Saturday, August 20, 2016

LỜI GIẢI NÀO ĐỂ THOÁT NGHÈO [5] SÁNH VAI VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ

Đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo tôi đã suy nghĩ và tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi sau:

(1) Tại sao người Việt lại mắc một số yếu điểm cố hữu mà các dân tộc khác lại không mắc hoặc mắc ít hơn, mắc nhẹ hơn và làm cách nào để khắc phục hoặc ít nhất hạn chế các điểm yếu cố hữu của người Việt.

(2) Tại sao sao các nước Phương Tây (Châu Âu, Mỹ, Australia), Nhật Bản lại giầu có vượt trội so với phần còn lại của thế giới (không tính các nước dầu mỏ Trung Đông do nguồn tài nguyên dầu mỏ khí đốt thiên nhiên ban tặng).

(3) Tại sao các nước Châu Phi, Nam Á, ASEAN (trừ Singapore) lại nghèo.

Mỗi câu hỏi sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng câu trả lời chung nhất cho cả ba câu hỏi trên là các nước Phương Tây văn minh hơn, dân trí cao hơn, tính khoảng 1000 năm trở lại đây thì hầu hết các phát minh vĩ đại nhất làm thay đổi thế giới loài người từ bánh xe, đầu máy hơi nước, bóng đèn, động cơ điện, điện thoại, tivi, máy tính, Internet... đều do người phương tây phát minh.

Sở dĩ người Việt chúng ta mắc những tật xấu cố hữu là vì người Việt chưa văn minh, dân trí thấp, giao lưu quốc tế ít, nên không mở rộng tầm mắt nhìn nhận thế giới văn minh.

Tương tự như vậy sở dĩ các nước Châu Phi, Nam Á, Asean nghèo cũng là vì các nước ấy chưa văn minh, dân trí thấp, dù họ có theo thể chế nào: phong kiến, quân chủ, chuyên quyền, độc tài, dân chủ, cộng hoà hay xã hội chủ nghĩa. Đơn giản là vì văn minh, dân trí thấp thì dù có theo thể chế nào thì người dân cũng không đủ hiểu biết, tri thức để sử dụng đúng đắn nhất vai trò và quyền lợi của mình, chưa kể còn bị lợi dụng dẫn đến chính họ lại là lực lượng cản trở sự phát triển của đất nước.

ĐI TÌM LỜI GIẢI ĐỂ VIỆT NAM THOÁT NGHÈO

Đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo, tôi đã nghiên cứu các lời giải thoát nghèo của các học giả, các chuyên gia cả trong nước lẫn ngoài nước; Tôi đã nghiên cứu, suy nghĩ, phân tích sâu các lời giải đó. Có rất nhiều điểm trong lời giải đó thuyết phục tôi, nhưng cũng rất nhiều điểm không thuyết phục được tôi, tôi đã tìm thấy thực tế rất nhiều phản ví dụ là nhiều quốc gia Asean, Nam Á đã đưa ra lời giải gần giống như vậy cho quốc gia, dân tộc mình 30-40-50 năm nay, tức học tập mô hình dân chủ hoặc cộng hoà nhưng hiện tại quốc gia họ vẫn chưa thật sự thoát nghèo.

Các lời giải để Việt Nam thoát nghèo do các chí sĩ yêu nước, các học giả, các chuyên gia trong nước lẫn ngoài nước bao gồm:

(1) Nâng cao dân trí của hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu

(2) Học tập mô hình các nước tiên tiến Âu, Mỹ, Nhật Bản

(3) Học tập mô hình, con đường đi của Singapore, South Korea (gần chúng ta nhất)

Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu 3 lời giải thoát nghèo trên:

(1) NÂNG CAO DÂN TRÍ của cụ PHAN CHU TRINH và PHAN BỘI CHÂU
Cách đây 111 năm, đầu thế kỷ 20, cụ Phan Chu Trinh cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Trần Quí Cáp là những người thấy rõ những điểm yếu cố hữu của con người và xã hội Việt Nam. Các cụ chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao DÂN TRÍ, đặc biệt là trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hoá - giáo dục, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu, hội nhập với thế giới văn minh.

Với mục tiêu "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh"; Khai hóa dân tộc; Giáo dục ý thức công dân, tinh thần tự do; Xây dựng cá nhân độc lập, tự chủ, có trách nhiệm với bản thân và xã hội; Thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa, tâm lý, tính cách, tư duy, tập quán của người Việt; Phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền, dân quyền, nhân quyền, dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái; Cải cách trên mọi lãnh vực.

Phong trào "khai dân trí" thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán cũ lạc hậu.

Cũng thời gian ấy Cụ Phan Bội Châu đã tổ chức Phong trào Đông Du, với mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập. Đợt đầu tiên 1905-1906 cụ đưa được 8 thanh niên sang Nhật Bản, đến năm 1908 phong trào Đông Du đưa được 200 người sang Nhật Bản du học. Số học sinh này sinh hoạt chung trong một tổ chức gọi là "Việt Nam Cống hiến Hội".

Lời giải nâng cao DÂN TRÍ của hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu không thành công, bị thất bại bởi 3 lý do:

[1] Đất nước chưa độc lập, vẫn chịu sự cai quản của Pháp.
[2] Số lượng người ra nước ngoài, trực tiếp trải nghiệm thế giới Văn Minh (Nhật Bản) là quá ít (mới có 200 người).
[3] Tại thời điểm đầu thế kỷ 20 Nhật Bản chưa đại diện cho thế giới văn minh mà chính Nhật Bản cũng mới đang đi học thế giới văn minh, mới đang trong quá trình NÂNG CAO DÂN TRÍ.

(2) HỌC TẬP MÔ HÌNH CÁC NƯỚC TIÊN TIẾN ÂU, MỸ, NHẬT BẢN
Rất nhiều nhà nghiên cứu, trí thức, doanh nhân người Việt ở Việt Nam và nước ngoài đưa ra lời giải là học tập mô hình các nước tiên tiến Âu, Mỹ, Nhật Bản. Lời giải nay dựa trên các tiền đề:

[1] Các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản là những nước kinh tế phát triển nhất, giầu có nhất.
[2] Vì những nước đó kinh tế phát triển nhất, giàu có nhất nên hiển nhiên mô hình kinh tế, xã hội, thể chế của họ là đúng đắn nhất.
[3] Về tố chất: người Việt Nam không hề thua kém (đúc kết qua quá trình làm việc cùng họ của Việt Kiều).

Lời giải này được rất nhiều người tin là con đường duy nhất đúng đắn đưa Việt Nam thoát nghèo, nhưng thực tế mấy chục năm qua đã có rất nhiều nước Châu Phi, Nam Á, Asean đã đi theo con đường này, nhưng kết quả là đất nước họ vẫn loanh quanh, luẩn quẩn ở mức thu nhập trung bình.

Philippines là một ví dụ điển hình: Học mô hình của Mỹ:

[1] Chính phủ dân chủ mô hình Cộng hoà lập hiến (cộng hoà Philippines) với Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, nhiệm kỳ 6 năm, được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu, người dân bầu trực tiếp Tổng thống, Tổng thống thành lập nội các.
[2] Lưỡng viện quốc hội Philippines gồm có Thượng viện và Hạ viện, các thượng nghị sĩ được dân bầu và có nhiệm kỳ sáu năm.
[3] Quyền tư pháp được trao cho Tối cao pháp viện, bao gồm một Chánh án tối cao và 14 thẩm phán, họ đều do Tổng thống bổ nhiệm từ danh sách do Hội đồng Tư pháp và Luật sư đệ trình.

Ở thời điểm năm 1960, trong Asean kinh tế Philippines đã vượt Việt Nam, Indonesia, Thailand, Myanmar, Cambodia, Laos. Thế nhưng đến nay kinh tế Philippines đã bị Indonesia, Thailand vượt qua và chỉ còn hơn Viêt Nam chúng ta có 1.36 lần.

Bangladesh là một ví dụ thứ 2: Học mô hình của Anh:
[1] Đa đảng bao gồm Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP), Liên đoàn Awami Bangladesh, đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami Bangladesh và Islami Oikya Jot, Đảng Jatiya...
[2] Mô hình dân chủ nghị viện Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, Tổng thống được cơ quan lập pháp bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm. Chính phủ gồm các bộ trưởng do thủ tướng lựa chọn và do tổng thống chỉ định.
[3] Hệ thống một viện với 300 thành viên Quốc hội do dân bầu với chỉ một đại biểu cho mỗi khu bầu cử có nhiệm kỳ 5 năm. Quyền bỏ phiếu phổ thông cho mọi công dân từ 18 tuổi.

Năm 1960 GDP đầu người cua Bangladesh gần tương đương Việt Nam, thế nhưng hiện tại GDP đầu người của Bangladesh chỉ bằng 57% của Việt Nam.

HỌC TẬP MÔ HÌNH SINGAPORE, KOREA

Singapore là một hiện tượng rất đặc biệt, một kỳ tích châu Á là quốc gia có GDP đầu người cao nhất châu Á, vượt cả Nhật Bản, Hồng Kông, đặc biệt vượt qua mấy chục nước Châu Âu. Thế nhưng Singapore thực chất không phải là một quốc gia đúng nghĩa mà là một thành phố với dân số 5.5 triệu người và diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc của Việt Nam. Thâm Quyến của Trung Quốc là một ví dụ: Thâm Quyến cũng là một thành phố với lợi thế là trung tâm tài chính, thương mại phía Đông Nam của Trung Quốc Thâm Quyến có GDP đẩu người là 24.000$, gấp hơn 5 lần GDP đầu người của Trung Quốc, gần tương đương với Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Năm 1960 GDP đầu người của Hàn Quốc chỉ tương đương Việt Nam, thế nhưng chỉ 30-40 năm Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc và ngày nay đã trở thành một quốc gia kinh tế hàng đầu châu Á, chỉ sau Macau, Singapore, Japan, Israel, Hongkong và một số quốc gia dầu mỏ (Qatar, United Arab Emirates, Kuwait, Brunei, Bahrain).

Đầu tiên Hàn Quốc nhận thức rằng muốn phát triển kinh tế cần mở mang dân trí, khắc phục những điểm yếu cố hữu của người Hàn Quốc. Các bước chính Hàn Quốc đã làm trong 20 năm đầu tiên là:

[1] Tivi Hàn Quốc chỉ có vẻn vẹn 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”; từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng cho đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, cách tạo dựng một nhà máy.

[2] Cải cách giáo dục bằng cách dịch nguyên sách giáo khoa của người Nhật sang tiếng Hàn để giảng dạy, trừ các môn địa lý, lịch sử và văn học (1968).

[3] Cử những sinh viên giỏi toán nhất theo học ngành tài chính ở các trường đại học lớn của Mỹ.

[4] Nhận thức các điểm yếu cố hữu của người Hàn Quốc và quyết tâm thay đổi:
- Tinh thần tự cường: "Người Hàn Quốc chỉ dùng hàng Hàn Quốc", dù hàng của Hàn Quốc chất lượng chưa tốt, hình thức chưa đẹp.
- Đặt lợi của tổ quốc lên trên tất cả mọi thứ kể cả bản thân.
- Làm việc chăm chỉ, mỗi người Hàn Quốc làm việc tối thiểu 9-10h một ngày, sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành công việc mà không kêu ca, không than vãn.

Lưu ý rằng Hàn Quốc đã thành công còn nhờ dân tộc Hàn có một số điểm mạnh sau mà tôi nghĩ dân tộc Việt đang thiếu:

[1] Về thể chất và độ nhanh, khéo léo họ thuộc top đầu Châu Á, vượt trội Việt Nam chúng ta; Bắc Triều Tiên là một ví dụ, dù đóng cửa, ít giao lưu với thế giới, kinh tế chưa thật sự phát triển, thế nhưng họ vẫn thuộc top đầu châu Á về bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn.

[2] Người Hàn Quốc rất quyết luyệt, họ làm bất cứ cái gì cũng quyết liệt, quyết tâm rất cao, thực hiện đến cùng.

[3] Người Hàn Quốc có tôn ti trật tự rất cao, trên dưới rất rõ ràng, ý thức phục tùng cấp trên gần như tuyệt đối.

(Bài tiếp, KẾT: LỜI GIẢI ĐỂ VIỆT NAM THOÁT NGHÈO)
Viết tại Qui Nhơn,
quê hương của Hoàng đế QUANG TRUNG

from FB/Vũ Văn Thân ( CaoBao Đo's post)

1 comment:

  1. Vũ Văn Thân: Mấu chốt là ở dân trí thấp muốn thoát nghèo phải nâng cao dân trí muốn nâng cao dân trí thì phải nâng cao quan trí

    ReplyDelete