Tôi chỉ có một ngày để đi từ cửa Thuận về mũi Tư Hiền theo dọc bờ phá.
Chiều lại lênh đênh trên sóng Tam Giang. Thế mà cảm xúc trải nghiệm đã
đầy ắp. Du lịch đối với tôi là khám phá, chứ không phải chỉ là tắm biển,
ăn hải sản, phơi nắng và nằm máy lạnh. Ở mũi Tư Hiền, trên bờ biển vắng
vẻ, hoang sơ, không dễ gì có được ở nơi khác, tôi nhặt được một vỏ ốc
khá lớn thật đẹp. Không hoàn mỹ trau chuốt bóng loáng như vỏ ốc mua ở
hàng mĩ nghệ mà còn mang theo hơi thở của biển, của cát, của Tư Hiền.
Tại tháp Chàm Phú Diên, tôi "nhặt" được từ "lúa Chiêm" vốn là lúa của
Chiêm Thành, có sản lượng cao hơn lúa mùa, trồng ngắn ngày hơn. Trên bờ
phá, tôi nhặt lại được cảm xúc mơ mộng thời thơ ấu về cuộc sống trên đầm
phá bát ngát tự do, không tục lụy. Dọc theo các làng cổ thuộc hai
huyện Phú Vang, Phú Lộc, san sát các làng văn hóa, với những nhà thờ họ
rất đẹp. Nhà cửa ở đây cũng khang trang, vườn cũng đẹp trang nhã hơn các
nơi khác ở Huế. Mỗi nơi chỉ có vài phút để nhìn, để cảm xúc, rồi vừa đi
vừa nghĩ vừa chiêm nghiệm. Như thế chưa phải là chơi Huế. Chơi Huế phải
lâu hơn, cảm xúc phải mạnh hơn, suy nghĩ phải sâu hơn mới tự khám phá
cho mình những điều mới. Huế như một kính vạn hoa, mỗi người đều phải tự
mình nhìn thấy một bức tranh mới. Du lịch Huế theo kiểu ăn liền như ở
Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang Vũng Tàu là chỉ thấy được phần nhỏ của Huế.
Riêng một làng cổ đã có thể lang thang nhiều ngày, vừa nghĩ tới chiều
dài lịch sử thăm thẳm của Huế từ thời châu Ô châu Rý, tới thời Đặng Tất
Đặng Dung giữ nước, chúa Nguyễn dựng đô, Quang Trung xưng đế và một thời
cố đô vàng son lộng lẫy. Tất cả tuy đã chìm vào quá khứ, nhưng hồn vẫn
phảng phất khắp đất trời, đợi người chắt lọc. Có bao nhiêu làng như thế,
mỗi góc làng, góc vườn cũng đủ để ta khám phá. Huế đầy ắp chuyện cũ,
tích cổ và văn hóa.
Hôm nay tôi chợt nhớ về chợ Dinh. Ngày xưa nói về Huế tôi nhớ nhất câu
Ru em em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Ấn tượng nhất là "théc cho muồi" nghĩa là "ngủ cho say", rất Huế. Nhưng
tôi thích nhất là tên các chợ. Cách đây vài năm tôi có quen được một cụ
giáo già ở Đồng Hới, Quảng Binh. Cụ nói là ở chợ Dinh, vì vậy tôi cố
gắng ghé nhà chơi. Nhà vườn rất đẹp, tuy đơn sơ và chật chội. Đi đường
qua Đập Đá, Vĩ Dạ, qua nhà máy bia thì có cầu chợ Dinh. Chợ không xa
cầu. Sở dĩ gọi là chợ Dinh vì ngày xưa có nhiều dinh các đức ông, quan,
công hầu. Chợ Dinh bán trầu của người Chiêm, còn gọi là Trầu Mọi (Té ra
người Chiêm cũng ăn trầu). Gọi kiểu cách hơn là Trầu Hương, thơm đặc
biệt. Huế có rất nhiều thứ thơm ngon đặc biệt, nhưng không thành thương
hiệu cả nước, chỉ người Huế biết và dùng tại chỗ, không mở rộng sản xuất
bán cho thương lái đi cả nước. Chẳng hạn, chanh Huế rất ngon, thơm đặc
biệt, không nơi nào có, pha nước mắm cốt là thành ngay đặc sản. Nhưng
khó mà mua được nhiều. Một lần ăn hải sản trên Phá Tam Giang tôi mới để ý
và thấy chanh Huế tuyệt vời. Hạt sen là món quốc hồn quốc túy của Hà
Nội, từ thời sen Tây Hồ, trải qua thời giả mạo bằng khoai tây bi thắng
đường, cho đến nay khôi phục lại thương hiệu tại hàng Điếu, hàng Gà,
hàng Than, nhưng công bằng mà nói không thể bằng hạt sen Huế. Sen từ Hồ
Tinh Tâm bên Tử Cấm Thành, thơm trang nhã, nhỏ, hết sức khác biệt về
đẳng cấp, hương lên mũi là thấy cả một trời Huế trong tâm hồn. Tôi không
ăn trầu, nhưng chắc Trầu chợ Dinh cũng thế.
Người Huế phân
biệt rất kỹ mọi thứ. Thanh Trà phải của làng Nguyệt Biều, quýt của Hương
Cần, hạt sen Tịnh Tâm, cau của làng Nam Phổ. Nghèo thì thôi đừng dùng,
cố nhịn, nhưng đã dùng cho ra dùng. Những thứ đặc biệt chỉ dành cho
người biết, người chơi. Cũng như bún bò, bánh Huế, người Huế cũng dùng
riêng, khách du lịch mời vào bà Đỏ hay Lý Thường Kiệt. Kiến thức, cách
thưởng thức mới tới đó thôi. Người Huế không quảng cáo làm lớn, ai có
phúc thì được hưởng.
Năm 1979, tôi dạy thỉnh giảng ở Đại học
Huế. Có anh thầy có nhà vườn ở Nam Phổ mời về nhà chơi, ăn ngô luộc và
thưởng thức đêm trong vườn cau. Có đi mới hiểu câu "trăng sáng vườn cau"
là nghĩa thế nào. Đẹp không thể nào tưởng tượng. Không hiểu sao chưa có
một danh họa nào về ánh trăng trong vườn cau. Khi trăng lên, ánh sáng
xuyên lọt qua các đọt lá câu, thành các các tia đan xen, được bố trí
thành một tổng thể ánh sáng, hình khối tuyệt vời, rất khó tả hết, chỉ có
thêm thấy trực tiếp và cảm xúc. Trong ký ức tôi là bức tranh đen trắng
với vô vàn thân cau thẳng, trong vườn Huế. Lại có chén rượu, nồi bắp hái
ở Cồn Hến luộc thơm phức. Được hưởng một lần nhớ mãi. Tôi thực sự ghen
tỵ với những người Huế, được hưởng hàng ngàn đêm như thế. Vườn cau đêm
lại có một mùi hương lạ lùng, nhẹ nhàng phảng phất. Nghe nói các cụ ngày
xưa cất rượu cau, rất quý. Tôi để ý mà ngày nay chưa từng nghe nói có
ai làm ai bán. Cau Nam Phổ nghe nói ngon đặc biệt, rất cầu kỳ, khác hẳn
cau xứ khác.
Tôi vẫn nghĩ mãi xem chợ Quán, chợ Cầu ở đâu.
Trước kia tôi nghĩ chợ Cầu là chợ ở bên cầu ngói Thanh Toàn, cũng phía
chợ Dinh. Nhưng có lẽ không phải. Ở Huế nổi tiếng có nhà máy vôi Long
Thọ, chắc bắt đầu phải dựa trên nhân lực làm vôi cũ. Long Thọ đối diện
với Kim Long, Thiên Mụ, bến sông có nhiều trầm tích vỏ sò, ốc nhiều đến
mức thành mỏ. Vôi ăn trầu phải luyện từ vỏ sò mới mịn, nhuyễn, thanh
khiết và có vị riêng. Như vậy chợ Quán, chợ Cầu phải là các chợ ở Thanh
Lương, Nguyệt Biều.
Nói chuyện Huế lại giật mình vì Hà Nội cũng có câu ca tương tự
Ru em em ngủ cho rồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu Chợ Dinh
Người Hà Nội nói Nam Phổ là phố Hàng Bè. Chợ Dinh là dinh Phủ doãn
huyện Thọ xương, nay ở ngõ Huyện. Chợ Cầu là chợ Cầu Đông: "Bà già đi
chợ Cầu Đông. Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng".
Rồi đến
câu "Gió đưa canh trúc la đà" cũng có phiên bản Hà Nội Huế. Hai nơi đều
là cố đô, một nơi là quê mẹ một nơi là quê bà ngoại tôi.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Doan Vinh: Hay, nhiều cảm xúc anh ạ.
ReplyDeleteQuang Nguyen: Thầy viết về Huế dạt dào cảm xúc quá, tự nhiên không trau chuốt mà văn vẫn đẹp. Cũng mong một lần được lang thang Huế như thầy.
ReplyDeleteĐào Trương Bích: Bạn viết hay hơn dân chuyên bọn tớ rồi đấy . Đúng là gen của gia điình . Chúc bạn có nhiều bài viết hay ....
ReplyDeleteVinh Nguyen: ...Tiếp (mặc dù ko hiểu lắm):... Chợ Dinh bán áo con trai/ Triệu sơn bán nón Mậu tài bán kim/ Kim liên ơi hỡi Kim liên/ Đẩy xe cho chị qua miền Hà khê... (?)
ReplyDelete