(NCTG) Vào năm 2006, nền âm nhạc Hungary đã có chuỗi kỷ niệm rất trọng thể 195 năm ngày sinh và 120 năm ngày mất của nhạc sĩ vĩ đại Liszt Ferenc, người con lớn của dân tộc Hung, được đánh giá là nhà soạn nhạc tài ba và toàn diện nhất của dòng nhạc lãng mạn thế kỷ XIX, đồng thời, là nghệ sĩ dương cầm lớn nhất của mọi thời đại.
Liszt Ferenc (1811-1886)
Liszt Ferenc có lẽ là người khổng lồ hiếm có trong nền văn hóa Hungary, một "công dân thế giới" ưu tú theo đúng nghĩa của từ này. Chẳng những là "ông hoàng" của trường phái Lãng mạn, là danh cầm đệ nhất được giới nhạc thừa nhận, Liszt còn là thủ lĩnh tinh thần của đời sống văn hóa đương thời, là người dìu dắt và bảo trợ cho nhiều nhạc sĩ lớn. Với việc tạo dựng một hình thái âm nhạc mới, Liszt đã làm giàu cho lịch sử âm nhạc, và đáng nói là ông đã có nhiều nỗ lực không mệt mỏi để đưa vẻ đẹp của âm nhạc đến những giai tầng cùng khổ của xã hội. Trong Liszt Ferenc, có sự hòa trộn thiên tài của các nền văn hóa Hungary, Áo và Pháp, khiến ông trở thành một nhân sĩ, một nhà văn hóa có tầm hiểu biết rộng lớn của thế kỷ XIX.
Chào đời năm 1811 tại Hungary trong một gia đình có
cha là một sĩ quan từng chơi nhạc trong dàn nhạc cung đình và mẹ là một
phụ nữ Áo, ngay từ thuở nhỏ, Liszt đã tỏ ra là một thần đồng. Được cha
để tâm dạy dỗ dương cầm từ rất sớm, năm 9 tuổi, cậu bé Liszt Ferenc đã
có buổi công diễn piano đầu tiên trước cử tọa đông đảo. Lối trình diễn
dương cầm bay bổng của cậu bé khiến một vài nhà quý tộc kinh ngạc và
khâm phục: họ đã góp tiền để Liszt có thể theo học nhạc tại Vienna, thủ
đô âm nhạc thế giới thời ấy. Tại đây, cậu bé cũng chinh phục khán giả
Áo, ngay Beethoven cũng chú ý đến tài năng đặc biệt của Liszt. Năm 1923,
chàng thiếu niên Liszt Ferenc mới 12 tuổi đã từ giã nước Hung trong một
buổi hòa nhạc lớn: để tiếp tục con đường âm nhạc, Liszt cùng thân mẫu
đi biểu diễn một vòng tại Anh, Pháp rồi định cư ở Paris hoa lệ.
Tại "Kinh thành Ánh sáng", đời sống tinh thần của
trung tâm văn hóa này đã có tác động lớn tới Liszt: ngoài âm nhạc, văn
học và các trào lưu triết học cũng khiến chàng thiếu niên Liszt mê mẩn.
Tuy nhiên, năm 16 tuổi, Liszt đã trải qua một cơn chấn động lớn: thân
phụ anh qua đời và chàng trai mất đi một chỗ dựa chính yếu. Những chuyến
công diễn khắp nơi bị ngưng lại, từ đó, Liszt phải kiếm kế sinh nhai
bằng nghề dạy đàn dương cầm. Cái chết của người cha, cũng như mối tình
đầu bất thành đã khiến Liszt Ferenc bị chứng trầm cảm nặng nề, anh sống
ẩn dật và cách ly với thế giới bên ngoài.
Ba năm sau, cuộc cách mạng Pháp 1830 đã đưa chàng
thanh niên Liszt Ferenc 19 tuổi trở lại với cuộc sống xã hội. Trong làn
gió của sự đổi mới và tri thức, Liszt làm bạn với những nhân vật hàng
đầu của giới nghệ thuật đương thời, như Chopin, Berlioz, Paganini,
Lamartine, Heine, George Sand, v.v... Năm 23 tuổi, Liszt làm quen với nữ
bá tước Marie d’Agoult và cuộc tình say đắm kéo dài trong 10 năm này đã
chắp cánh cho ông trong bước đường nghệ thuật: Liszt đi diễn ở hầu hết
các thành phố lớn ở Châu Âu và cho ra đời một số nhạc phẩm quen biết.
Sau khi trở thành một danh cầm thượng thặng, ông còn được biết đến như
một nhạc trưởng tài ba.
Nữ bá tước Marie d’Agoult, người dẫn dắt Liszt Ferenc vào giới
nghệ thuật Paris, mẹ của ba đứa con với nhà soạn nhạc (trong số đó, cô
con gái thứ hai Cosima sau là vợ của nhạc sĩ Richard Wagner)
Trong những năm ấy, ý thức xã hội trong Liszt Ferenc
cũng chín muồi, ông cảm nhận được rằng cần đưa âm nhạc ra khỏi khuôn khổ
những phòng diễn xa hoa chỉ dành cho giới quý tộc, mang đến với quần
chúng lao khổ. Lịch sử âm nhạc còn ghi lại buổi hòa nhạc miễn phí đầu
tiên, do Liszt thực hiện, vào năm 1841, tại Toulouse. Ở đây, Liszt trao
doanh thu của một buổi hòa nhạc từ thiện cho đại diện giới thợ thuyền.
Một công nhân, sau khi cám ơn tấm lòng của người nghệ sĩ, đã tỏ ý tiếc
vì quần chúng cực khổ không bao giờ được nghe hòa nhạc do giá vé quá
đắt. Lập tức, Liszt hoãn chuyến đi và chơi miễn phí một buổi cho giới
thợ!
Năm 1842, Liszt Ferenc định cư vĩnh viễn tại Weimar
(Đức) và trong vòng 13 năm sau, ông đứng đầu dàn nhạc cung đình. Nhiệm
vụ này đòi hỏi ông phải tập trung sáng tác và không thể đi lưu diễn khắp
nơi như trước đó. Cũng bởi vậy, kể từ đấy, Liszt tạm ngưng sự nghiệp
biểu diễn để chuyển sang sáng tạo và đại đa số các tác phẩm lớn của ông
ra đời trong khoảng thời gian này. Đồng thời, ông cũng có điều kiện bảo
trợ các tài năng trẻ, cả về tinh thần lẫn tài chính, như trong trường
hợp của Richard Wagner. Năm 1875, ông sáng lập Nhạc viện Budapest và là
giảng viên đầu tiên tại đó; nhạc viện này, đến nay vẫn mang tên Liszt
Ferenc và là một trung tâm đào tạo âm nhạc lớn trong vùng Đông Âu.
Đại học Âm nhạc Liszt Ferenc (Budapest)
Tuy nhiên, trong khi sự nghiệp âm nhạc của Liszt thăng hoa ở mức cao
nhất thì đời tư của ông lại đầy sóng gió với những mối tình phiêu lưu.
Tình cảm thoảng qua của Liszt dành cho một vũ nữ ở Paris đã khiến nhạc
sĩ mất người vợ đầu, nữ bá tước d’Agoult, cũng là người đã đưa ông vào
thế giới nghệ sĩ của kinh thành Ba Lê hoa lệ. Về sau, trong một dịp biểu
diễn tại Kiev, ông làm quen với quận chúa Lola Carolyne, một phụ nữ dịu
dàng, khả ái và trầm lặng, nhưng đã có gia đình. Mối tình lớn nhất
trong đời của Liszt đã không thành vì ông không thể kết hôn cùng
Carolyne: cho dù Liszt đích thân xin Đức Giáo hoàng cho phép nữ quận
chúa được ly hôn chồng cũ, nhưng rốt cục thân nhân của Carolyne đã ngăn
cản điều này và người phụ nữ tuyệt vời ấy, đã bỏ nhà theo Liszt sang
Đức, nhung rồi suy sụp khi biết mối tình của họ không thể trọn vẹn. Kể
từ đó, Liszt Ferenc sống cô độc, dành hết thời gian cho sáng tác và để
quên dần những mối tình cũ.
Liszt Ferenc, bốn chặng của cuộc đời
Liszt Ferenc mất tại Đức năm 75
tuổi trong cảnh cô đơn, để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ, trong số đó,
mảng nhạc có đề tài quê hương Hungary chiếm một phần đáng kể, như bản
giao hưởng "Hungária" ca ngợi lịch sử anh hùng của đất nước, các bản "Cuồng tưởng khúc Hungary"
(Magyar Rapszodiák) được thai nghén từ nét nhạc của sắc dân Tzigane,
hay bản "Thánh ca Esztergom" (Esztergomi mise), sáng tác cho lễ khánh
thành tòa Đại giáo đường lớn nhất của nước Hung. Đối với những cặp trai
gái đang và sẽ yêu, có lẽ Liszt gần gũi nhất với bản "Mơ tình"
(Szerelmi álmok), mà giai điệu đã trở nên quen thuộc với người yêu nhạc
Việt Nam từ nửa thế kỷ nay (với tựa đề "Giấc mơ tình yêu", nhạc điệu
của Liszt đã được đặt lời Việt).
Nguyễn Hoàng Linh
No comments:
Post a Comment