nhận xét sắc như dao cạo. Thế Nguyễn Trãi có thể coi là biểu tượng của trí thức Việt được không ạ ? Nguyễn Trãi có trí tuệ, chí khí, tư tưởng, mưu lược, công tích ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Nguyễn Trãi là loại "trí thức bi hùng" cũng may không phải tiêu biểu của trí thức Việt Nam. Trí thức tiêu biểu không nhất thiết hay nhất, mà chỉ lấy hình mẫu được tôn sùng nhất thôi. Thơ cụ Trãi hay, chính tích công lao rạng rỡ, có tư tưởng, mưu lược thì không được như người ta nói và cũng rất nhiều tính toán và tầm nhìn sai. Khi nào rảnh sẽ viết thêm. Loại trí thức bi hùng thời nào cũng có, có lẽ cũng nên đặt thành hình tượng tiêu biểu. Khi nào rảnh viết thêm về cụ Trãi.

      Delete
  3. Nguyễn Trọng Dũng: Anh Việt chắc dùng từ mong manh cho nhiều nghĩa nhưng theo quan sát của em thì từ này rất đúng cho kiến thức nền tảng của trí thức Việt Nam. Em đoán tại đa số không có thời gian cho các tác phẩm kinh điển bắt buộc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Trí thức Việt tiêu biểu nói chung không có sản phẩm gì :)

      Delete
  4. Minh Chiet: Có phán ra sấm đâu anh Ai Viet?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Minh Chiết thử đọc vài luận án và đề tài xem có giống sấm trạng kg? Phán mà phải có sét và chớp nữa mới oai.

      Delete
    2. Minh Chiet: Đọc tên các đề tài và luận án đã chết sặc vì cười r anh ạ

      Delete
  5. Minh Chiet: Theo tiêu chí của anh Nguyễn Ái Việt nhẽ VN ko có đến 1 trí. Thế mà đảng cứ ngại.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Đảng có công nghệ sản xuất "trí thức" ngại gì.

      Delete
    2. Nếu có những trí thức thời XHCN thì cũng khó tồn tại đích thực với danh nghĩa của mình, tư tưởng có là gì cũng phải thỏa hiệp với tổ chức rồi cũng như đại bàng bị bầy gà què xúm lại làm cho trụi lông xệ cánh. Là anh hùng thì cũng như sư tử giữa những bầy linh cẩu cuồng tín rắp tâm triệt hạ. Đó là chưa tính đến hằng hà sa số quần chúng (ruồi nhặng các loại) luôn 1 lòng trung thành đến cùng (không biết vì cái gì???).
      Làm sao có nổi sấm sét, chỉ có thể thoi thóp, mong manh là phải rồi.
      Các bạn có thể tham khảo thêm sách của GS Hoàng Xuân Nhị về đề tài chống Chủ nghĩa xét lại hiện đại và những đề tài khác (XB lưu hành trong Trường Đại học) do Trường ĐH Tổng hợp HN XB trong thời kỳ này sẽ rõ.

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Bác Nhị này cũng là một cây bút đàn áp trí thức chủ lực

      Delete
  6. Thanh Nguyen Huu: Ái Việt chém... anh em ta kinh quá :)

    ReplyDelete
  7. Tuan A. Phung: bác Ai Viet còn quên các cụ "chí Việt" lập hội vác Sartre & Chomsky ra để định nghĩa lại thế nào mới là trí thức trong thế kỷ 21 cơ ...thêm mấy ông văn sỹ ra khệnh khạng phán tầm NBChâu cũng chưa đạt cỡ chí Việt đâu nhé ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Anh không biết vụ này. Có điều anh xem trọng Châu vì những việc có tính "suy nghĩ" và "kết nối", đặc biệt là việc lên vùng cao dạy cho các em bé, chứ không phải là vì làm Toán.

      Delete
  8. Do Xuan Phuong: Á Đông có câu "thế thiên hành đạo", lại có câu "trời cao đất dày", thật khó thay! :)

    ReplyDelete
  9. Đỗ Minh Tuấn: Ạnh Aí Việt có con mắt Tôn Hành Giả nhìn thấu xương Bạch cốt tinh, vậy mà vẫn cảm tính với trường hợp Nguyễn Tuân. Cụ Tuân năm nào cũng mang hoa lên tặng ngày sinh nhật Tố Hữu vì ơn ông này giới thiệu vào Đảng. Cụ có vài trò diễn loè được đám văn nghệ Bác Kỳ, chẳng hạn khi Hà Xuân Trường nói chuyện thì cụ chống gậy đi ra. VNS xuýt xoa. Hà Xuân Trường thì cũng là dây Tố Hữu, tay phải của Tố Hữu, chỉ khác Nguyễn Tuân là không đi đêm tặng hoa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Hà Xuân Trường tuy là quan, nhưng nhân văn, cầu thị và khiêm nhường. Vì thế cụ Tuân hay mượn HXT để "ngẳng". Nghe nói, ngày Tết HXT đến chúc Tết cụ Tuân. Cửa ở dưới nhà khóa, không có chuông, ông bèn gọi "Nguyễn Tuân có nhà không". Nguyễn Tuân thò cổ ở tầng trên, mặc pijama nói to "Nguyễn Tuân không có nhà". Văn nghệ sĩ xuýt xoa cho là nhân cách, khí phách gì gì đó. Tôi lại thấy đó là tiểu tiết, chẳng có gì đáng tôn vinh. Cụ Tuân tôi thấy phảng phất giống một con chim bói cá. Rất đẹp. Khí phách dũng cảm, biết sai thì nhận như cụ Bửu Tiến thì tôi phục, đáng gọi là trí thức.

      Delete
  10. Nguyen Binhduong: Bạn có đánh giá hơi quá ko? Bạn xem xét cũng cần so với hoàn cảnh lúc đó mà ko nên áp với thời nay. Có khi mình sinh ra khi đó lại ko làm đc như họ thì sao? Cứ xem bg thôi và đánh giá bg thôi có sao ko?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Tôi giải thích rõ rồi Dương ạ. Đồng thời với cả 4 vị trên đều có người "trí thức" hơn, nhưng sĩ phu của ta vẫn chọn tôn sùng 4 vị này hơn. Đó mới là vấn đề, chứ không phải là đánh giá của tôi.

      Delete
    2. Nguyen Binhduong: Tôi ko đc uyên bác như bạn, nhưng nghĩ đánh giá thì nên công bằng thôi

      Delete
  11. Nguyen Ai Viet: Thời của Chu Văn An, đã có những Trần Quốc Tảng, Trương Hán Siêu, đáng gọi là trí thức. Văn chương, công tích, tính cách đều vượt trội. Nhưng sĩ phu lại chọn cụ An để tôn sùng. Cũng có lý do cụ là nhà giáo có nhiều học trò thành đạt, có thế lực. Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là các trò cụ đều hơn cụ về trí thức. Thời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mình không được rõ lắm, có Phùng Khắc Khoan có vẻ có tiếng tăm và công tích, nhưng chưa chắc so được với cụ Khiêm. Tuy vậy, thấy cụ cũng trùm chăn kín mít thời xã hội loạn lạc, mà không phát ngôn được câu gì thực tế như Lý, Đỗ. Quanh đi quẩn lại ba thứ tiểu tiết như "Thớt có tanh tao ruồi đổ đến. Gang không mật mỡ kiến bò chi." Ai muốn biết cụ Khuyến một cách sinh động, có thể đọc "Bóng nước Hồ Gươm" của Chu Thiên.

    ReplyDelete
  12. Tran Thi To Nga: Hay và xác đáng lắm ạ

    ReplyDelete
  13. Nguyen Ai Viet: Cần nói rõ thêm stt của tôi không có mục đích đánh giá 4 vị trên, mà chủ yếu đánh giá cái đánh giá của sĩ phu đối với 4 vị nói lên điều gì mà thôi.

    ReplyDelete