Phú Vang nằm sát biển. Xưa có làng Chuồn của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.
Ông hoàng thi sĩ này có hai cô con gái tài sắc gả cho hai chàng trai
tài tuấn nhất đất Thần Kinh là Đoàn Hữu Trưng và Hồ Đắc Tuấn. Trưng chí
lớn vá trời, ôm bụng kinh luân, phò tá Thái tử Hồng Bảo, lúc nào cũng
nghĩ đến dân đến nước, sách vở chỉ nắm đại thể mà quán thông. Tuấn chăm
chỉ thi thư nền nếp, làu thông sách thánh hiền, quyết chí vào hoạn lộ
vinh danh cho dòng họ Hồ. Nhưng rồi cơ trời chuyển đại thần Trương Đăng
Quế vì xích mích với Thái Tử, giả chiếu chỉ truyền ngôi cho Hồng Nhậm.
Hôm tuyên đọc chiếu chỉ Hồng Bảo ngã ngất thổ một đấu máu.
Tự
Đức lên ngôi, bạc nhược để mất đất vào tay ngoại bang. Suốt ngày thơ ca
vô dụng, lại lo thổ mộc xây lăng ròng rã, kiệt sức dân. Trưng mượn cớ
Quận chúa Thể Cúc cãi mẹ chồng, trả cả vợ con cho nhạc phụ. Khởi nghĩa
Chày Vôi thất bại Trưng bị lăng trì và chu di cả họ. Quận Chúa và đứa
con được tha, phải đổi tên là Ngoáo. Không biết số phận về sau của
Ngoáo thế nào. Nhưng sau này Huế có cụ Ngoáo hình dung gớm ghiếc làm
nghề đao phủ, các bậc cha mẹ thường đem doạ con khi chúng quấy khóc. Nếu
quả là hậu duệ của anh hùng Đoàn Trưng thì thục xót xa. Quận Chúa hoá
điên, sau khi khỏi vào nhà tu kín. Hồ Đắc Tuấn sau này là quan tới Phụ
chính đại thần, là thân sinh Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung.
Đến Phú Vang tôi mới chợt hiểu Vang là Vinh. Phú Vinh có làng Chuồn chứng kiến bao số phận giàu nghèo vinh nhục.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Doan Vinh: Nguyên xưa, nơi đây là vùng đất thuộc châu Lý của Chiêm Thành. Sau khi được sáp nhập vào Đại Việt, nhà Trần đã đổi tên châu Lý thành Hóa Châu. Thời Lê, đặt thành Tư Vinh thuộc phủ Triệu Phong. Đầu thời Nguyễn đổi tên là Phú Vinh, nhưng thường đọc trại thành Phú Vang.
ReplyDelete